, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 03/02/2017, 12:57

Mùa Xuân và Lễ hội "bắt chồng" ở Tây Nguyên

Theo Bảo Lâm (Quehuongonline)

Srí - tín vật huyền bí gắn kết lứa đôi

Sắc màu tràn đầy sức sống bừng thức khắp nơi như báo hiệu một mùa lễ hội bắt chồng rộn ràng nhộn nhịp của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Và tín vật không thể thiếu trong lễ “bắt chồng” này chính là cặp nhẫn cưới Srí.

 Cặp nhẫn Srí
Cặp nhẫn Srí

 Đối với người Kinh, cặp nhẫn cưới thường là nhẫn vàng, còn đối với người Chu Ru, Cơ Ho… theo tục truyền của ông bà để lại bao đời nay, cặp nhẫn cưới làm từ nguyên liệu chính là bạc và sáp ong. Chiếc nhẫn bạc Srí không chỉ là vật trang sức, của hồi môn mà còn là tín vật mang sức mạnh huyền bí, kết nối hai con người lại với nhau như một quy ước, một lời thề hẹn ngầm cho hạnh phúc gia đình khi người con gái đã “bắt” được chàng trai mình yêu thương.

Để tạo ra được một cặp nhẫn cưới hoàn hảo cho các cô gái đi “bắt chồng”, người nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ như: lấy củi, nấu sáp, làm hoa văn cho nhẫn, tạo khuôn, nấu bạc, đánh bóng nhẫn… Đầu tiên, người nghệ nhân lấy sáp ong nấu chảy, trộn phân trâu rồi dùng que gỗ tròn bằng ngón tay nhúng vào, chờ khô rút que gỗ ra, sáp ong và phân trâu khô quánh thành những ống tròn, nghệ nhân cắt thành những khuyên nhỏ làm khuôn đúc nhẫn. Bạc sau khi được đun nóng sẽ đổ vào khuôn, trước sức nóng của bạc mới nấu, sáp ong và phân trâu sẽ bết chặt tạo thành một lớp men bên ngoài nhẫn. Khuôn đúc nhẫn có hai loại: Loại nhỏ để đúc nhẫn mái cho người phụ nữ; loại to đúc nhẫn trống dành cho người con trai.

Người dân Tây Nguyên luôn xem cây Kơ-nia là biểu trưng cho sự bền vững, thủy chung. Bởi vậy trong quá trình đánh bóng và chạm trổ, nghệ nhân dùng nước bồ kết hoặc nước lá cây Kơ-nia đun sôi để rửa và gửi gắm ước vọng về một mùa xuân vĩnh hằng và chiếc nhẫn trống (Srí Lơ Hây) mà các cô gái dùng để làm tín vật “bắt chồng” cũng được gắn hạt cây Kơ-nia trên mặt nhẫn.

Người dân tộc Chu Ru rất tin vào yếu tố tâm linh của chiếc nhẫn cưới, vì thế mỗi nghệ nhân đều phải tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc chế tác mà cha ông truyền lại. Đêm trước khi bắt tay vào đúc nhẫn, người thợ phải tắm rửa sạch sẽ bằng nước một loại lá thơm hái trong rừng, đồng thời phải cách ly, không được gần gũi vợ. Chiếc nhẫn chỉ được làm trong thời gian từ 4-8 giờ sáng vì đây là giờ đẹp, giờ thiêng cho sự gắn kết lứa đôi. Trừ bạc và sáp ong có thể mua ở cửa hàng (trước đây sáp ong thường lấy từ rừng), những nguyên liệu còn lại như phân trâu (phải là phân của con trâu đực 3 tuổi), đất sét, lá dứa hay củi được mang về từ rừng xanh. Việc chế tác nhẫn hoàn toàn thủ công, bộ đồ nghề duy nhất sử dụng bằng gỗ và đây là bộ đồ nghề mẫu hệ được các đời trước truyền lại.

Từ đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân kết hợp với bí quyết tục truyền của dòng tộc, các cặp nhẫn cưới Srí khi được tạo thành mang một dấu ấn rất riêng của người Chu Ru. Chiếc nhẫn như sợi dây tơ hồng gắn kết chặt chẽ người con gái và người con trai, buộc chặt hôn nhân hai người họ, hướng về một gia đình hạnh phúc trong tương lai.

 Tái hiện Lễ bắt chồng của các cô gái dân tộc Churu
Tái hiện Lễ bắt chồng của các cô gái dân tộc Churu

 Độc đáo đêm hội bắt chồng

Bắt đầu từ Mùng Một Tết Âm lịch cho đến hết tháng Ba, mùa bắt chồng của các thiếu nữ dân tộc Chu Ru, Cil, Cơ Ho… ở Lâm Đồng nói riêng và Tây Nguyên nói chung diễn ra trong không khí vui tươi, nhộn nhịp.

Như nét văn hóa độc đáo được truyền từ bao đời nay, lễ bắt chồng thường thực hiện vào ban đêm. Khi ưng ý một chàng trai nào đó, cô gái về thông báo cho gia đình và dòng họ biết. Trong ba tháng mùa Xuân, gia đình nhà gái chọn ngày mang hoa quả đến nhà trai nói chuyện dạm hỏi. Nếu cả hai dòng họ đồng ý, cô gái sẽ đến đeo nhẫn vào tay người con trai trong đêm đẹp trời. Sở dĩ lễ bắt chồng thường diễn ra lúc ban đêm bởi có một số trường hợp đi hỏi bị từ chối, việc dạm hỏi được tổ chức vào buổi tối để nhà gái không cảm thấy xấu hổ, đồng thời cũng thể hiện được lòng tự trọng của họ. Trường hợp người con trai không thích có thể tháo nhẫn trả lại, nhưng 7 ngày sau, cô gái lại chọn một đêm đẹp trời đến đeo nhẫn cho chàng trai và cứ thế lặp đi, lặp lại cho đến khi nào chàng trai thương và chấp nhận thì đám cưới diễn ra.

Khi cả hai bên đã thuận tình, nhà gái sẽ chuẩn bị đầy đủ lễ vật để chuẩn bị cho ngày đón rể. Nhà trai chủ động đưa ra yêu cầu về lễ vật dẫn cưới và được hai bên cùng chấp nhận. Ngoài nhẫn, hạt cườm và các lễ vật khác, còn có thêm khăn trắng và khăn xanh. Khăn trắng để dành cho đàn ông; khăn xanh để dành cho các cô, các bà, các chị; nhiều ít do nhà trai thách, nhà trai thách bao nhiêu quà thì nhà gái phải đáp ứng đầy đủ mới cưới được chồng.

 

Trước khi cưới một ngày, buôn làng tổ chức đêm hội gọi là “Đêm bắt chồng”. Sau màn dặn dò và chia của hồi môn, mẹ cô gái choàng, thắt khăn cột đôi bạn trẻ lại với nhau. Việc trùm khăn lên cô dâu chú rể là một nghi thức quan trọng cầu cho lứa đôi hạnh phúc, luôn sát cánh bên nhau trong hạnh phúc cũng như hoạn nạn.

Cũng trong đêm này, chàng trai và cô gái cần đọc một số câu luật tục riêng của đồng bào mình, trong đó có những câu độc đáo như: “Tìm vợ, tìm chồng phải hỏi mẹ cha; ăn ruộng, ăn rẫy phải hỏi tai con trâu, con bò; làm bẫy phải hỏi thần núi; về với vợ như về với nước...”. Ngày cưới chàng trai và cô gái rút nhẫn ra hôn nhẫn và đeo lại cho nhau. Người thân, dân làng sẽ tổ chức màn đấu chiêng, cùng nhau uống rượu và múa hát với mong muốn mọi sự mâu thuẫn, bất đồng giữa hai họ sẽ được bỏ qua và chung vui chúc mừng cho cặp vợ chồng mới cưới.

Sau lễ cưới 7 ngày, cô gái tháo nhẫn đưa mẹ chồng cất giữ và ngược lại nhẫn chàng trai do mẹ cô gái cất giữ. Theo tục lệ, chàng trai sẽ ở rể và hai bên dòng họ thử thách tình yêu của đôi vợ chồng trong năm đầu tiên. Một năm sau, bên đằng trai cho vốn bên nhà con trai của người ta, nhà có trâu cho trâu, có gì cho nấy như quần áo, tô chén. Sau đó bên đằng gái cho vốn hai vợ chồng rồi hỏi hai vợ chồng muốn ăn riêng hay ở chung với bố mẹ. Nhưng dù ở chung hay ở riêng thì đôi vợ chồng vẫn luôn cố gắng yêu thương chăm sóc lẫn nhau, giữ trọn đạo hiếu với dòng họ và cha mẹ hai bên.

Lễ hội bắt chồng của người Chu Ru, Cil, Cơ Ho… hiện vẫn còn được lưu giữ ở nhiều bản làng Tây Nguyên, tạo thêm nét độc đáo hấp dẫn trên vùng đất với nhiều huyền thoại của núi rừng. Rồi mỗi mùa Xuân về, khi hoa đua sắc, ong bướm bay rập rờn, trời đất tràn đầy sức sống, trái tim những thiếu nữ Chu Ru, Cil, Cơ Ho… lại bồi hồi, rạo rực, chờ đợi giây phút được lồng chiếc nhẫn vào ngón tay người mình thương nhớ. Con người cùng hòa với đất trời chìm đắm trong men say của hạnh phúc lứa đôi.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất