, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 25/09/2022, 09:00

Mùa săn "nhím biển"

MINH NGỌC
Dọc gành đá Châu Me (Đức Phổ, Quảng Ngãi) mùa này có nhiều người tìm tới ngụp lặn săn nhum biển. Dẫu trưa nắng, trên lấp lóa sóng bạc vẫn thấy những bóng người hòa cùng con nước.

Nhum biển là đặc sản trời cho, có nhiều ở các gành đá Quảng Ngãi. Ngư dân địa phương gọi con nhum là cầu gai hoặc nhím biển vì lớp gai tua tủa bên ngoài của nó. Chẻ đôi con nhum sẽ thấy bên trong nó là trứng và thịt nằm trong 12 múi vàng ươm như múi cam.

Nhum biển là loại hải sản có giá trị cao.

Đặc sản ven gành đá

Nhum biển được ví như “nhân sâm của biển”. Không chỉ là nguyên liệu chế biến thành nhiều món ăn ngon, nhum biển còn được coi là bài thuốc tăng cường sức khỏe. Tiết trời tháng 7, tháng 8 chưa nhiều giông bão chính là thời điểm khai thác nhum biển của ngư dân. Hàng ngày, khoảng tầm 8 giờ sáng đến 4-5 giờ chiều, các gành đá ven bờ biển lúc nào cũng đông người lặn săn nhum biển.

Theo ngư dân Lê Văn Chính ở Châu Me thuộc Phổ Châu - Đức Phổ, vùng biển này thường có 4 loại nhum là nhum đen, nhum giang, nhum bạc và nhum bắn. Dụng cụ để săn nhum biển khá đơn giản với một giỏ đựng buộc xốp xung quanh cho nổi trên mặt nước, một kính lặn cùng bình hơi và một đoạn sắt dài hơn nửa mét, to cỡ nửa ngón tay út, một đầu được bẻ cong như lưỡi câu còn đầu kia cắm vào cán gỗ.

Khi chọn được địa điểm bắt nhum biển, thường cách bờ khoảng 100 thước, người thợ lặn sẽ vào việc. Họ lặn xuống nước tìm nhum. Những con nhum thường bám trên gành đá ăn các loại tảo biển lơ lửng trong nước. Tìm thấy nhum, thợ săn dùng móc sắt giật mạnh. Nhum biển rơi xuống cát, người săn lẹ tay túm lấy và trồi lên mặt nước bỏ nhum vào giỏ. “Đừng cho nó có một tích tắc nào để phản ứng. Phải vừa bập vừa đồng thời giật mạnh thì nó mới rời mặt đá. Chậm một giây, nhum sẽ dồn sức “tử thủ”. Vỏ nhum có thể trầy trụa nhưng nó không khi nào “buông tay” để cho anh bỏ vào giỏ dễ dàng đâu”, một thợ săn nhum kể.

Nhum thường sống ở vùng biển cạn, nước trong, có nhiều rong rêu hoặc san hô hay đá ngầm. Nhiều ngư dân nơi đây cho biết, việc săn bắt nhum có thể diễn ra quanh năm, trừ những khi biển động, sóng to và nước đục. Quảng Ngãi có nhiều vùng biển có nhum như đảo Lý Sơn, Gành Yến (huyện Bình Sơn) hay vùng biển Châu Me. Theo ước tính, chỉ riêng ở xã Phổ Châu đã có khoảng 50 hộ dân ở các thôn Tấn Lộc, Châu Me, Vĩnh Tuy và Hưng Long mưu sinh bằng nghề lặn bắt nhum biển. Ở vùng biển Châu Me, nhum thường xuất hiện ở gành Trọc, gành Nhu – hai lũy đá ở hai đầu bãi biển Châu Me.

Nhum biển sau khi bị bắt lên bờ sẽ được tách đôi, nạo lấy phần thịt và trứng bên trong vỏ ra. Theo kinh nghiệm của ngư dân, để có thịt nhum ngon, việc tách ruột nhum phải hết sức tỉ mỉ, làm sao để thịt không lẫn với ruột và gân máu thì khi chế biến mới ngon.

Nhum biển ở vùng biển Châu Me.

Ngụp lặn đầu ngọn sóng

Những con sóng nối tiếp nhau vỗ vào bờ. Bóng dáng người săn nhum nhấp nhô, ẩn hiện giữa sóng nước. Bắt nhum là công việc khá nặng nhọc. Để có được những giỏ nhum đầy ắp, tươi rói, người săn nhum cả ngày phải trầm mình dưới nước, hết ngoi lên rồi lặn xuống hoặc đu bám theo gành đá tìm nhum nên tối đến, cả người ê ẩm, đau nhức. Nhiều người tưởng dễ, ra lặn được vài hôm phải bỏ. 

“Không có nghề nào dễ ăn hết. Ở trên trời nắng chói chang nhưng đi săn nhum phải lặn sâu ven gành đá, nước dưới đó lạnh buốt nên da tím tái, lên tới bờ mà hai hàm răng còn đánh vào nhau lộp cộp. Cả ngày ngụp lặn, tối về cơ thể mỏi nhừ nhưng hôm sau vẫn phải dậy sớm để đi tiếp. Nhiều người lặn bắt nhum bị đuối sức, không ghìm nổi với những con sóng mạnh bị va đầu vào đá, ngất xỉu. Nếu may mắn được bạn lặn phát hiện kịp thời đưa lên bờ, còn không, mất mạng như chơi. Chuyện bị đá ngầm hay bị nhum bắn gai nhức buốt người là chuyện xảy ra như cơm bữa…”, một người thợ săn nhum ở Châu Me chia sẻ.

Mùa săn nhum biển, thu nhập của ngư dân được khá hơn so với đi biển bình thường. Như vợ chồng ông Lê Văn Chính, nếu cố gắng cũng thu được từ 600 đến 800.000 đồng. Bữa nào may mắn thì có thể thu được cả triệu. Đấy là khoản thu nhập rất đáng kể của người dân quê ven biển. Tuy vậy, không phải không có những ngày thợ săn nhum ra về tay không.

Ở những nhà hàng ven biển, trong khi thực khách xuýt xoa khen ngợi các món ăn được chế biến từ nhum thì cách đấy không xa, những người đi săn nhum cơ thể đang rúm ró, tím tái vì ngâm lâu trong làn nước lạnh.

Vào mùa săn nhum biển.

Mắm nhum Sa Huỳnh

Ngoài ăn sống, nướng và nấu cháo, người dân ven biển ở Quảng Ngãi còn chế biến thành món nhum xào, nhum chiên trứng, nhum ngâm rượu nhưng đặc biệt nhất phải kể đến món mắm nhum vang tiếng khắp vùng. Bà Thoan, vợ ông Chính, chia sẻ, thịt nhum sau khi làm sạch được cho vào bát, cứ 1kg thịt nhum sẽ cho 100gram muối hột vào trộn đều, sau đó bỏ hỗn hợp vào chai. Sau 7 ngày là có mắm nhum. Mắm nhum ở Phổ Châu có màu đỏ nhạt, đặc sệt, vị đậm đà, giá mỗi lít mắm vào khoảng 350.000 đến 400.000 đồng.

Có giai thoại kể rằng, thời vua Minh Mạng đã ra chỉ dụ cho quan cai trị vùng đất Quảng Ngãi hằng năm phải tiến cống 12 cân mắm nhum. Mỗi lần kinh lý qua đây, vua ra lệnh đoàn xa giá dừng lại để quan địa phương dâng tiến vài cân mắm nhum rồi mới tiếp tục lên đường. Vì thế, mắm nhum còn được gọi là mắm tiến vua.

Ở Đức Phổ hiện nay có HTX Nông nghiệp xã Phổ Châu sử dụng địa danh “Sa Huỳnh” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Mắm nhum Sa Huỳnh”. HTX hiện đang phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Quảng Ngãi xây dựng, đăng ký nhãn hiệu, mã vạch truy xuất nguồn gốc cho đặc sản mắm nhum của Quảng Ngãi.

Từ khi trở thành đặc sản, nhum biển ngày càng có giá và bị khai thác triệt để. Chính vì vậy, lượng nhum biển ngày càng vơi dần và có nguy cơ cạn kiệt nếu việc khai thác không đi đôi với bảo vệ. Trước thực trạng này, chính quyền địa phương đang nghiên cứu, xây dựng các tổ đội khai thác, bảo quản và nuôi nhum; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và có ý thức trong việc bảo tồn nguồn lợi quý giá này.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất