, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 24/05/2023, 16:36

Ngành tôm còn nhiều cái “thiếu” và nhiều cái “chưa”

PHƯƠNG ĐẶNG
Sáng 25/4, tại TP.HCM, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cùng Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận đã tổ chức tọa đàm “Vì một ngành tôm phát triển bền vững”. Sự kiện mở đầu cho chuỗi tọa đàm nhằm thảo luận thực trạng và cùng hợp tác có trách nhiệm để phát triển ngành tôm. Buổi đầu tiên, các doanh nghiệp và chuyên gia đề cập những vấn đề xoay quanh con giống.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của các đại diện cơ quan quản lý, chuyên gia và các doanh nghiệp tên tuổi trong ngành.

Tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam, chiếm 40 - 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành, góp phần rất lớn trong việc tăng trưởng xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, trong thời gian qua ngành tôm Việt Nam đã bắt đầu bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt là các vấn đề về sản xuất nguyên liệu, chế biến xuất khẩu, cũng như sự thiếu kết nối giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến... Những hạn chế này đã làm suy yếu ngành tôm Việt Nam so với Ấn Độ và Ecuador. Cụ thể trong quý I/2023 xuất khẩu tôm giảm gần 40% và giảm ở tất cả các thị trường. 

Phát biểu tại tọa đàm, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết với tình hình hiện nay, mục tiêu 10 tỷ USD giá trị xuất khẩu tôm là rất khó để đạt được khi trong 4 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản chỉ mới đạt trên 2,6 tỷ USD. Khó khăn đến từ nhiều phía như thiếu đơn hàng, giá thành sản xuất tăng, xu hướng chi tiêu giảm... Tuy nhiên, theo nhận định của ông Hòe, nếu muốn tiếp tục giữ vững vị trí top đầu trên thế giới thì vấn đề mà ngành tôm phải quan tâm nhất là con giống. Nếu chất lượng con giống tốt sẽ tăng tỷ lệ nuôi thành công, từ đó giảm được chi phí sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Hiện nay nước ta có hơn 2.000 trang trại nuôi, sản xuất, ương dưỡng tôm giống nhưng chỉ mới có hơn 1.200 cơ sở được cấp giấy chứng nhận, điều đó cho thấy còn rất nhiều cơ sở chưa đủ điều kiện sản xuất, có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng con giống trên thị trường. Điều cấp bách hiện nay là chúng ta cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu tôm giống, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, kèm theo đánh giá chất lượng của từng nhà cung cấp giống, có thể bằng cách xếp hạng “sao”, để người nuôi được tiếp cận thông tin rõ ràng, minh bạch, từ đó đưa ra quyết định khi mua tôm giống và mua được những con tôm giống chất lượng cao.

Cùng ý kiến với ông Hòe về tầm quan trọng của tôm giống, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta, Nguyên Chủ tịch VASEP cho biết cần có sự chia sẻ thông tin và lợi ích giữa các mắt xích tạo ra chuỗi giá trị tôm, trong đó chia sẻ thông tin về con giống với người nuôi sẽ giúp tạo được hiệu ứng tích cực ban đầu. Nếu điều này không nhanh chóng làm thì sản lượng sẽ sụt giảm nghiêm trọng trong nay mai.

Ông Hồ Quốc Lực phát biểu tại tọa đàm.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung, Chủ tịch Hiệp hội Tôm tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện nay ngành tôm còn nhiều cái “thiếu” và nhiều cái “chưa” nên vẫn chưa thể thành công được. Những cái thiếu trước tiên là trong vấn đề thống kê, báo cáo số lượng, chất lượng con giống; vấn đề quy hoạch nuôi tôm giống tràn lan mà chưa có nghiên cứu về vùng nuôi có thổ nhưỡng phù hợp tạo ra con giống khỏe, chất lượng tốt.

Trước mắt, ông Hoàng Anh cho rằng các bên cần phối hợp với VASEP để có được bộ thông tin dữ liệu chuẩn nhất đưa đến người nuôi, vì họ là mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi giá trị tôm Việt.

Ông Nguyễn Hoàng Anh phát biểu tại tọa đàm.

Buổi tọa đàm cũng ghi nhận các ý kiến đóng góp của những doanh nghiệp, nhà quản lý và các chuyên gia trong ngành nhằm gợi mở thêm nhiều nội dung cho các buổi hội thảo tiếp theo xoay quanh chủ đề phát triển bền vững ngành tôm.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất