, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 29/12/2016, 14:00

Mùa gặt

VŨ YẾN
 

 Quê tôi có hai vụ lúa chính là vụ chiêm và vụ mùa. Vụ chiêm bắt đầu gieo cấy từ đầu năm và thu hoạch khoảng tháng 5 âm lịch. Tôi nhớ những ngày mùa vụ Chiêm vì nó rơi vào thời điểm chúng tôi được nghỉ hè, điều này đồng nghĩa với việc quên hết sách vở và vui chơi thỏa thích. Vào mùa gặt, bố mẹ tôi thường dậy rất sớm để tranh thủ gặt trước khi mặt trời lên. Đôi khi tôi vẫn mường tượng lại cảnh đó, mẹ tôi cầm liềm, bố tôi vác đòn gánh, lạt buộc và chị em tôi xách theo ấm nước. Chúng tôi đi lặng lẽ trong ánh sáng mờ nhạt của buổi sáng, nghe mùi thơm của lúa, mùi ẩm ướt của sương và tiếng rì rào của ruộng lúa mỗi khi có cơn gió thoảng qua.

Nhà tôi có 4 mảnh ruộng nằm ở mỗi phần khác nhau của cánh đồng, lần đầu đi ruộng tôi đã thắc mắc với bố là làm thế nào người ta có thể nhận ra ruộng của mình vì mảnh ruộng nào lúa cũng chín vàng giống nhau, nhỡ may người ta gặt nhầm lúa nhà mình thì sao. Bố tôi đùa “vậy thì mình sẽ không phải gặt nữa”,  nhưng đọc thấy sự hoang mang trong đôi mắt của tôi nên ông đã chỉ cho tôi cách để nhận ra. Ông chỉ cho tôi điểm mốc là những con mương, ruộng nhà mình ở bờ mương thứ mấy, và tính từ đầu bờ vào thì nó là mảnh thứ mấy. Thế là từ đó mỗi lần ra ruộng, tôi lại hăm hở đi trước, đếm các bờ mương, các mô đất và vui mừng khi đến đúng ruộng nhà mình.

Việc gặt lúa nói chung là không hấp dẫn với bọn trẻ chúng tôi, thứ hấp dẫn nhất khi đi gặt là được người lớn bắt cho những con châu chấu béo múp, sau khi nướng chín là một món ăn cực kì ngon. Nhưng vui nhất là khi chúng tôi phát hiện ra những tổ chim non, những chú chim nhỏ mới nhú cánh chưa thể bay, lúc nào cũng kêu chíp chíp đòi ăn. Chúng tôi hăm hở mang chúng về nuôi, cho chúng ăn cơm, ăn sâu nhưng những chú chim tội nghiệp đó chẳng thể sống được bao lâu. Và mỗi lần như thế bọn tôi lại hết sức buồn và không hiểu vì sao chúng lại chết khi chúng tôi đã kiếm cho chúng đầy đủ thức ăn.

Hồi đó quê tôi chưa có nhiều phương tiện và máy móc nên mọi việc đều phải làm thủ công. Lúa gặt xong được bó lại thành từng bó tròn để mọi người gánh hoặc đội về và tuốt lúa thì phải sử dụng một công cụ thủ công là trục.Trục có hình trụ tròn được làm từ loại đá vôi màu xanh, nguyên khối. Lúa thu hoạch về được rải thành lớp ra sân gạch, bố tôi kéo trục đi qua đi lại nhiều vòng trên lớp lúa đến khi rơm mềm, hạt lúa rơi hết ra khỏi bông là có thể rũ bỏ rơm, hốt lúa đem phơi. Rơm, sau khi rải ra phơi khô, sẽ được gom lại thành cây tròn và cao như cây nấm khổng lồ, dùng dần làm thức ăn cho trâu bò hoặc làm củi đốt. Bọn trẻ chúng tôi thường lăn lê, bò toài và “lộn cầu vồng” trên những tấm thảm rơm phơi đó. Chúng tôi vừa lộn vừa hát “lộn cầu vồng, nước trong nước chảy, có cô mười bảy, có cậu mười ba, hai chị em ta, ra đây lộn cầu vồng”. Đối với tôi sân rơm là tấm thảm xanh lớn nhất, êm ái, ngọt ngào nhất trên thế giới, và cái mùi vị ngọt ngào đó đã theo tôi suốt tuổi thơ. Vào những tối mùa hè, nhà tôi thường trải chiếu trên đó, mấy mẹ con nằm hóng gió và ngắm trăng. Bầu trời đêm mùa hè, giữa một làng quê chưa có điện cũng chưa có nhà cao tầng dường như rộng hơn, cao hơn, lung linh hơn rất nhiều với hàng triệu vì sao. Nhiều lần nằm ngửa mặt lên trời tôi đã cố đếm thử có bao nhiêu vì sao nhưng được một lúc thì không thể phân biệt được ngôi sao nào mình chưa đếm, đành bỏ cuộc. Trong những đêm mùa hè đó, đôi khi bố tôi cũng ngồi cùng và những lúc đó ông thường dạy chúng tôi những bài đồng dao:

Ông trăng ơi / Xuống đây mà chơi/ Chơi với cây cau/ Cây cau cho mo/ Chơi với học trò/ Học trò cho bút/ Chơi với ông bụt/ Ông bụt cho chùa/ Chơi với nhà vua/ Nhà vua cho lính …

Những bài đồng dao với giai điệu vui tươi, dễ thuộc đi sâu vào tâm trí, chẳng khi nào có thể quên. Đôi khi tôi nghĩ, nếu mình có thể dán nhãn hạn sử dụng cho những khoảnh khắc trong cuộc đời, tôi sẽ dán nhãn cho cái khoảnh khắc tôi nằm dưới bầu trời đầy sao, giữa trời đêm yên tĩnh, bên những người mình thương yêu và hát nghêu ngao bài đồng dao đó cả triệu năm.

Tôi làm việc ở thành phố rất xa nhà, ít có điều kiện về thăm quê nhất là vào những mùa gặt. Có bận đi ngang qua một vùng quê vào mùa gặt, thấy người ta đang tuốt lúa bên đường, tôi bắt bạn dừng lại đến xin một nắm rơm tươi. Tôi cầm nắm rơm đó trong tay, đặt ngang mũi để nghe lại cái mùi dịu ngọt, mùi của ký ức xa xưa, mùi của tuổi thơ êm đềm, của những ngày tháng tôi biết chẳng khi nào mình có thể tìm lại được.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất