, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 04/06/2022, 10:34

Mùa nhộng tằm bên dòng sông Lam

TUỆ MINH
Từ xa xưa, Lưu Sơn và Đặng Sơn là hai xã của huyện Đô Lương (Nghệ An) đã được biết đến với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, kéo sợi. Cùng với đó, nhộng tằm là một phụ phẩm độc đáo được người dân địa phương ưa chuộng vì có thể chế biến được thành nhiều món ăn ngon.
Nhộng tằm được bày bán bên đường. Ảnh Tuệ Minh

Những ngày này, đi dọc quốc lộ 7 - đoạn qua 2 xã Lưu Sơn và Đặng Sơn, người ta rất dễ bắt gặp cảnh người dân bày bán những mẹt nhộng tằm trông rất bắt mắt. Người qua đường có thể chọn mua cả những con nhộng còn sống, bò lổm nhổm hay nhộng đã được luộc qua đem về chế biến. Thấy chúng tôi tiến lại, một phụ nữ trung tuổi đon đả: “Mua nhộng tằm đi cô chú ơi, ăn thứ này bổ lắm đó. Về chiên hay rang chút là có bữa nhậu ngon lành”.

Theo nhiều người dân trong vùng, từ xa xưa, ngoài ươm tơ, dệt lụa, các bà nội trợ ven sông Lam (huyện Đô Lương, Nghệ An) đã biết dùng nhộng tằm chế biến ra nhiều món ăn ngon. Khi chế biến, tằm được luộc sôi bằng nước có pha chút ít muối, vớt ra để ráo nước, rang vàng cho đến khi săn lại, thêm gia vị cùng hành, lá chanh sẽ trở thành món ăn hấp dẫn. 

Nhộng tằm có thể chế được thành nhiều món từ rang muối, chiên giòn hay nhộng xào thơm cà, xào hành hẹ, xào lá lốt. Ngoài ra, nhộng tằm còn được dùng để nấu cháo, nấu canh bí đao, đu đủ. Đặc biệt, những con nhộng tằm béo ngậy còn được dùng đổ bánh xèo.

“Đặc sản” vùng trồng dâu nuôi tằm xứ Nghệ hút khách. Ảnh Tuệ Minh.

Nhờ vị béo, thơm và hàm lượng chất dinh dưỡng cao nên nhộng tằm là món ăn được nhiều người ưa chuộng. Do vậy, thương lái săn tìm sản phẩm ngày càng đông. Trước lợi ích của nuôi tằm thương phẩm, chính quyền hai xã Lưu Sơn, Đặng Sơn rất quan tâm đến việc phát triển mô hình này.

Việc nuôi tằm tươi thương phẩm không qua giai đoạn chờ tằm đóng tổ tạo kén đã rút ngắn được thời gian quay vòng sản xuất. Tránh bị tư thương ép giá khi bán kén, bán tơ. Cùng với đó, nhờ nguồn đầu tư thấp, chỉ bỏ ra 90 ngàn trong vòng 15 ngày đã thu về 1,8 đến 2,1 triệu đồng, bà con rất phấn khởi. 

Nuôi “tằm tươi” còn tận dụng được lao động dôi dư nên đã trở thành một hướng đi kinh tế hộ phù hợp ở một số xã ven sông Lam thuộc huyện Đô Lương, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân. Theo thống kê, trên địa bàn hai xã Lưu Sơn và Đặng Sơn hiện có khoảng 100 hộ nuôi tằm. Bà con nuôi tằm mua vòng trứng giá 90 ngàn, khi tằm phát triển được 15 ngày sẽ trải đều ra 6 nong. Sản lượng đạt 30 - 35 kg.

Một món ăn từ nhộng tằm (ảnh Internet).

Nhộng tằm được các thương lái đến thu mua tận nhà, giá bán sỉ hiện thời là 55.000 – 60.000 đồng/kg, nếu tằm chín không trúng lứa thì giá có thể lên 70.000 đồng/kg. So với việc nuôi tằm bán kén - tơ (100.000 đồng/kg) thì nuôi tằm thực phẩm có lợi hơn nhiều. 

Bà Nguyễn Thị Lý, một người nuôi tằm thương phẩm ở xã Đặng Sơn cho biết: "Cứ bày ra bán là có người mua liền, nhiều khi không có mà bán". Trừ chi phí, trung bình mỗi tháng một hộ nuôi tằm thương phẩm thu về 3,6 đến 4,2 triệu đồng.

Theo ông Hoàng Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đặng Sơn, mùa nhộng tằm thường bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 11 dương lịch. Sau khi ươm tơ, người dân thường tận dụng nhộng tằm để làm thức ăn hoặc đem bán tại địa phương để tăng thu nhập.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất