, //, :: GTM+7

Một số mô hình chăn nuôi gà hiệu quả ở Việt Nam

Lê Thu - Phương Đặng (tổng hợp)

Theo Tổng cục Thống kê, tại thời điểm 01/10/2016, đàn gia cầm cả nước hiện có 364,5 triệu con, trong đó số lượng gà đạt 277,2 triệu con (tăng 6,9% so với năm 2015). Đàn gia cầm, đặc biệt là gà đang có xu hướng phát triển nhanh theo mô hình sản xuất hàng hóa, quy mô trang trại. Dưới đây, tạp chí Nông thôn Việt sẽ điểm qua một số mô hình nuôi gà đạt hiệu quả cao của các hộ nông dân, doanh nghiệp trong thời gian gần đây.

Mô hình nuôi gà đồi (Nghệ An)

Trần Hữu Đức (29 tuổi) ở xóm 7 xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương đã xây dựng mô hình chăn nuôi gà thả đồi từ 5 năm nay. Với trang trại 10ha, mỗi năm trang trại của anh Đức xuất chuồng khoảng 48.000 con gà thịt (giống gà cỏ địa phương), đem lại nguồn thu khoảng 5,5 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 1,2-1,3 tỷ đồng. Trang trại 10ha bao gồm 10 khu chăn nuôi, một khu vực chăm sóc và một ao cá dùng nuôi vịt, thả cá. Địa hình chủ yếu là vùng núi, xa khu dân cư, cách ly được bệnh, thuận lợi cho việc chăn nuôi. Chuồng nuôi được thiết kế theo tiêu chuẩn, thông thoáng tự nhiên, mát vào mùa hè, ấm về mùa đông… Bên trong chuồng, sử dụng đệm lót sinh học để hút ẩm, cũng như giữ ấm khi trời mưa, tránh các bệnh dễ mắc phải như cúm, hen,... Gà được tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine rồi thả dạo trong vườn dưới những bóng cây cổ thụ, vườn thả được san lấp phẳng không tạo thành vũng nước sau mưa. Nguồn thức ăn chủ yếu từ tự nhiên như ngô, cám gạo, thóc,… cho nên đa số gà có đề kháng cao, thịt săn chắc và nhanh nhẹn.

Mô hình nuôi gà trên cát (Thái Bình)

Ở xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, anh Hoàng Công Điền có trang trại 5.000m2 với mô hình nuôi gà trên cát theo quy trình nuôi khép kín từ 1 ngày tuổi cho tới khi xuất bán. Trang trại gồm 3 dãy nhà với gần 40 chuồng nuôi, mỗi chuồng có khoảng 1.000 con gà thịt. Các chuồng nuôi có chung một kiểu thiết kế: Mỗi chuồng rộng chừng 64m2, được phủ một lớp trấu. Lớp trấu này thường xuyên được thay đổi để đảm bảo vệ sinh sạch sẽ. Trong các chuồng đều có hàng tre treo lửng. Chuồng nuôi được thiết kế theo kiểu công nghệ cao, trang bị thêm quạt và đèn sưởi bằng ga để điều chỉnh nhiệt độ. Mỗi chuồng có 1 sân chơi cho gà rộng khoảng 80m2. Các sân được bơm một lớp cát 30cm, lớp cát có nhiệm vụ hút khô phân gà. Hỗn hợp cát khô, vôi bột vào ngày nắng có khả năng khử trùng, khử khuẩn. Ngoài ra, nguồn thức ăn chủ yếu của gà là ngô, cám gạo kết hợp thêm men tiêu hóa của Nhật Bản. Sau khi xuất bán, các chuồng nuôi được phun nước vôi từ mái xuống nền chuồng để vô trùng.

Mô hình nuôi gà đẻ trứng công nghệ cao (Bình Dương)

Trang trại CNC Ba Huân. Ảnh: Hiếu Thuận.
Trang trại CNC Ba Huân. Ảnh: Hiếu Thuận.

Công ty TNHH Ba Huân đã xây dựng thành công quy trình từ chăn nuôi đến xử lý trứng bằng công nghệ cao. Trang trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao được xây dựng với quy mô 18ha, tổng đàn 1triệu con tại huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Tất cả quy trình chăn nuôi đều tự động hóa, từ cung cấp thức ăn nuôi gà, gom thức ăn thừa đến thu trứng, gom phân. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho gà đẻ và gà giống, những công nhân của trang trại trở lại làm sau khi nghỉ phép phải cách ly ba ngày. Thức ăn cho gà được tuân thủ theo yêu cầu dinh dưỡng nghiêm ngặt và qua kiểm định an toàn. Vì vậy một nhà máy chế biến thức ăn gia súc công suất 20 tấn/giờ cũng được xây dựng trong khu này để chủ động cung cấp và kiểm soát nguồn thức ăn cho gà, tạo thành một quy trình khép kín. Bên cạnh đó, là nhà máy xử lý trứng gia cầm quy mô 2ha với hai dây chuyền xử lý trứng Moba Hà Lan có công suất 185.000 trứng/giờ.

Mô hình nuôi gà thương phẩm dưới tán cà phê (Lâm Đồng)

Với 5.000m2 diện tích trồng cà phê, mỗi năm gia đình ông Lê Phú Nguyên (tổ dân phố khu Thăng Long, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) có khoản thu nhập trên 100 triệu đồng. Vào năm 2016, ông Nguyên đã quyết định nuôi gà thương phẩm kết hợp với thâm canh cà phê nhằm tăng hiệu quả kinh tế. Chuồng trại được xây dựng dưới tán cà phê, gà giống sau khi bắt về được nuôi nhốt trong nhà có điện thắp sáng để tạo độ ấm cho gà con. Khi gà con có trọng lượng khoảng 0,5kg thì sẽ được thả ra vườn cà phê để gà đi lại kiếm mồi ngoài thiên nhiên vào ban ngày. Do gà được thả trong vườn nên thịt gà săn chắc, mặt khác không cần phải làm cỏ và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bởi cỏ và sâu bọ là nguồn thức ăn xanh, giàu chất đạm cho đàn gà. Ngược lại, phân gà là nguồn phân bón cho vườn cà phê để nâng cao năng suất, sản lượng.

Mô hình nuôi gà quý hiếm (Bình Dương)

Lão nông Nguyễn Tấn Đẹp (67 tuổi) ngụ tại huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh đã vượt ngàn cây số ra Bắc để tìm mua các giống gà quý hiếm (gà Hồ, gà Đông Tảo, 9 cựa) về nuôi. Để các giống gà quý hiếm này thích nghi được với khí hậu ở miền Nam, ông đã bỏ nhiều công tìm hiểu về cách nuôi và tập trung nguồn vốn để xây dựng một khu chuồng trại hiện đại, thoáng mát sạch sẽ nhằm tạo môi trường cho gà sinh trưởng tốt, ít phát sinh bệnh tật... Ngoài những giống quý hiếm, ông còn nuôi thêm một số gà lạ như: gà xù, gà quý phi, gà xoắn, gà mặt quỷ,...Sau 5 năm xây dựng chuồng trại, ông đã sở hữu một trang trại gà quý hiếm với số lượng lên đến vài trăm con, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Trang trại của ông không chỉ là nơi mua bán mà còn được nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Mô hình nuôi gà thảo mộc

Trang trại gà nuôi gà thảo mộc San Hà. Ảnh: Cẩm Trinh.
Trang trại gà nuôi gà thảo mộc San Hà. Ảnh: Cẩm Trinh.

San Hà là công ty phát triển hiệu quả mô hình gà ta thảo mộc trên thị trường hiện nay. Đây là giống gà lai giữa gà ta với gà tam hoàng, được chăn nuôi trong trang trại đạt chứng nhận VietGap, với quy trình chăn nuôi thực hiện nghiêm ngặt từng khâu. Nguồn thức ăn chính bao gồm cám, gạo, bắp nhưng lại được bổ sung thêm nhiều loại thảo dược có chức năng kháng khuẩn và tăng cường hệ miễn dịch. Điểm khác biệt so với các mô hình khác nữa là, không ép tăng trọng lượng mà “ép” giảm cân bằng phương thức “thả vườn” nhưng vẫn ở trong chuồng trại khép kín. Do vậy, thịt gà thảo mộc San Hà thường nạc hơn, da giòn, thơm ngon hơn và có màu thịt đẹp hơn gà nuôi thông thường. 

Trên địa bàn xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế), chị Lê Thị Na cũng đang là một trong những hộ dân tộc thiểu số PaHy đầu tiên thử nghiệm thành công mô hình nuôi gà bằng thảo dược. Chị Na đã thay thuốc kháng sinh bằng bột thảo dược, được chế biến hoàn toàn từ những cây “gia vị” gần gũi với người nông dân như: tỏi, húng quế, sả và cam thảo.

10 điều thú vị về loài gà

1. Gà là loài ăn tạp, chúng ăn cả động vật và thực vật. Trong cuộc sống hoang dã, chúng ăn các loại hạt, côn trùng và thậm chí cả những loại động vật lớn hơn như thằn lằn và chuột. Gà nhà thường ăn bắp, hạt và các loại cỏ dại.

2. Ban đầu, loài gà được thuần dưỡng nhằm phục vụ cho các cuộc thi gà chọi chứ không phải để làm thức ăn.

3. Gà vẫn có khả năng bay. Chúng có thể cất cánh đủ cao để bay qua một hàng rào hoặc lên một cành cây.

4. Gà là gia cầm được nuôi nhiều nhất trên thế giới với số lượng 25 tỉ con.

5. Gà trống thông báo cho cả đàn gà biết rằng nó đã tìm thấy thức ăn bằng cách kêu “túc túc túc”. Nhưng những con gà mái sẽ chẳng thèm quan tâm đến tiếng kêu của nó nếu chúng đã biết xung quanh có thức ăn.

6. Những con gà trống thường hay có điệu bộ gật đầu mô phỏng động tác mổ thức ăn kèm theo tiếng kêu túc túc. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những con gà mái sẽ thích những con gà trống có mào to, sáng và thường xuyên có điệu bộ này.

7. Vào năm 2004, gà trở thành loài gia cầm đầu tiên được giải mã toàn bộ bộ gen.

8. Cúm gia cầm rất dễ lây lan và tiến triển nhanh ở loài gà. Ở những trường hợp nghiêm trọng, dịch cúm có thể tiêu diệt đến 90% cá thể trong đàn chỉ trong vòng 48 giờ.

9. Gà mẹ không mớm cho gà con ăn trực tiếp như phần lớn các loài chim khác, thay vào đó chúng dẫn đàn con đến nơi có thức ăn và nguồn nước rồi khuyến khích chúng tự ăn. Gà là loài rất quan tâm đến con cái, gà mẹ sẽ chăm sóc gà con trong vòng vài tuần cho đến khi gà con đủ lớn để tự phòng vệ.

10. Màu sắc trứng của một con gà mái không chỉ phụ thuộc vào giống gà mà còn vào màu sắc tai của chúng. Thông thường, những con gà có dái tai đỏ sẽ cho trứng màu nâu và có dái tai trắng sẽ đẻ trứng màu trắng. Màu sắc của lông gà không ảnh hưởng gì đến màu trứng và màu trứng cũng không ảnh hưởng gì đến chất lượng trứng bên trong.

 

Lê Thu - Phương Đặng (tổng hợp)

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm


So với thời điểm cuối năm 2023, giá gạo xuất khẩu 5% tấm giảm gần 75 USD/tấn (tương đương gần 1,9 triệu đồng/tấn), gạo 25% tấm giảm tới 84 USD/tấn.




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất