, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 05/06/2022, 15:48

Mụ Chín

TRƯƠNG THỊ THÚY
Mới bốn giờ chiều mụ Chín đã ra trước cổng nhà, rướn cái cổ ngắn ngủn của mình lên cất giọng gọi thằng cháu ngoại: "Thịnh ơi...! Ơi Thịnh ơi…"! Nghe tiếng ngoại gọi, thằng Thịnh vội xỏ đôi dép lê đã mòn vẹt gót chạy về. Đứa em nhỏ trên lưng bị xóc lên xóc xuống theo nhịp chạy hổn hển của nó thì sợ quá, ôm chặt lấy cổ anh.
Ảnh minh họa

Vừa nhìn thấy thằng cháu từ xa, mụ Chín đã càm ràm: “Ngoại đã dặn bao nhiêu lần rồi, về còn tắm rửa, cơm nước nữa. Ngày nào cũng để phải gọi là sao”? - Nói xong, mụ đưa tay bế xốc đứa nhỏ trên lưng thằng Thịnh, thơm lên má nó một cái rồi cắp nách quay vào nhà. 

Vừa đi mụ vừa cằn nhằn chuyện thằng Thịnh dặn hoài không nghe, đi chơi không biết đường về. Vào đến nhà, mụ đặt thằng nhỏ trên tay xuống, gọi mấy đứa cháu tập trung lại, ra phía sân sau để mụ bơm nước tắm. Năm đứa cả thảy, tắm luôn một lượt. 

Đó là lũ con của đứa con gái thứ hai của mụ. Đứa lớn nhất là thằng Thịnh, mới học lớp 5, đứa bé nhất mới được một tuổi. Ai cũng bảo đẻ chi cho cố, cho lắm rồi để khổ cho bố mẹ, mụ Chín lại cười: “Đông con nhiều của, cứ đẻ đi mang lên má nuôi cho”. 

Từ vỡ kế hoạch đứa thứ ba, vợ chồng đứa con gái thứ hai… vỡ kế hoạch thêm hai đứa nữa. Vợ chồng nó đẻ như gà mà toàn con trai. Bây giờ mụ từ sáng đến tối tất bật chăm lũ cháu trai lít nhít, mụ thở dài: “Kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Ý là mụ đang nói cho đứa con gái lớn của mụ, lấy chồng hơn chục năm rồi, mong có lấy mụn con, trai gái gì cũng được, mà mãi chẳng có. 

Rồi mụ lại thở dài cho mình. Mụ cũng đẻ nhiều, nhưng mà lại sinh toàn con gái. Ngày bố chồng còn sống, ông cụ cứ bảo: “Ráng đẻ lấy đứa con trai con ạ”! Mụ nghe lời, bốn đứa vẫn con gái. Bố chồng bảo đứa thứ năm nhất định con trai. Thế là mụ lại đẻ. Lại con gái. Ông cụ bảo: “Ngũ long công chúa. Sau này chúng sướng, con cũng được nhờ”.

Nhờ đâu không thấy, chỉ lo lắng thêm cho chúng nó. Con Khánh đầu đi chữa tứ phương, vẫn không con. Con Trúc thứ hai thì năm đứa con trai. Con Mỹ thứ ba cũng ba đứa con trai. Con Hoa thứ tư, học giỏi nhất trong nhà, mụ ráng cho học, giờ nó có công có việc tận Sài Gòn, nhưng ba mươi tuổi rồi vẫn không chịu lấy chồng!

Mỗi dịp nó về thăm nhà, mụ giục: “Lấy chồng đi, đẻ con, má còn sức má chăm cho”. Con Hoa vừa phụ mụ đút cho lũ cháu ăn vừa bực dọc: "Chăm! Chăm! Một lũ lít nhít như này má chưa ớn hay sao mà còn muốn chăm nữa vậy. May nhà chồng chị Mỹ có điều kiện lại ở xa nên không gửi má, chứ đưa ba thằng ấy xuống nữa có mà nó quậy cho banh nhà”. 

Con út năm nay mới lên lớp 10, học hành làng nhàng mà ham chơi. Lão chồng bảo ráng cho nó học hết cấp 3 rồi ở nhà lấy chồng. Mụ nghĩ cũng phải, con gái học chi cho lắm, như con Hoa, già đến đít rồi mà chồng con chưa có, làm mụ lo ngày lo đêm. Ngày bằng tuổi nó, mụ đã xong năm đứa con. 

Mà mụ có học hành gì nhiều đâu. Ngày xưa, nhà nghèo lại đông anh em, mụ học mới đến lớp 2, vỡ mặt con chữ là nghỉ, phụ trông em cho ba má đi làm kiếm gạo. Mụ thấy cứ biết đọc, biết viết, biết số tiền to nhỏ là được rồi. Mụ vẫn lấy chồng, sinh con, vẫn xây được ngôi nhà cấp bốn khang trang trên phần đất ba má chia cho, vẫn nuôi năm đứa con lớn khỏe, đứa nào cũng xinh xắn. Giờ đến nuôi đàn cháu… 

Mụ Chín giật mình, quay tắt vòi nước. Cứ vừa tắm cho lũ nhỏ vừa nghĩ lung tung mà quên mất để nước chảy đầy tràn thau chậu, lũ nó tha hồ quậy. Mụ giục đàn cháu vào, lấy chiếc khăn to lau cho từ đứa bé nhất đến đứa lớn nhất rồi sai thằng Thịnh đi lấy quần áo mặc cho các em. 

Giờ mụ phải đi sang nhà em gái thắp nhang. Em gái kề mụ, lấy chồng gần mụ. Nhà hai chị em cách nhau có ba chục mét, nhưng ngày nó còn sống ít nói chuyện với nhau. Tại mụ lấy chồng nghèo, lại sinh toàn con gái, đầu tắt mặt tối làm nuôi con. Còn nó nhà chồng khá giả, lại sinh được tận ba đứa con trai, nên nó sướng. Mụ khép cổng còn dặn với vào nhà, bảo thằng Thịnh mặc quần áo cho các em xong thì xới cơm ra cái tô, anh em ăn với nhau. Rồi mụ tất tả đi.

Tới nhà em gái, mụ mở cửa nhà, bật đèn lên rồi đốt nhang. Hình em gái trên bàn thờ lúc nào cũng nhìn mụ buồn buồn. Mụ chép miệng, đấy, tưởng sướng mà có sướng nổi đâu! Bệnh tật, chồng phụ bạc, chết sớm để lại ba thằng con quậy rách giời rơi xuống. Phước đức, may mà còn có mụ lo cho. Mụ nuôi chúng được đâu gần ba năm, hết sức. Mụ gửi đứa nhỏ nhất lên chùa, đứa thứ hai đi làm thuê đến tuổi đi nghĩa vụ quân sự, mụ động viên nó đi. Được cái thằng này biết nghe lời, nó vui vẻ đi. Mụ cũng mừng. Còn thằng lớn, nghĩ đến nó mụ thở dài đánh thượt, lắc đầu. 

Cái thằng trời đánh không chết. Chơi bời, đàn đúm, hút chích. Mụ cầu cho công an bắt nó đi cải tạo cho sớ mà phải năm ngoái nó mới bị người ta sờ gáy vì tội đánh người và trộm cắp. Mụ dặn nó “chịu khó cải tạo cho tốt, ra rồi về nhà kiếm việc tử tế làm ăn, còn lo hương khói cho mẹ mày”. Nó lầm lì bảo “dạ” mà mụ vẫn chẳng tin lắm. Sợ nó về lại ngựa quen đường cũ.

Mụ cắm nén nhang lên bàn thờ xong, quét cái nhà rồi lại đóng cửa ra về. Về nhanh xem bọn nhỏ ăn uống ra sao, chứ mụ thì phải chờ lão chồng đi làm về đã. Dạo này chạy xe ế khách, lão chồng cứ cố cho ngày kiếm vài ba cuốc nên có hôm tám giờ tối mới về. 

“Ăn xong chưa mà đã nô ầm cửa ầm nhà lên vậy? Thịnh đâu? Thịnh ơi, mấy đứa ăn xong chưa”? “Dạ, xong rồi ngoại”! Mụ nghe tiếng thằng Thịnh đáp ra từ trong nhà, chứ có nhìn thấy nó đâu. Mụ lại gọi lớn: “Thịnh ơi, ra đây ngoại bảo”.

Mụ dốc ngược mấy chiếc bao tải ở góc sân đổ ra liểng xiểng vỏ chai, lon, giấy sách báo các loại. Thành quả của cả tuần những lúc mụ tranh thủ buổi chiều thằng Thịnh không đi học, nó trông lũ em cho mụ đi thu mua nhôm nhựa. Thằng Thịnh chạy ra, đã quen việc, chẳng cần đợi bà nói, nó ngồi ngay xuống nhặt riêng từng loại: lọ nhựa, lon bia, giấy. Mỗi loại cho vào một bao. 

Gần xong, nó đưa mắt tinh quái nhìn bà ngoại, nói bóng gió: “Mai được ăn kem rồi”. “Kem gì mà kem, chỉ giỏi tính ăn”. - mụ gạt đi. “Thế ngoại mua cho con hộp bút màu đi, giờ mỹ thuật con không có bút màu, toàn phải mượn bạn. ”Hộp bút má mày mới mua đầu năm đâu? Chỉ ăn với phá không à? Chắc lại vứt đi hết rồi phải không"? “Thằng Bi mang đi học làm mất chứ con có vứt hồi nào! Nha ngoại, mai mua cho con nha”. - Thằng Thịnh phân trần. Giọng mụ dịu lại: “Được rồi! Lần này ngoại mua mà anh em bay còn làm mất nữa là khỏi mua nghe chưa”?

Thằng Thịnh cười hì hì, nhanh tay cùng bà ngoại thu dọn hết vào. Mụ Chín nhẩm tính chỗ đó cũng được hơn hai trăm, mua cho anh em thằng Thịnh hộp bút màu hơn chục ngàn. Còn lại mụ mua ít đồ vào thăm thằng cháu đang cải tạo trong trại. Từ ngày nó bị bắt, tháng nào mụ cũng cố gắng vào thăm một lần, rủ rỉ nói chuyện khuyên nhủ nó, mong rằng mưa dầm thấm lâu, sau nó làm lại cuộc đời. Mụ càng nghĩ càng thấy nó bị bắt lại may, mụ cũng làm hết trách nhiệm của mụ rồi. “Sểnh cha còn chú, sểnh mẹ bú dì”. Mẹ nó mất, mụ là dì, sao bỏ mặc được. 

Sau khi xếp gọn những bao nhôm nhựa đã được phân loại vào góc sân, mụ Chín xoa xoa hai bàn tay vào nhau. Mụ đứng ra ngoài cổng ngóng con gái út và chồng. Vừa hay chồng và con về cùng một lúc. Nghe tiếng xe ông ngoại, nghe tiếng lanh lảnh của dì út chào bà ngoại, đám cháu của mụ ríu rít chạy ra. Chúng hóng một món quà vặt nào đó từ tay dì út hoặc treo lủng lẳng trên xe ông ngoại. Hôm nay là một bì bắp rang bơ. 

Con gái út của mụ đổ túi bắp rang ra chiếc bát nhựa lớn để giữa nhà cho mấy đứa nhỏ, xoa đầu chúng rồi đi vào phòng cất đồ. Mụ Chín kéo cánh cổng khép lại, thầm cảm ơn trời đất luôn cho vợ chồng, con cháu mụ được khỏe mạnh, bình an. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất