Còn những cánh đồng, còn những con đường quê với các mẹ, các chị tảo tần những mùa cấy hái thì còn nón lá. Là chưa kể những chiếc nón lá nghệ thuật giờ đã tự tin xuất ngoại, kể với bạn bè quốc tế những câu chuyện sống động về nền văn minh lúa nước ngàn năm. Nón còn, thì nghề làm nón làng Chuông cũng còn, và câu ca dao xưa vẫn đúng:
Muốn ăn cơm trắng cá trê
Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông…
![]() |
Nghề xưa
Bạn tôi, một phóng viên kinh tế sắc sảo, người gốc làng Chuông, luôn tự tin khẳng định như thế. Bao năm sống xa quê, vừa sà xuống sân nhà, đôi tay chị lại thoăn thoắt xếp lá, thắt nón (từ riêng của người làng để chỉ việc khâu nón); vừa làm vừa giảng giải: đây là loại nón đội che nắng, mỏng nhẹ cho các cô gái làm duyên thì chỉ làm bằng hai lớp lá gồi non. Loại nón đội đi làm đồng dày dặn hơn, để che mưa gió thì thêm lớp mo tre ở giữa…
Nằm bên sông Đáy, làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Quốc Oai) thuộc Hà Tây cũ - vùng đất được mệnh danh “đất của trăm nghề” nay đã đông đúc dân cư, nhưng vẫn đậm đà nét chân quê. Và chợ Chuông, cứ một tháng 6 phiên (ngày 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch; họp từ tờ mờ sáng), thì đích thực dành riêng cho những người yêu nón, gắn bó với nghề làm nón.
Theo các nghệ nhân có tuổi trong làng, nghề làm nón ở làng Chuông có truyền thống hơn 300 năm.
Lá làm nón đem về được vò trong cát, phơi nắng vừa phải sao cho lá chuyển màu trắng bạc, mỏng nhưng vẫn dai, phẳng mà không giòn, không rách.
Đặt miếng vải lên lá, dùng chiếc lưỡi cày được hơ nóng để là phẳng trước khi lên khuôn. Nhiệt độ phải căn khéo, vừa đủ để lá mềm, phẳng, không “sống”, không “cháy”. Vòng nón làm bằng tre vót nhỏ, đều, giáp tròn vành, không cong vênh.
Điểm đặc biệt của nón làng Chuông so với các loại nón ở các vùng miền khác là chiếc nón có 8 gọng, 16 lớp vòng, bền chắc, nhưng vẫn thanh thoát. “Công thức vàng 16” ấy đã được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đúc kết: “Bàn tay xây lá, tay xuyên nón/ Mười sáu vành, mười sáu trăng lên”.
Người làng Chuông xưa làm thành thục rất nhiều loại nón. Nào là nón ba tầm cho các cô gái; rồi nón nhô, nón long, nón dấu, nón chóp cho các chàng trai. Cầu kỳ hơn có nón thúng quai thao các liền anh liền chị quan họ ưa dùng…
![]() |
Họp chợ làng Chuông |
Cùng với thời gian, thói quen tiêu dùng thay đổi, giờ đây hầu hết người làng chỉ quen làm loại nón thông dụng nhất, thường được các bà, các chị sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Và lượng tiêu thụ loại nón này cũng không nhiều như xưa.
Dù vậy, mỗi năm làng Chuông vẫn cung cấp ra thị trường khoảng 3 triệu chiếc nón. Nghề làm nón vẫn tạo việc làm cho hàng ngàn hộ dân xã Phương Trung và các xã lân cận chuyên cung cấp nguyên liệu như lá nón, vành nón, chỉ khâu…
Làm nón cần sự tỉ mỉ, khéo léo, nhưng không phải công việc nặng nhọc, nên cả những em bé đang tuổi đến trường và các cụ phụ lão không còn nhiều sức vóc cũng có thể túc tắc kiếm thêm, bù chi cho con cháu.
…được nối lửa nay
May mắn nhiều người con làng Chuông đã không chấp nhận ngồi nhìn nghề truyền thống lụi tàn. Cụ Phạm Trần Canh, thương binh hạng 2/4, là một trong số ít nghệ nhân của làng sau khi giải ngũ đã cất công tìm tòi, học hỏi và làm chủ được bí quyết tạo nên những chiếc nón nghệ thuật tinh xảo, cầu kỳ.
Lọc cọc chiếc xe đạp với một chân, người thương binh lúc ấy đã đứng tuổi cất công tìm mua nón xưa ở các vùng xa về dỡ ra, hồi tưởng lại những gì đã được học từ thời thơ bé, tìm hiểu thêm về kỹ thuật làm nón,… Hai vợ chồng cụ Canh - những người làm nón tài khéo nổi tiếng của làng nay đã qua đời, nhưng kể về nghề nón, người làng không ai là không nhắc đến cụ.
Cùng chung chí hướng giữ gìn và phát huy vốn cổ như bậc cha chú, nghệ nhân Lê Văn Tuy tâm niệm “muốn sống được bằng nghề, sản phẩm phải có nhiều mẫu mã, hướng đến công dụng mới và những đối tượng khách hàng mới”.
![]() |
Anh Lê Văn Tuy - nghệ nhân nón làng Chuông |
Chuyện với chúng tôi, anh Tuy giờ vẫn tiếc vì “đã không được học hành đến nơi đến chốn”. Bố mất sớm, chỉ học hết cấp 2, ước mơ làm thầy giáo dang dở, nhưng cậu bé Tuy vốn khéo tay, nhanh trí, có thể hoàn thành mọi yêu cầu “đặt hàng”, nên luôn đắt khách.
Bước ngoặt lớn đến với anh vào năm 1999 khi nhận đơn đặt hàng là 1 chiếc nón cỡ lớn, đường kính tới 1m với yêu cầu lá nón không được nối. Không chỉ phải tự thiết kế khung mới với kích thước khổng lồ, anh còn phải kỳ công chọn lựa được loại lá nón dài như yêu cầu.
Để làm được chiếc nón, 2 vợ chồng anh đã phải miệt mài cùng làm, mỗi người ngồi khâu 1 phía. Thành công từ chiếc nón này đã giúp anh Tuy quyết tâm tìm tòi, học hỏi để sáng tạo thêm nhiều mẫu mã, từ kiểu dáng đến chất liệu.
Giờ đây, ngoài những chiếc nón che mưa nắng thông thường, sản phẩm mới của gia đình anh còn có nón quai thao, các loại nón làm quà lưu niệm, nón biểu diễn (thời trang, múa), nón phục trang trong các phim cổ trang; nón kiểu Thái, kiểu Hàn, kiểu Tàu…
“Năm ngoái, xưởng phim truyện đặt tôi phục dựng nón thời Nguyễn, nhưng không có nguyên mẫu, chỉ mô tả. Tôi cũng mày mò làm, may được các anh ấy chấp nhận và cổ vũ”, anh Tuy hồ hởi kể lại.
Tuy vẫn duy trì được các đơn hàng với số lượng lớn (mỗi tháng, gia đình anh xuất bán khoảng 3 vạn chiếc nón các loại), anh Tuy thành thực chia sẻ, anh nghĩ mình là người may mắn. “Nghề nón nói chung khó phát triển, thu nhập của người làm nón không cao. Thợ giỏi cũng chỉ được khoảng 100.000 đồng/ngày, nên không còn nhiều người trẻ tha thiết với nghề.
Hai con trai tôi, đứa đang đại học, đứa học cấp 3, tuy cũng biết làm nón, nhưng chỉ tham gia vài khâu, chưa đứa nào làm được một chiếc hoàn chỉnh từ đầu đén cuối”. Bởi lẽ đó, mong muốn của “ông chủ” Tuy cũng khá bình dị: có một khoảnh đất đủ rộng để trưng bày sản phẩm, dạy nghề, biến nơi đây thành điểm tham quan cho khách du lịch…
Dẫu không còn nhiều người làm nghề nón như xưa, dẫu rằng những chiếc nón lá đã thưa thớt bóng trong cuộc sống thường nhật ở đô thị, nhưng cũng như bạn mình, tôi nghĩ không phải hão huyền khi tin rằng nghề nón ở làng Chuông vẫn bền bỉ sinh tồn. Những chiếc nón “ngàn xưa chung tình” ấy…
“Trên đầu đội nón làng Chuông/ Ra đồng, xuống chợ, tới trường, vào thơ/ Dịu dàng che nắng, che mưa/ Nón bằng, nón chóp ngàn xưa chung tình” (Hoàng Cẩm Thạch)
Còn những cánh đồng, còn những con đường quê với các mẹ, các chị tảo tần những mùa cấy hái thì còn nón lá. Là chưa kể những chiếc nón lá nghệ thuật giờ đã tự tin xuất ngoại, kể với bạn bè quốc tế những câu chuyện sống động về nền văn minh lúa nước ngàn năm. Nón còn, thì nghề làm nón làng Chuông cũng còn, và câu ca dao xưa vẫn đúng: Muốn ăn cơm trắng cá trê/Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông…