, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 07/03/2022, 10:53

Mùa xuân đi gác kèo ong

LÊ ĐẠI ANH KIỆT
Chúng tôi đến ấp Vồ Dơi, nơi đặt trụ sở của Ban quản lý Vườn Quốc gia U Minh Hạ vào giữa trưa một ngày nắng cháy. Mùa khô là thời điểm chính vụ ăn ong, lúc này sản lượng mật ong cao nhất, chất lượng tốt nhất so với hai mùa còn lại là mùa mưa và mùa lỡ. Đây cũng là thời điểm rừng được bảo vệ nghiêm ngặt nhất để phòng chống cháy rừng.
Gác kèo ong trong một khoảng rừng thưa.

Đích thân kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Tấn Truyện, Trưởng phòng Khoa học và Quan hệ quốc tế của BQL Vườn Quốc gia hướng dẫn chúng tôi đến gặp anh Võ Văn Vinh, gia đình có ba đời làm thợ rừng. Đến đời Vinh, gia đình anh chọn định canh và nhận khoán 6ha rừng ở vùng đệm để trồng tràm và gác kèo ong. 

Người thông thuộc tính nết đàn ong rừng

Cũng từng ấy vật dụng, cũng cùng trên một cánh rừng nhưng không phải ai gác kèo cũng đạt kết quả như nhau. Có người gác 10 kèo ong đóng tổ đến 9 nhưng có người chỉ được 4 - 5, thậm chí thấp hơn. Vinh nổi tiếng và được người dân trong vùng “kiềng mặt” vì gác kèo mát tay. Trên đường đưa tôi đến nơi gác kèo có ong làm tổ bằng chiếc xuồng nhỏ mỏng manh, Vinh kể: “Mùa tràm trổ bông từ tháng 9 tới tháng 10, ong kéo về ăn bông, tìm chỗ đóng tổ để sinh con đẻ cái. Nếu không có kèo, ong làm tổ có khi quá cao, khi quá sâu trong rừng, việc ăn ong, lấy mật sẽ khó khăn. Gác kèo là tạo ra cái “sườn nhà” phù hợp cho ong đóng ổ theo ý mình”.

Bộ kèo ong chỉ gồm ba đoạn cây. Hai đoạn cây được cắm xuống mặt đất để làm trụ (thường là cây tràm), đầu trên vạt nhọn. Cây cao trên dưới 2m được gọi là cây nống, cây thấp (khoảng 1,7m) gọi là cây nạng. Cây thứ ba là cây kèo (cây tràm, cây cau, cây bình bát) được khoét lỗ hoặc vạt ngàm để gác lên trên đầu của cây nống và cây nạng theo một góc chênh chếch với mặt đất, theo cách nói của Vinh là tỉ lệ 7/3. 

Ngoài bộ kèo thiệt ngon, theo Vinh, ăn thua còn là chọn chỗ gác kèo, hướng gác kèo. Điểm gác kèo tốt nhất là cây tràm thấp có nhiều bông, có trảng trống, thuận đường cho ong bay, có lượng nắng mặt trời chiếu xuống thân kèo phù hợp. Thường là hai phần nắng một phần mát vào mùa mưa và một phần nắng hai phần mát vào mùa khô. Đầu kèo hướng về phía mặt trời mọc. Chọn hướng gió thích hợp tùy theo mùa để đặt hướng gác kèo thuận cho đường bay của đàn ong… 

Người gác kèo phải hiểu tánh ý của đàn ong mà chọn độ cao, hướng kèo rồi còn phải dọn cỏ, cắt cây che mát chỗ này, tạo khoảng trống chỗ kia để đàn ong ưng ý đáp vô kèo đóng ổ. Chừng nửa tháng sau ngày gác kèo, đi một vòng dòm ngó đã biết được bao nhiêu kèo có ong đóng ổ và thêm hai tuần nữa đã có thể ăn ong lấy mật.

Tổ ong trên thân kèo của anh Võ Văn Vinh

Câu chuyện đang hồi hấp dẫn thì Vinh quay mũi xuồng tấp vô một đám tràm non chen lẫn mây, sậy lưa thưa. Vinh ra hiệu cho tôi im lặng. Nhẹ nhàng, thận trọng từng bước, Vinh vẹt cây mở đường dẫn tôi đi dọc bờ kinh. Được hơn 10m, Vinh dừng lại chỉ tay ra hiệu đã đến chỗ kèo ong đóng tổ. Tôi giương mắt nhìn, chỉ thấy một màn cây lưa thưa. Bất đắc dĩ, Vinh vẹt sâu hơn lớp cây trước mặt. Tôi trố mắt, một khối đen ngòm to bằng hai miệng thúng lúc nhúc hàng triệu con ong đang trĩu oằn dưới một kèo ong. Tôi lấy máy say sưa bấm, đổi từ góc này sang góc khác mong có bức ảnh hoàn chỉnh nhất về cái kèo ong. Vinh lo lắng thì thào hối thúc: “Nó động! Nó ra! Lẹ đi anh”! 

Khi xuồng tách bờ đi một đoạn xa, Vinh mới thở ra, cười thoải mái. “Em thì quen rồi, cơ thể đề kháng với nọc. Lo là lo cho anh! Hồi nãy ong bị động bay ra, chậm một chút nó sẽ tấn công. Tập tính ong rất lạ, người nào bị chích một mũi, nó sẽ theo mùi nọc tiếp tục tấn công dù đã chạy rất xa. Ong cũng rất dị ứng với thiết bị điện tử”…

Tổ ong 8 lít

Đạo ăn ong

Không chỉ sáng tạo trong việc “định sẵn” chỗ “làm nhà” cho ong, cách ăn ong của người gác kèo ong U Minh cũng rất lạ. 

Theo Vinh, tổ ong được thiết kế rất bài bản với một quy tắc nghiêm ngặt. Phần cao ở đầu kèo chứa toàn sáp và mật ong còn được gọi là khúc mức, kế đến là phần ong non và ong già. Người ăn ong đến gần đốt con cúi và thổi khói vào tổ, ong bị say khói bay đi. Khúc mức hiện ra một khối màu trắng ngà, mọng mật. Lần ăn ong đầu tiên chỉ cần cắt khúc mức này đem về nhà vắt.

Từ lần thứ hai trở đi, phải tỉa gọn tổ ong cho nhẹ để không bị gió thổi hư và cắt một phần tổ cũ cột vô đoạn kèo trống từ khúc mức đã cắt để ong tái tạo ổ nhanh hơn. Cứ như vậy, một lần gác kèo ong có thể thu hoạch từ bốn đến năm lần cho đến khi hết mùa, ong bay đi.

Vừa khai thác mật, lấy sáp vừa bảo tồn sinh thái chính là nét độc đáo của nghề gác kèo ong ở U Minh. Theo các nhà khoa học thì Campuchia và Indonesia cũng có nghề ăn ong nhưng họ khai thác tổ ong chỉ một lần. Trong thập niên 90, UNESCO từng tổ chức hội nghị để những người ăn ong các nước Đông Nam Á, chủ yếu là Campuchia và Indonesia, học tập cách gác kèo của những người ăn ong ở U Minh.

Tổ ong trắng muốt

Giải mã đoàn Phong Ngạn!

Nói đến người gác kèo ong, không thể không nhắc đến đoàn Phong Ngạn và những luật lệ bất thành văn của nó. Người dân địa phương và những người ăn ong luôn tự hào mỗi khi nhắc đến luật lệ này nhưng đoàn Phong Ngạn là gì thì không ai biết. Theo Đại Nam Quốc Âm Tự Vị, phong 葑 là ong mật, ngạn 岸 (còn được phát âm thành ngàn) là rừng. Rừng U Minh xưa nhiều thú dữ, rắn độc. Người đi khai phá rừng cũng là lưu dân tứ chiến, có thể cướp bóc, giết chóc nhau. Tai họa có thể đến từ mọi phía nên người ăn ong từ xa xưa đã kết hợp với nhau theo từng nhóm gọi là đoàn. Như vậy, có thể hiểu đoàn Phong Ngạn là một nhóm người cùng làm nghề gác kèo, ăn ong mật rừng.

Nghề gác kèo ong ở U Minh không chỉ là cách khai thác lâm sản độc đáo mà còn là những áng văn ly kỳ.

Theo nhà văn Nguyễn Trọng Tín, người sinh ra và gần cả đời gắn bó với Cà Mau, luật lệ của đoàn Phong Ngạn rất chặt chẽ và cũng rất nhân văn. Mỗi người trong đoàn được giao một phần rừng để gác kèo và chịu trách nhiệm bảo vệ rừng. Có lẽ do tính chất đối kháng dữ dội với thiên nhiên và con người thời ấy nên thành viên phải là đàn ông, phải búi tóc. Người trong đoàn không được xâm phạm lãnh địa, không được ăn ong trên kèo thành viên khác. Thông thường trên mỗi đầu kèo, thân kèo có khắc tên hoặc dấu hiệu của người chủ. Khi một thành viên của đoàn mất mà không có con hoặc cháu trai thừa kế thì số đầu kèo và phần đất rừng khai thác của người ấy sẽ chia đều cho người khác trong đoàn.

Để bảo vệ an toàn cũng như bảo đảm sự minh bạch, các thành viên Phong Ngạn không đi một mình vào rừng mà phải đi ít nhất hai người, cũng không tự ý vô rừng mà trước mỗi chuyến đi phải báo cho đoàn. Khi va chạm với thú dữ, với các nhóm đối kháng khác, phải hết lòng hết sức, liều chết bảo vệ nhau. Mỗi thành viên gia nhập đoàn phải qua nghi lễ trang nghiêm và cùng cắt máu ăn thề với lời thề độc địa, thông thường, nội dung bảo chứng chính là sinh mạng của mình. Người vi phạm sẽ bị xử theo luật lệ của đoàn, mức phạt cao nhất là bị đuổi ra khỏi đoàn. Trong bối cảnh thời ấy, làm một thợ rừng đơn lẻ, không có sự hỗ trợ của cộng đồng là mất mạng như chơi. 

Rừng đệm U Minh hiện nay hầu hết đã được giao khoán cho dân và mỗi người tự gác kèo ong trên phần đất khoán của mình. Đoàn Phong Ngạn cũng không còn nhưng ý thức đoàn kết, tương trợ và bảo vệ nhau, bảo vệ rừng của dân Phong Ngạn xưa hầu như còn nguyên trong tâm thức những người sống bằng nghề gác kèo ong. Vinh cho biết anh luôn tự hào và tuân thủ theo đúng đạo ăn ong của dân Phong Ngạn.

Võ Văn Vinh và gần 10 lít mật thu hoạch từ 1 kèo ong.

Hàng năm, Vinh khai thác hàng trăm lít mật từ 6ha rừng nhận khoán. Thứ mật thiên nhiên thuần khiết được bán với giá chỉ 400.000 đồng/lít. Thu nhập ấy đủ để Vinh trang trải đời sống và nuôi con học đại học ngành nhà hàng khách sạn. Con anh Vinh cũng muốn gắn bó với rừng U Minh, cháu mong sẽ giới thiệu với du khách những đặc sản ẩm thực khẩn hoang từ nguyên liệu của rừng U Minh theo phong cách mới.

Đoàn Phong Ngạn đã “quá vãng” nhưng đạo và người Phong Ngạn vẫn sinh sôi…

Trải qua bao biến thiên, rừng U Minh rộng lớn thuở xưa giờ chỉ còn lại Vườn Quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang) và U Minh Hạ (Cà Mau), mỗi nơi trên 8.000ha vùng lõi và hơn 30.000ha vùng đệm. Mỗi năm, riêng U Minh Hạ đã khai thác hơn 1.000 tấn mật ong nguyên chất, tinh khiết.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất