, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 26/02/2023, 12:52

Muôn cách xử lý ảnh cưới khôn ngoan sau khi ly hôn

Hạ Nhiên
Xử lý ảnh cưới và các kỷ vật liên quan đến cuộc hôn nhân cũ là bài toán khó với nhiều người.

Ảnh cưới đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc sống mỗi người (ảnh minh họa)

Chụp ảnh cưới là một phần không thể thiếu trong hành trình “về chung một nhà” của các cặp đôi. Càng có điều kiện, các cặp đôi càng nghĩ ra nhiều ý tưởng chụp ảnh cưới độc lạ, xịn xò. Bức ảnh cưới lớn treo giữa nhà và treo trong phòng tân hôn cùng album ảnh dày cộp với các hình ảnh đẹp lung linh là cách cặp các vợ chồng lưu giữ khoảnh khắc trọng đại của đời mình.

Tuy vậy, với những ai chẳng may “đứt gánh hôn nhân”, ảnh cưới lại được xem là “gánh nặng”. Xử lý ảnh cưới và các kỷ vật liên quan đến cuộc hôn nhân cũ là bài toán khó đối với nhiều người.

Mới đây, một nhóm kín chuyên chia sẻ các câu chuyện hôn nhân đã nhắc đến chủ đề này và thu hút rất nhiều sự quan tâm. Hội chị em đưa ra nhiều cách xử lý ảnh cưới và những kỷ vật cũ – những thứ được xem là thừa thãi khi hôn nhân đổ vỡ. Một số người thừa nhận, họ đã rất chật vật mới tìm ra được cách xử lý thỏa đáng.

“Cất giữ và nâng niu vì dù sao đó cũng từng là minh chứng tình yêu”

Đó là luồng suy nghĩ của một số chị em. Họ cho rằng, ảnh cưới từng là minh chứng cho tình cảm giữa hai vợ chồng, dù không còn bên nhau nữa thì cũng không cần ruồng bỏ chúng.

Nhiều người không biết xử lý ảnh cưới ra sao sau khi ly hôn (ảnh minh họa)

Đã ly hôn 4 năm, chị Nguyễn Hiền (32 tuổi) vẫn giữ lại bức ảnh cưới lớn và album ảnh cưới của mình thay vì bỏ đi. Để bản thân và con cái không nhìn thấy, chị cất chúng phía sau chiếc tủ quần áo. Chị thừa nhận, thi thoảng vẫn đem ảnh cưới ra lau chùi, không phải vì tiếc nuối cuộc hôn nhân cũ mà đơn giản chỉ muốn nâng niu kỷ niệm tuổi trẻ của mình.

“Có lẽ, vợ chồng tôi chia tay khá bình yên nên tôi không ác cảm với những kỷ vật cũ. Tôi cho rằng, chỉ cần tâm mình thanh thản thì ngay cả khi đối diện với chồng cũ cũng thấy bình thường chứ chưa nói gì đến một vài tấm ảnh vô tri”, chị Hiền chia sẻ.

Ly hôn 2 năm, chị Tuyết Mai (30 tuổi) vẫn chưa biết xử lý ảnh cưới thế nào. Với chị, đó là những kỷ vật tình yêu một thời, “bỏ thì thương vương thì tội”. Sau này, theo lời khuyên của mẹ, chị đã gói lại tất cả rồi nhờ nhà ngoại giữ hộ.

Một số người chọn cách vứt ảnh cưới ra thùng rác sau khi ly hôn (ảnh minh họa)

Ly hôn trong ồn ào và đau đớn, chị từng nghĩ sẽ đốt, xé, đập hoặc vứt ảnh cưới vào thùng rác. Tuy nhiên, chị lại không nỡ xuống tay.

“Một nửa trong tấm ảnh cưới là bản thân mình, mình không nỡ. Thôi thì chỉ cần để nó vào góc nào mình không nhìn thấy là được, chờ đến lúc chúng hư hỏng, mục nát thì bỏ đi”, chị Mai tâm sự.

Chị Ngọc Trà (35 tuổi) sau gần 5 năm ly hôn vẫn treo bức ảnh cưới ở vị trí trang trọng trong nhà. Chị có rất nhiều lý do cho quyết định đặc biệt này.

“Tùy người thôi, riêng mình thì vẫn giữ ảnh cưới và những bức ảnh kỷ niệm. Mỗi lúc con hỏi “Ba đâu?”, mình vẫn đem album ảnh cưới ra cho chúng xem. 5 năm ly hôn, ảnh cưới vẫn xuất hiện trong nhà mình, không phải vì còn lưu luyến mà đơn giản là lòng không gợn sóng, dù nhìn vào cũng hẳng hề hấn gì nên mình cứ giữ thôi”, chị nói.

Thêm nữa, chị Ngọc Trà muốn để các con mình biết rằng, trước đây bố mẹ có cưới gả đàng hoàng, sau này vì không chung hướng đi nên mới chia tay. Chị cho rằng, cư xử văn minh như vậy con cái sẽ bớt phần chạnh lòng khi bố mẹ ly hôn.

Những cách xử lý ảnh cưới khôn ngoan

Không phải cuộc ly hôn nào cũng diễn ra trong sự thuận tình của cả hai bên. Có những cuộc hôn nhân đổ vỡ tan nát khiến người trong cuộc đau khổ và khi ấy, họ thường chọn cách đốt, đập, ảnh cưới hoặc vứt ảnh cưới ra sọt rác… để tránh tổn thương mỗi khi nhìn thấy.

Số phận bi đát của những bức hình cưới (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, những cách xử lý này cũng có nhiều điểm hạn chế. Chị Hoài Huỳnh (34 tuổi) chỉ ra những điểm hạn chế này: “Mình từng vứt ảnh cưới ra sọt rác nhưng rồi mẹ mình lại nhặt vào và nói rằng: “Con muốn thấy mặt mình chình ình trên bãi rác sao? Mẹ thì không muốn”. Mình đề xuất đốt hoặc cắt nhỏ ảnh cưới ra thì mẹ mình nói, người ta kiêng làm vậy khi còn sống. Sau đó mình đã cất gọn ảnh cưới vào một góc chứ không có ý định vứt bỏ chúng nữa”.

Thay vì loay bỏ ảnh cưới, nhiều chị em có cách nhẹ nhàng hơn để xử lý thứ kỷ vật này. Chị Minh Bình (36 tuổi) xử lý bằng cách chụp ảnh cùng con, sau đó rửa ra và dán chồng lên bức ảnh cưới. Như vậy, mẹ con chị đã có một bức ảnh đẹp mà ảnh cưới cũ chính là khung.

Chị Mai Hoàng (30 tuổi) thì thuê thợ vẽ tranh, biến bức ảnh cưới thành một bức tranh phong thủy rồi treo ở phòng khách. Chị Nguyễn Ngọc (32 tuổi) thì chế ảnh cưới thành chiếc mặt bàn, một bức khác, chị mua decal Tiếng Anh về dán lên rồi làm tư liệu cho con học…

Người hạnh phúc trong tình yêu thì luôn nâng niu, trân trọng những thứ dù là nhỏ nhất của mình, còn người ly hôn, người không được hưởng trọn vẹn hạnh phúc thì luôn giằng xé với hiện tại, thậm chí muốn ném, muốn vứt bỏ hết những kỉ vật còn sót lại trong tình yêu. Tuy nhiên, đôi khi đó không hẳn là cách làm phù hợp.

Ảnh cưới đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc sống. Khi hôn nhân chẳng may “đứt gánh”, hội chị em nên xem chúng như một món đồ bình thường để xử lý theo cách nhẹ nhàng nhất.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất