, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 22/02/2018, 06:46

Mùa xuân và hoa Fuji

BÙI KIM SƠN

Tử đằng là tên Hán Việt, có nghĩa là dây hoa leo màu tím, do hoa thường có màu tím, nhưng tên khoa học là Wisteria sinensis, là loài thực vật có hoa thuộc họ Đậu (Fabaceae) cùng với 9 loài dây leo thân gỗ khác. Các tên Hán Việt khác của Tử đằng là Chu đằng, Đằng la, còn trong tiếng Việt gọi là dây sắn tía, trong tiếng Anh gọi là Chinese Wisteria, trong tiếng Pháp gọi là Glycine de Chine và trong tiếng Nhật là Fuji.

Hoa tử đằng tượng trưng cho tình yêu bất diệt
Hoa tử đằng tượng trưng cho tình yêu bất diệt

Tử đằng, một loài dây leo nhưng có thân gỗ, rụng lá, là loài cây bản địa lâu năm tại các tỉnh Quảng Tây, Quý Châu, Hà Bắc, Hà Nam, Hồ Bắc, Sơn Tây và Vân Nam của Trung Hoa. Mặc dù là loài dây leo nhưng nếu lâu năm, Tử đằng sẽ trở thành như thân cây uốn cong, một khi có điểm tựa như cột hay giàn chống, có thể ngoằn ngoèo dài tới 20-30m. Điểm đặc biệt, Tử đằng chỉ ra hoa một khi đến độ trưởng thành chín muồi, thường 15 năm kể từ khi trồng, hoa kết thành từng chùm buông dài xuống khoảng gần 1m.

Tử đằng với những sợi dây hoa tuyền một màu buông rũ mềm mại rất dễ làm say đắm lòng người. Vì vậy, người Nhật rất yêu hoa Tử đằng. Núi Phú Sĩ có đỉnh quanh năm tuyết phủ, biểu tượng của nước Nhật, tên trong tiếng Nhật là Fujiyama, Hán Việt dịch và phiên âm là Phú Sĩ Sơn, tức là Núi Tử Đằng. Núi Phú Sĩ nằm cách thủ đô Tokyo khoảng 120km về phía tây nam, các thành phố quanh quanh đó đều mang tên Phú Sĩ: Fuji, Fujinomiya, Fujiyoshida, riêng thành phố Fujikawaguchiko nằm cạnh chiếc hồ cùng tên rất đẹp. Fujikawaguchiko, âm Hán Việt là Phú Sĩ Hà Khẩu Hồ, tức Hồ Cửa Sông Phú Sĩ. Rất nhiều câu lạc bộ sức khỏe, sân golf, công viên cũng mang tên Fuji. Ngoài ra, gần núi Phú Sĩ còn có một ngọn núi nhỏ khác mang tên Kofuji (Tiểu Phú Sĩ). Còn loại táo Fuji nổi tiếng của Nhật, cũng chính là táo Tử Đằng!

Và có lẽ trên thế giới này, không có dân tộc nào yêu hoa Tử đằng như người Nhật, họ tôn vinh hoa là biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu. Những vườn hoa Tử đằng của họ, có lẽ là duy nhất trên thế giới.

Vì vậy, hằng năm, du khách khắp nơi thường đổ về đây để ngắm hoa Tử đằng. Một trong những địa điểm nổi tiếng là công viên hoa Ashikaga tại tỉnh Tochigi, phía bắc cách Tokyo khoảng 80km. Tại đây, người Nhật đã dành cả một diện tích rộng đến 8,2 ha trồng hẳn một rừng hoa Tử đằng để mọi người có thể thưởng thức và chiêm ngưỡng. Có thể nói rằng không nơi đâu hoa Tử đằng lại đẹp và tươi thắm như ở công viên Ashikaga. Những thảm hoa mềm mại mượt mà giăng mắc trên cao như những áng mây mênh mang khiến người xem có cảm giác như đang lạc vào cõi tiên. Hàng ngày, có đến cả ngàn du khách và người dân Nhật đến công viên Ashikaga để ngắm hoa và chụp ảnh lưu niệm. Nhiều đôi tình nhân tới đây, không phải ngắm hoa hay chụp ảnh mà chỉ đơn giản để nắm tay nhau và đi dưới vườn hoa tình yêu tuyệt đẹp này.

Cũng còn có một công viên hoa Tử đằng khác là công viên Kawachi Fuji-en tại thành phố Kitakyushu thuộc tỉnh Fukuoka trên đảo Kyushu, miền Nam Nhật Bản. Tương tự ở công viên Ashikaga, do nguyên là cây leo nên Tử đằng cần có giàn chống đỡ để cây vươn rộng được cành, công viên Kawachi đã thực hiện hàng trăm mét vuông giàn cho cây leo vươn cành hoa. Vì vậy, khi nhàn du bên dưới thì trên đầu hoa Tử đằng rũ bóng giăng kín khung trời thật thi vị. Nhưng ở Kawachi còn đặc biệt hơn khi có một lối đi dài gần trăm mét bên trên phủ bởi giàn cây được kết cấu thành một mái vòm. Vì vậy khi đi bên dưới cũng là đi trong một đường hầm mà bên trên hoa Tử đằng giăng kín tạo nên một cảnh quan đầy cảm xúc tuyệt vời.

Bên cạnh cảm xúc vì hoa, Tử đằng còn là nguồn cảm hứng của nhiều thi sĩ, nổi tiếng nhất là bài Tử đằng thụ của thi hào Lý Bạch:

Phiên âm Hán Việt:

Tử đằng thụ

Tử đằng quải vân mộc,

Hoa mạn nghi dương xuân.

Mật diệp ẩn ca điểu,

Hương phong lưu mỹ nhân.

Cây Tử đằng (bản dịch thơ của Đông A):

Tử đằng treo chót vót

Lớp lớp tưởng đương xuân

Cành rậm che chim hót

Hương bay níu mỹ nhân

Cây tử đằng (bản dịch thơ của Bùi Kim Sơn):

Tử đằng giăng mắc thân mây,

Hoa tràn khắp chốn ngỡ đầy ánh xuân,

Chim ca, bóng lá ẩn thân,

Gió đưa hương níu mỹ nhân khó rời

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất