, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 13/02/2021, 17:51

Mùa hoa cúc chi vàng

ANH THƯ

Năm nay, cúc chi ở Nghĩa Trai (xã Tân Quang huyện Văn Lâm - Hưng Yên) rộ sớm. Giữa tháng 12 Dương lịch, sáng sớm đã thấy thấp thoáng bên những luống cúc dài, vàng một màu nắng, là các chị, các mẹ, các ông bà với chiếc ghế nhựa, cần mẫn hái từng bông hoa cúc nhỏ xinh như những chiếc nút áo.

 

Thu hoạch hoa cúc chi.
Thu hoạch hoa cúc chi.

Du khách muốn hái giúp? Rất vui lòng. Cũng là dịp để bạn hiểu hái một ký lô hoa cúc với thù lao ít ỏi 10.000 - 12.000 đồng kỳ công thế nào.

Từ cúc thuốc…

Gần đây, Nghĩa Trai được những người say mê chụp ảnh gọi đùa bằng cái tên đầy chất thơ: “Hoàng hoa thôn” và rủ nhau tìm về vào khoảng giữa tháng 12 Dương lịch. Không có dịch vụ gì ngoài những luống cúc rực vàng, vậy mà không ít người sẵn sàng trả tiền để được tạo dáng bên loài hoa khiêm nhường ấy. Giá, kể cũng hữu nghị, chỉ 25.000 - 30.000 đồng/người. Nếu khéo câu chuyện, lại giúp một tay hái hoa, người dân có thể cũng xởi lởi cho bạn “chụp nhờ”. Vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi trong lúc vẫn thoăn thoát hái hoa, chị Lê Thị Cẩm, công nhân Khu công nghiệp Phố Nối (Hưng Yên) cho biết, tranh thủ ngày được nghỉ bù, chị đi hái cúc thuê, “kiếm thêm ít tiền rau cỏ” cho gia đình. Người khoẻ mạnh, nhanh mắt nhanh tay thì một ngày có thể hái được khoảng 20kg, còn trung bình thì khoảng 10 - 15kg. “Bí quyết là vặt ngửa bông hoa lên để ngắt được hoa sát cuống đúng yêu cầu, không phải nhặt lại. Một lúc đã quen thì chị có thể ngắt bằng cả hai tay. Việc này nhẹ nhàng, ai cũng làm được, chỉ cần kiên nhẫn”, Cẩm vui vẻ bảo tôi. Thì dễ vậy đấy, nhưng ngày ấm không sao, những ngày đại hàn mùa đông xứ Bắc thì ra khỏi giường cũng còn ngại, chứ đừng nói ra đồng. Nỗi vất vả “một nắng hai sương” của người nông dân, ai có trải qua mới thấu!

Làng Nghĩa Trai có 560 hộ thì 80% số hộ tham gia trồng và chế biến cây dược liệu. Cúc chi là một trong hàng trăm loại đó, nhưng là loại được trồng nhiều nhất, khoảng hơn 20ha. Nghề truyền thống của làng đã có mấy trăm năm. Vào độ giữa hè, cúc được xuống giống bằng gốc, cuối tháng 11, đầu tháng 12 thì bắt đầu cho thu hoạch. Nhà khéo chăm có thể thu 3 - 4 lứa hoa mỗi vụ, hoa đều, vàng tươi rực rỡ. Nhưng năm nay thời tiết không thuận, hầu như các hộ chỉ thu được 2 - 3 lứa hoa.

Cúc chi dùng để làm trà hoặc chế thành thuốc nam. Làng Nghĩa Trai có nhiều nhà trồng và phơi sấy hoa cúc. Vào mùa thì sân chùa, sân nhà, thậm chí (lúc chưa kịp có nắng) cả phòng khách của nhiều gia đình cũng vàng rực cúc chi, toả hương dìu dịu, “thoảng qua như một chút nghi ngờ” (từ dùng của Thạch Lam - PV).

…đến cúc hoa sấy điện

Nhưng để làm cúc trà (hoa cúc khô có thể pha uống trực tiếp như trà) thì phải sấy bằng lò điện mới đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cả làng Nghĩa Trai hiện mới chỉ có gia đình ông Nguyễn Thế Viễn (Cơ sở sản xuất dược liệu An Bình) chuyên sấy cúc trà. Cúc chi khô mùa này có giá 700.000đồng/kg. Để làm ra 1kg cúc sấy khô, phải dùng 8 - 9 kg cúc tươi. Trừ hết chi phí, mỗi sào, người trồng thu được khoảng 20 triệu đồng. Trồng cúc từ hè, mùa đông thu hoạch, sau đó bà con có thể trồng rau màu trong những tháng còn lại.

Theo ông Nguyễn Thế Viễn, người đã gắn bó suốt đời với nghề chế biến dược liệu của gia đình, trước đây người làng chỉ phơi, sấy khô cúc chi để làm thuốc, khoảng 4 - 5 năm nay, nhất là khi có công nghệ sấy sạch bằng lò điện, mới có thêm sản phẩm cúc trà. Cúc chi có 5 tác dụng: làm sáng mắt, nhuận gan, hạ huyết áp, thanh nhiệt, giải độc. Người sử dụng có thể hãm cúc khô bằng nước sôi để uống như uống trà hoặc phối hợp với nhiều loại dược liệu khác trong các bài thuốc Nam.

Ông Nguyễn Thế Viễn bên máy sấy cúc trà.
Ông Nguyễn Thế Viễn bên máy sấy cúc trà.

Đầu tư hai tủ sấy điện, cứ một mẻ sấy trong vòng 8 tiếng ở nhiệt độ 550C, ông Viễn thu được khoảng 15kg thành phẩm. Mỗi mùa, tùy vào lượng thu mua, cơ sở của ông chế biến được trên dưới 1,5 tấn cúc khô, tập trung trong hơn 1 tháng.

Tuy cơ sở có thể sản xuất được nhiều hơn (riêng làng Nghĩa Trai mỗi vụ có thể sản xuất 250 tấn cúc khô, nghĩa là hàng ngàn tấn hoa tươi), nhưng cho đến nay ông Viễn còn dè dặt, bởi cúc trà làm ra mới chỉ bán cho khách hàng trong nước, nên giá trị gia tăng chưa cao, khâu tiêu thụ cũng còn nhiều hạn chế. “Chúng tôi đang làm việc với một công ty ngoài Hà Nội, họ cho biết sẽ tiếp thị, quảng cáo sản phẩm ra nước ngoài, cụ thể là Singapore và Thuỵ Sĩ. Hoa cúc của chúng tôi sẽ là nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm mới có giá trị cao hơn”, ông Viễn hồ hởi “bật mí”.

Đất lề, quê thói, nhờ có kinh nghiệm canh tác đã nhiều thế hệ nên cúc chi ở Nghĩa Trai - Hưng Yên nổi tiếng hơn cả nhờ đều hoa, hoa thơm dịu, dược tính cao. Nhưng ở Bắc bộ, nghề trồng cúc chi còn phổ biến ở cả Bắc Ninh, Hải Phòng. Ngoài lối uống trà cúc đơn giản bằng cách hãm hoa tươi, hoa khô với nước sôi, nhiều quán giải khát trên đường Phan Bội Châu ở Hải Phòng đã nghĩ ra cách gia giảm để tạo nên một món đồ uống “phải thử” khi đến thành phố Cảng này.

Thành phần của món “trà cúc đắng Hải Phòng” gồm trà, hoa cúc khô, cam thảo. Hoa cúc khô được sao lại một lần trên lửa liu riu cho thật khô vàng, sau đó rửa sạch, để ráo rồi đem hãm cùng trà Thái Nguyên. Mỗi quán có tỷ lệ pha chế khác nhau, gia thêm cam thảo ngọt thoang thoảng, quả quất (tắc) chua dịu… làm cho hương vị phong phú hơn. Nếu dùng trái tắc, người ta phải hãm trà trước, khi trà đã hơi nguội mới cho tắc vào để trà không bị đắng.

Người sành điệu uống trà cúc Hải Phòng thường gọi thêm hạt dẻ rang, loại hạt dẻ nhỏ, tròn, vỏ mỏng, thơm thơm. Những ngày đông lạnh giá, món đồ uống chẳng lấy gì làm đắt đỏ này bỗng trở nên thật thú vị.

Chẳng liên quan (hay là rất liên quan?), tôi chợt nghĩ, với khả năng sáng tạo bất tận, mà trà cúc Hải Phòng là một ví dụ, bông cúc chi nhỏ bé từ Nghĩa Trai còn có thể đi xa hơn nữa, đến nhiều quốc gia trên thế giới, vừa góp phần tô điểm bức tranh hương sắc Việt Nam, vừa đem lại nguồn thu xứng đáng cho bà con nông dân. Nếu được vậy, âu đó cũng là sự tưởng thưởng xứng đáng cho họ sau những ngày hè xuống giống cúc vào thời điểm “nước như ai nấu” và những ngày đông thu hái cúc trong tiết Đại hàn lạnh giá…

Hoa cúc chi vàng (Chrysanthemum Multicaule), được trồng đầu tiên tại Trung Quốc cách đây khoảng 1.500 năm. Cúc chi thuộc họ cúc, có màu vàng, nhỏ li li và mọc thành từng chùm. Ở Việt Nam, cúc chi thường được trồng để làm dược liệu. Thôn Nghĩa Trai là một trong những thôn chuyên trồng cúc chi của xã Tân Quang (chiếm 10/20 hecta cúc chi của toàn xã). Cúc chi trồng tại đây có màu vàng rực, bông to mọng, rất đẹp và được biết đến như một vị thuốc tuyệt vời cho cơ thể. Một vụ hoa cúc chi kéo dài 6 tháng, mùa thu hoạch kéo dài khoảng 30 ngày tính từ cuối tháng 12 hàng năm.

 

 

 

 

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất