, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 29/12/2016, 13:59

Mùa thu nhớ mẹ quê xa

NGUYỄN KHẮC PHÊ
Sông Giăng
Sông Giăng

Mẹ tôi sinh thành ở một làng quê hẻo lánh bên sông Giăng (Thanh Chương, Nghệ An), sau khi về làm dâu họ Nguyễn bên sông Phố (Hương Sơn - Hà Tĩnh) từ… gần một thế kỷ trước, đã di chuyển chỗ ở nhiều nơi, đến năm 1986 qua đời tại Hà Nội, nhưng hình ảnh mẹ in dấu sâu đậm nhất vẫn là những năm tháng sống ở Hương Sơn.

Ông ngoại tôi đỗ cử nhân, triều đình bổ làm tri huyện nhưng cụ không nhận, ở nhà làm thuốc cứu dân và nuôi dạy con cái. Cũng như hầu hết phụ nữ “ngày xưa”, mẹ tôi không được đến trường, nhưng giỏi làm vườn - một nghề truyền thống của vùng đất Thanh Chương. Nhờ thế, về làm dâu bên sông Phố, mẹ đã “đầu tư” không biết bao nhiêu công sức, khiến nhà tôi có khu vườn cau trầu nổi tiếng khắp vùng. Cũng vì thế, hình ảnh mẹ gắn liền với vườn cây 4 mùa đầy hoa trái, cũng là nét đẹp vùng quê Hương Sơn một thời đã xa…

Dù xa quê đã lâu, tôi vẫn nhớ hồi còn học trường cấp 2 ở làng Thịnh Xá (nay là Sơn Thịnh), mỗi chiều đi học về, chạy băng qua cánh đồng Vực trên con đường nhỏ in đầy dấu chân trâu bò để mau được tung tăng giữa khu vườn đủ loại cây trái. Đến mùa cau, thì cảnh hái cau như là một cuộc đuổi bắt kỳ thú khiến tôi chẳng muốn bước vào nhà. Người giúp hái cau là chú Trung, một thanh niên có dáng người thấp, to ngang, vẻ cục mịch chậm chạp, mang áo cổ vuông, quần lửng ngang đầu gối may bằng loại vải thô nhuộm nâu. Chú dùng một cây câu liêm đưa lên cao, khéo léo lách cái lưỡi sắc ngọt đúng nơi buồng cau bám vào thân cây; sau khi giật rách mép buồng cau, liền khẽ níu buồng cau xuống, đồng thời lập tức đưa cái ngạnh tõe ngược đón đỡ buồng cau cho khỏi rơi.

Cây câu liêm mảnh nhỏ mà dẻo dai mang sức nặng buồng cau lúc lỉu quả cứ dần nghiêng xuống, tạo một đường cong mềm mại nhờ tựa phía gốc vào bắp chân và cánh tay chắc nịch của chú Trung.

Đó là lúc tôi lon ton chạy lại đón buồng cau vừa được hạ xuống; buồng cau xách nặng tay, không rơi một quả, không có nhánh nào bị dập gãy. Tôi nhìn chú Trung đầy vẻ thán phục. Chà! Con người trông cục mịch, chậm chạp vậy mà điều khiển các động tác chính xác, khéo léo đến tài tình. Một lần, tôi xin mẹ cho thử sức với cây câu liêm. Sau khi bẻ gãy mất mấy nhánh buồng cau, người toát mồ hôi, tôi mới điều khiển được lưỡi câu liêm cắt đúng mép. Và đến lúc níu buồng cau cho nó rời khỏi thân thì tôi đã để nó rơi tuột luôn xuống đất. Mẹ không mắng, mà chỉ bảo: “Đó! Việc chưa đủ sức, gắng quá là không được mô…”

Kỷ niệm thất bại cay đắng ấy cũng là bài học cho cuộc đời tôi.

Những mùa cau như thế, buổi tối, sau bữa cơm, cả gia đình thường tụ tập ở một căn nhà ngang. Hai đĩa đèn dầu lạc được khêu thêm bấc. Quanh hai chiếc nong chất đầy thành ngọn những quả cau là những cái đòn gỗ thấp tè, thúng mủng và một chiếc ghế dài có lắp cần để cắt chũm cau.

Thoạt đầu, tất cả xúm lại róc vỏ cau. Tiếng lưỡi dao va vào thân quả cau hối hả. Những quả cau xoay tròn, xoay tròn, nối nhau cởi dần chiếc áo xanh dạn dày mưa nắng suốt từ xuân qua hạ, để lộ ra thân hình trong trắng.

Khi số cau róc vỏ được lưng thúng, bố tôi từ nhà trên xuống, tiếng dép làm bằng mo cau lết đều trên nền gạch. Ông dừng bước bên chiếc ghế dài, cất giọng vui vẻ:

- Đã có công việc cho tôi chưa? ...À, mau thật, bê thúng cau lên đây…

Ông quay người lấy chiếc dao to bản, cán dài giắt ở mái nhà, rồi ngồi xuống ghế cắt chũm cau. Công việc này hợp với ông, vì ông vẫn thường cắt thuốc bắc. Lúc này, mẹ tôi liền rời đám người róc vỏ cau, tới kiểm tra công việc cắt chũm cau của chồng.

- Quả này Thầy cắt vào chút nữa, miếng cau mới đẹp...Quả này thì Thầy lại cắt phạm quá.

Bà bảo nhỏ vậy, rồi đi sắp xếp chỗ cho người ngồi bửa cau; từng bước đi cho đến mọi cử động đều nhanh nhẹn, chính xác không phí một giây.

Nhà văn Hồng Nhu (bên trái) đưa bạn về thăm lại vườn xưa ở làng Mỹ Lợi (Thừa Thiên - Huế)
Nhà văn Hồng Nhu (bên trái) đưa bạn về thăm lại vườn xưa ở làng Mỹ Lợi (Thừa Thiên - Huế)

Việc róc vỏ cau thì hầu như ai cũng làm được, chỉ nhanh hay chậm. Tuy còn ít tuổi, tôi cũng cầm dao tập róc, có lần đứt tay chảy máu nhuộm đỏ cả những quả cau trắng tinh. Bửa cau thì lại là việc đòi hỏi có kỹ thuật thành thạo. Mẹ thường phải bửa cau làm mẫu. Ca dao có câu: “Thương nhau cau sáu bổ ba...” ấy là để nói cái tình, chứ bửa cau để bán thì loại nào bửa ba, loại nào bửa tư đều có chuẩn mực hẳn hoi.

Thúng cau, sau khi cắt chũm, được đổ ra cái nong thưa. Mẹ tôi đưa tay gạt qua đống cau như để phân loại, rồi nhón một quả. Quả cau bửa ba, hạt vừa đầy, không cứng, không mềm.

Những tối như thế, thường có một vài bà con sang giúp. Trong số đó, tôi nhớ nhất chú Chắt với đôi guốc gỗ tự đẽo lấy, gọi là guốc mỏ - đôi guốc có đế cao, mõm uốn cong ngược lên, quai bằng sợi mây bện lại bắt chéo qua mu bàn chân. Với kiểu guốc này, đường lầy bùn vẫn giữ sạch đôi chân; người thấp như chú Chắt cũng tôn cao thêm được dăm phân. Có khi mẹ tôi đón chú từ ngoài sân, giọng hồ hởi:

- Chú đến giúp cho một tay thì hay quá! Cố bửa lấy dăm nong, mai phơi cho kịp nắng.

- Trăng sao còn tỏ, lứa cau này nhất định được nắng, bác khỏi lo.

- Có chú là khỏi buồn ngủ rồi. Chú kể chuyện “Tống Trân Cúc Hoa” đi.

- Xà, tích ấy kể nhiều lần rồi…

Chú Chắt đáp nhỏ, rồi lấy chiếc ghế nhỏ ngồi bửa cau. Mỗi lần “giải lao” là chú lại cầm chiếc điếu cày, thư thả đặt mồi thuốc lào vào nõ, rồi châm lửa. Ngọn lửa nhỏ khi bị hút xuống nõ điếu, khi bốc lên soi tỏ ống điếu cày bằng tre bóng nhoáng và những nếp nhăn trên khuôn mặt hóm hỉnh của chú. Chú rít một lần, lần nữa; ngửng lên phà khói vẻ thỏa mãn, rồi rít lại lần nữa cho đến lúc nõ điếu tàn hẳn. Hơi thuốc nồng hắc hòa với khói đèn tạo một lớp sương khói mờ ảo phía trên nong cau đang thay màu áo.

 Những đêm như thế, nhà tôi thường sáng đèn đến khuya. Nhiều khi tôi ngồi bệt xuống nhà, tựa lưng mẹ gật gà ngủ, nghe lõm bõm chú Chắt kể chuyện “Tống Trân Cúc Hoa”. Chuyện này, cũng như Truyện Kiều, mẹ tôi đều thuộc, nhưng tấm gương người con trai không tham cảnh phú quý, vẫn chung thủy với người vợ nghèo, cũng như hình ảnh người con gái, dù trải bao cay đắng, vẫn trọn lòng chờ người chồng đi xa, qua giọng đọc của chú Chắt, mọi người nghe mãi không chán. Thì cũng như một tấm gương sáng, hàng ngày ai cũng muốn soi.

...Trạng nguyên nước mắt như mưa,

Tâu rằng: “Muôn đội ơn Vua cửu trùng.

Con Vua nhật nguyệt tiên cung

Con Vua ngọc chuốt gương trong họa đồ.

Tôi là hàn sĩ học trò

Tôi đâu dám sánh con Vua ngọc lành...

Lời thơ lục bát giản dị qua giọng đọc khàn khàn, chậm rãi, hơi buồn một chút của chú Chắt đưa người nghe tới một thế giới mà con người như chỉ còn biết nhắc nhủ nhau sống sao cho nhân nghĩa thủy chung.

...Lòng ta đá sắt khôn lay

Nhược bằng có thác thời nay theo chồng...

Những đêm bửa cau, mẹ thường thức khuya lắm. Khi mọi người đã ngủ, có lần tôi thức dậy đi “tè” vẫn thấy mẹ bên nong cau. Mẹ đang dát đều, rồi trở mặt những miếng cau vừa bửa ra kín mấy cái nong thưa. Sớm mai còn phải giã hạt cau làm “nước màu” phun đều lên các miếng cau rồi mới phơi nắng...

Quả là để có lứa cau, gánh trầu đẹp “được giá”, mẹ tôi đã bao đêm ngày ăn không ngon, ngủ không yên, nhất là khi những nong cau bửa ra không gặp nắng mốc meo hay cả vườn trầu úa vàng vì nước lụt ngâm quá lâu. Đó là chưa kể, những năm có bão lớn tràn về.  

Bên những hàng cau, khu vườn nhà tôi còn có hàng hàng những luống trầu song song thẳng tắp, cành lá xanh óng mượt bao quanh các bó cây nứa kết thành giàn ngang dọc tạo nên một công trình kiến trúc vững chắc mà thanh thoát trông thật thích mắt. Và hình như mẹ tôi không mấy lúc rời chúng. Một ngọn trầu non tơ chưa bám được vào choái nứa, uốn cong xuống như một cánh tay nhỏ muốn níu bước làm nũng với chủ nhân, là mẹ tôi vội đưa tay đỡ lên rồi lấy sợi dây mo cau buộc nó vào cột nứa. Mẹ còn trèo lên thang để cột lại những ngọn trầu trên cao hoặc hái lá trầu để bán…

Muốn mang trầu ra chợ thì phải xếp thành từng "liền". Thường là sau bữa cơm tối, mẹ tôi miệng còn ngậm tăm đã mang đèn dầu ra thềm nhà - ngang lo xếp buộc nốt đống trầu - không để sớm mai đi chợ Gôi. Số trầu được liền trước bữa ăn xếp thành mấy dãy bên bậc cửa, trông đều tăm tắp. Lá trầu - không trăm lá thì có trăm hình dáng to nhỏ khác nhau, nhưng qua tay mẹ, mỗi liền trầu đều có đúng 20 lá, to nhỏ được phân đều, nên các liền trầu xếp cạnh nhau như đúc từ một khuôn vậy.

Mẹ nhẹ nhàng chồng 5 liền trầu lên nhau - 3 liền lớp dưới, 2 liền lớp trên, rồi lấy dây mo cau cột lại. Buộc hết các liền trầu, mẹ lại quay người sang đống lá trầu, bàn tay phải thoăn thoắt nhặt hết lá này đến lá khác xếp sang bàn tay trái. Những lá nhỏ xếp xen lẫn ở giữa, lá trước đặt hơi lệch bên phải thì lá sau đặt lệch bên trái, lá to nhất được đặt trên cùng làm mặt; nhờ thế, liền trầu trông to đã đành mà còn tạo dáng đẹp tựa như một con chim đang uốn lưng xòe cánh sắp bay…

Bây giờ, hình như ít làng quê trồng trầu cau để làm hàng hóa. Nhưng hình ảnh người mẹ bên những nong cau, những luống trầu đã thành ký ức không quên trong tâm hồn bầy con xa quê. Tôi nhớ có một danh nhân nói đại ý: “Khi những gì mất hết, cái còn lại là văn hoá”. Phải! Cau trầu không còn là hàng hóa như xưa, nhưng hình ảnh người mẹ dù xuất thân nhà nho, vẫn chăm chỉ, bền bỉ và khéo léo vun xới vườn cây cho làng quê luôn được xanh mát, trong lành là một nét đẹp văn hóa của nông thôn xưa, là tấm gương lao động cần mẫn cho đàn con noi theo suốt đời, bất kể ở cương vị nào. Và có lẽ nông thôn hôm nay, dù có tiến lên hiện đại, vẫn đang cần những “bóng mát” như thế…

______

(*)"Liền": Khi dùng làm động từ, có nghĩa tương tự như "xếp" (các lá lại với nhau); có khi "liền" lại chỉ đơn vị một xấp gồm 20 lá trầu đã xếp lại với nhau. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất