, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 07/02/2021, 10:34

Năm 2020: Thế giới không còn là thế giới mà chúng ta từng biết

PHƯƠNG ĐẶNG

Cuối năm 2019, không có cách nào để biết được chuyến tàu năm 2020 sẽ đưa chúng ta đến đâu. Dù đã có một số dấu hiệu như nạn phân biệt chủng tộc gia tăng, cháy rừng ở phương Tây, các trận cuồng phong trên khắp thế giới, sự nóng lên của trái đất, xuất hiện các trường hợp đầu tiên mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp gây chết người tại Vũ Hán (Trung Quốc)… nhưng không ai có thể tưởng tượng năm 2020 thế giới có thể thay đổi đến mức không còn là thế giới mà con người từng biết.

Tháng 01/2020

Từ tháng 09/2019, hàng loạt vụ cháy rừng đã diễn ra trên hầu hết các bang tại Úc, và chúng trở nên khốc liệt nhất vào tuần đầu của tháng 01/2020. Các đám cháy đã gây thiệt hại lên tới hơn 4,4 tỷ USD, liên tiếp thiêu rụi hơn 10 triệu héc-ta rừng - một con số lớn hơn cả diện tích bang Indiana của Mỹ. Theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên, các vụ cháy đã giết chết 1,25 tỷ động vật.

Một người đàn ông ở Luân Đôn vẫy cờ vào ngày 31 tháng 1, sau khi Anh trở thành quốc gia đầu tiên rời khỏi EU. Ảnh CNN.
Một người đàn ông ở Luân Đôn vẫy cờ vào ngày 31 tháng 1, sau khi Anh trở thành quốc gia đầu tiên rời khỏi EU. Ảnh CNN.

Cái chết của Thiếu tướng Qasem Soleimani - Chỉ huy lực lượng tinh nhuệ Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran do bị Mỹ không kích vào ngày 03/01/2020 đã dẫn đến những ngày căng thẳng đáng sợ giữa Mỹ và Iran. Các cuộc biểu tình lớn, đe dọa chiến tranh và cuộc tấn công trả đũa của Iran vào các căn cứ của Iraq có quân đội Mỹ đã khiến thế giới lo ngại liệu có xảy ra hay không một Thế chiến thứ III.

Tiếp đến là phiên tòa luận tội Tổng thống Donald Trump bắt đầu vào ngày 16/01. Phiên tòa này là đỉnh cao của nhiều năm điều trần và đấu tranh chính trị gay gắt. Nói về đấu tranh chính trị gay gắt sau nhiều năm, Brexit (Anh rút khỏi EU) cuối cùng đã chính thức diễn ra vào ngày 31/01.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, virus cúm lạ bắt đầu lây lan. Sự hiện diện của chúng như một chiếc đồng hồ đếm ngược, lặng im tiến tới thời khắc cả thế giới phải nghiêng ngả dưới chân chúng. Cuối tháng 01/2020, toàn thế giới đã có hơn 9.900 ca nhiễm.

Tháng 02/2020

Thỏa thuận ngừng bắn tạm thời giữa Mỹ và lực lượng Taliban ở Afghanistan bắt đầu có hiệu lực vào ngày 22/02, chấm dứt cuộc chiến kéo dài suốt 18 năm ở quốc gia Tây Nam Á này và đưa quân đội Mỹ về nước.

Một bác sĩ nhìn vào ảnh chụp CT phổi của bệnh nhân tại Vũ Hán - Trung Quốc. Ảnh Getty Images.
Một bác sĩ nhìn vào ảnh chụp CT phổi của bệnh nhân tại Vũ Hán - Trung Quốc. Ảnh Getty Images.

Bộ Ngoại giao Philippines đã gửi thông báo cho đại sứ quán Mỹ ở Manila về việc nước này sẽ hủy Thỏa thuận Các lực lượng Thăm viếng (VFA) cho phép Mỹ triển khai quân đồn trú luân phiên tại Philippines. VFA sẽ chính thức hết hiệu lực nếu 2 bên không đạt được thỏa thuận nhằm đảo ngược hoặc trì hoãn quá trình chấm dứt VFA. Giới chuyên gia nhận định việc này sẽ gây tổn hại cho cả Philippines và Mỹ, khiến Mỹ gặp khó trong duy trì hiện diện quân sự tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và ngăn Manila diễn tập chung, nhận viện trợ quân sự từ Mỹ. Tháng 2 cũng là thời điểm virus cúm lạ bắt đầu gây ra nỗi sợ hãi trên toàn thế giới khi 64 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận hơn 85.900 ca nhiễm.

Tháng 03/2020

Ngày 02/03, trong lần thử vũ khí đầu tiên của năm 2020, Triều Tiên đã phóng hai quả đạn tầm ngắn chưa xác định từ bãi phóng ở thành phố Wonsan. Các quả đạn bay được 240km và đạt độ cao tối đa 35km.

Người dân Ý động viên tinh thần nhau vượt qua những ngày cách ly do Covid-19 bằng âm nhạc.
Người dân Ý động viên tinh thần nhau vượt qua những ngày cách ly do Covid-19 bằng âm nhạc.

Tiếp đó, ngày 11/03, cả thế giới chìm trong bóng đen của đại dịch khi Tổ chức Y tế thế giới chính thức tuyên bố dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) là đại dịch toàn cầu. Trên khắp các mặt báo là hình ảnh trống rỗng đến kỳ lạ của các đường phố. Lệnh phong tỏa khiến các phương tiện vận chuyển như máy bay, tàu thủy… đều ngưng hoạt động, trong khi bệnh viện, nhà xác thì liên tục quá tải với vô số người phải chết một mình, cô đơn trên giường cách ly. Covid-19 đã lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 720.000 người bị nhiễm và 33.918 người tử vong. Thị trường rung chuyển, đảo lộn và sụp đổ ở nhiều quốc gia - báo trước những tháng dài lao đao của kinh tế toàn cầu.

Tháng 04/2020

Ngày 02/04, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kết nạp Bắc Macedonia làm thành viên thứ 30.

Mặc cho Covid-19 đang hoành hành, nhiều nhóm người ở các quốc gia đã xuống đường biểu tình, yêu cầu được sinh hoạt trở lại bình thường. Ảnh Alyson McClaran.
Mặc cho Covid-19 đang hoành hành, nhiều nhóm người ở các quốc gia đã xuống đường biểu tình, yêu cầu được sinh hoạt trở lại bình thường. Ảnh Alyson McClaran.

Ngày 09/04, EU nhất trí về gói viện trợ trị giá hơn 500 tỷ EURO cho các khoản vay tín dụng, vay doanh nghiệp, chương trình lao động ngắn hạn… để đối phó với khủng hoảng do Covid-19. Lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu thô Mỹ rơi tự do xuống mức còn -36,63USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 20/04.

Ngày 19/04, ít nhất 13 người đã thiệt mạng trong vụ xả súng kéo dài 12 giờ khắp vùng nông thôn của bang Nova Scotia (Canada). Đây là vụ giết người hàng loạt tồi tệ nhất Canada trong 30 năm qua.

Cuối tháng 4, xuất hiện nhiều nhóm người ở các quốc gia xuống đường biểu tình, yêu cầu được sinh hoạt trở lại bình thường. Nhưng khẩu trang trở thành hình ảnh quen thuộc, và giãn cách xã hội đã trở thành một cách sống. Trạng thái bình thường không thể vãn hồi lúc này, khi thế giới đã có hơn 2.994.000 người mắc Covid-19, trong đó có 206.997 ca tử vong.

Tháng 05/2020

Nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latin - Argentina chính thức vỡ nợ hôm 22/05, sau khi không thể trả 500 triệu USD tiền lãi cho các khoản nợ nước ngoài. Đây là lần vỡ nợ thứ 9 của quốc gia này kể từ lần đầu tiên vào năm 2001. Một cuộc khủng hoảng sắc tộc đã nổ ra khi George Floyd, một người đàn ông da đen không vũ trang, bị giết trong cuộc chạm trán với cảnh sát ở Minneapolis vào 25/05. Theo những gì được ghi lại trên video, một sĩ quan đã quỳ trên cổ anh ta gần 9 phút mặc cho anh liên tục van xin. Việc này đã gây ra làn sóng xuống đường biểu tình như thác đổ, mặc cho dịch Covid-19 đang hoành hành, nhiều cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã diễn ra.

Kenya đã phải đối mặt với nạn châu chấu tồi tệ nhất trong 70 năm qua. Ảnh Getty Images.
Kenya đã phải đối mặt với nạn châu chấu tồi tệ nhất trong 70 năm qua. Ảnh Getty Images.
Bắt đầu mùa gieo trồng vào tháng 5, dịch châu chấu ở châu Phi càng lúc càng trở nên nghiêm trọng. Trận dịch vốn bắt đầu từ tháng 06/2019 khi hàng tỷ con châu chấu vượt qua Vịnh Aden, tràn vào Somali và Ethiopia và sinh sản kinh hoàng, hình thành nhiều bầy đàn mới rồi lại tiếp tục sinh sản trong mùa mưa tháng 03/2020, khiến nhiều nước châu Phi phải dùng máy bay phun thuốc diệt châu chấu và sau đó là tuyên bố tình trạng khẩn cấp khu vực. Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc cho biết đây là cuộc xâm lược tồi tệ nhất của châu chấu ở vùng Sừng châu Phi trong 25 năm qua, gây ra mối đe dọa chưa từng có đối với an ninh lương thực trong khu vực. Thêm vào đó, đại địch Covid-19 cũng cản trợ nỗ lực kiểm soát đàn châu chấu khi nhiều sân bay phải đóng cửa, các chuyên gia ngần ngại đi tới vùng dịch, và thuốc trừ sâu thì phải chờ đợi rất lâu mới có.

Sáng 31/05 (giờ Việt Nam), tên lửa đẩy Falcon 9 của SpaceX đã được phóng lên từ Trung tâm vũ trụ Kennedy ở bang Florida, mang theo tàu vũ trụ Crew Dragon với 2 nhà du hành vũ trụ Douglas Hurley và Robert Behnken lên Trạm vũ trụ Quốc tế. Đây là cột mốc lịch sử khi SpaceX trở thành công ty tư nhân đầu tiên đưa phi hành gia vào vũ trụ.

Cuối tháng 5, thế giới ghi nhận hơn 6,2 triệu người đã nhiễm Covid-19 và hơn 373.000 người tử vong. Trong khi đó, WHO đã bị các quốc gia thành viên điều tra trách nhiệm trong việc phản ứng chậm trễ với virus và Mỹ tuyên bố chấm dứt quan hệ với tổ chức này.

Tháng 06/2020

Làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc từ cái chết của George Floyd đã trở thành làn sóng bạo lực lan ra khắp nước Mỹ, châu Âu và châu Á. Người biểu tình đã đập phá, vơ vét các sản phẩm ở các cửa hàng, tấn công lực lượng cảnh sát. Quốc hội Mỹ đã thảo luận về cải cách cảnh sát trong đó bao gồm thắt chặt tài chính và gia tăng trách nhiệm giải trình.

Các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc mang tên Black lives matter đã trở thành làn sóng căng thẳng và bạo lực. Ảnh Reuters.
Các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc mang tên Black lives matter đã trở thành làn sóng căng thẳng và bạo lực. Ảnh Reuters.

Ngày 16/06, Triều Tiên đã cho nổ văn phòng liên lạc liên Triều nhằm cắt đứt hoàn toàn các đường dây liên lạc giữa hai miền Nam - Bắc.

WHO ghi nhận ngày 21/06 là ngày có số ca nhiễm Covid-19 cao kỷ lục với 183.020 ca. Tính đến ngày 30/06, thế giới đã có hơn 10,5 triệu ca nhiễm với hơn 514.000 ca tử vong.

Tháng 07/2020

Chưa kịp phục hồi từ sự tạm lắng xuống của dịch Covid-19 trong nước, Trung Quốc đã phải gánh chịu thảm họa mưa lớn lịch sử kéo dài hơn 1 tháng, gây ra lũ lụt trên các vùng rộng lớn ở miền Nam, miền Trung và miền Đông. Thiên tai này đã ảnh hưởng tới hơn 38 triệu người, trong đó ít nhất 150 người đã chết và mất tích. Thiệt hại ước tính hơn 12 tỷ USD.

Hệ thống y tế ở khắp thế giới đã phải gồng mình chống chọi với Covid-19. Ảnh Claudio Furlan.
Hệ thống y tế ở khắp thế giới đã phải gồng mình chống chọi với Covid-19. Ảnh Claudio Furlan.

Ngày 14/07, Mỹ khẳng định các tuyên bố của Bắc Kinh đối với tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là bất hợp pháp.

Tính đến 31/07, toàn thế giới có hơn 17,5 triệu ca nhiễm, trong đó có hơn 676.000 ca tử vong. Trong khi Covid-19 ở Trung Quốc và một số quốc gia châu Á có dấu hiệu lắng dịu, thì Mỹ đã trở thành quốc gia chịu tác động nhiều nhất bởi đại dịch với hơn 4,6 triệu ca nhiễm.

Tháng 08/2020

Ngày 04/08, hai vụ nổ lớn đã làm rung chuyển trung tâm Thủ đô Beirut - Lebanon, làm 135 người thiệt mạng, hơn 6.000 người bị thương, hơn 300.000 người thành vô gia cư tạm thời. Thiệt hại ước tính từ 3 - 5 tỷ USD. Nguyên nhân dẫn đến vụ nổ là do hơn 2.700 tấn chất hóa học tồn tại ở cảng Beirut trong 6 năm mà không được xử lý.

Vụ nổ làm rung chuyển thủ đô Lebanon của Beirut. Ảnh AFP.
Vụ nổ làm rung chuyển thủ đô Lebanon của Beirut. Ảnh AFP.
Số ca nhiễm Covid-19 đã tăng 8 triệu ca chỉ trong vòng 1 tháng, lên hơn 25,3 triệu ca, trong đó có 850.000 người tử vong. Điểm sáng đầu tiên trong chuỗi ngày dài tăm tối kể từ đầu năm là Nga tuyên bố đã chế tạo được vaccine Covid-19, dự kiến tung ra thị trường vào cuối năm. Mặc dù còn nhiều nghi ngại về chất lượng khi vaccine được điều chế quá nhanh, nhưng ít nhất thế giới đã bắt đầu có cơ sở để hy vọng về tương lai tươi sáng hơn.

Tháng 09/2020

Ngày 16/09, Nhật Bản công bố ông Yoshihide Suga, 71 tuổi, trở thành tân Thủ tướng Nhật. Trước đó, người tiền nhiệm ông là ông Shinzo Abe đã từ chức sau 8 năm cầm quyền vì lý do sức khỏe.

 

Tính đến 30/09, toàn thế giới ghi nhận trên 33,7 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó hơn 1 triệu ca đã tử vong. Nhìn lại các con số của những tháng trước, có thể thấy được dịch Covid-19 không hề có dấu hiệu suy giảm mà tốc độ lây lan còn tăng mỗi lúc một nhanh. Lúc này, cả thế giới đổ dồn vào trông chờ tin tức vaccine từ Nga và cuộc đàm phán về vaccine của WHO với Trung Quốc.

Tháng 10/2020

Có những hoạt động không thể bị gián đoạn ngay cả khi dịch Covid-19 đang hoành hành, bầu cử Mỹ là một trong những hoạt động như thế. Tuy nhiên, vì lo ngại về vấn đề sức khỏe khi tập trung đông người, hơn 50 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm vào tháng 10, trước ngày bầu cử 03/11.

Chính phủ Cộng hòa Cyprus đã quyết định ngưng chương trình cấp “hộ chiếu vàng” cho những nhà đầu tư giàu có từ đầu tháng 11. Chương trình cho phép những ai đầu tư ít nhất khoảng 2,5 triệu USD sở hữu hộ chiếu nước này và thông qua đó trở thành công dân EU. Đây được xem là chương trình hộ chiếu vàng nổi tiếng nhất trên toàn thế giới.

Ngày 05/10, Hội đồng Nobel đã công bố giải Nobel Y học năm 2020 thuộc về 3 nhà khoa học với công trình nghiên cứu về viêm gan C. Giải Nobel hòa bình được trao cho Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hiệp quốc vì những nỗ lực trong việc đối phó nạn đói và thúc đẩy an ninh lương thực toàn cầu.

Đến ngày 31/10, toàn cầu ghi nhận hơn 45,8 triệu ca nhiễm, tăng 12,1 triệu ca so với tháng trước, trong đó có gần 1,2 triệu người tử vong. Một số nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức đã phải tuyên bố phong tỏa toàn quốc trong vòng 1 tháng nhằm giảm bớt tốc độ lây nhiễm.

Tháng 11/2020

Ngày 07/11, đồng loạt các hãng tin lớn thông báo ông Joe Biden (1942), thành viên Đảng Dân chủ, đã đắc cử trở thành Tổng thống thứ 46 Hoa Kỳ với tỉ lệ phiếu: 284 - 214. Tuy vậy, ông Trump và nhóm tranh cử đã một mực khiếu nại về gian lận phiếu bầu và mở cuộc chiến pháp lý trên nhiều bang của nước Mỹ nhằm thách thức kết quả bầu cử.

 

Ngày 15/11, sau 8 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được 15 nước ký kết, bao gồm 10 nước ASEAN cùng Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc và Hàn Quốc. Hiệp định RCEP, tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP xấp xỉ 26.200 tỷ USD.

Đến ngày 30/11/2020, thế giới đã có hơn 63 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 1,4 triệu trường hợp tử vong. Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới với hơn 13,7 triệu ca.

Tháng 12/2020

Sau khi các bang tại Mỹ hoàn tất quá trình kiểm phiếu và kết thúc kiểm phiếu lại ở một số bang do nỗ lực pháp lý của ông Donald Trump, kết quả dù có thay đổi nhưng ông Joe Biden vẫn dẫn trước với tỷ lệ phiếu là 306 - 232. Tuy nhiên, ông Donald Trump và nhóm tranh cử của mình vẫn chưa bỏ cuộc ngay. Ngày 20/01/2021 ông Joe Biden đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống theo hiến pháp Mỹ.

Ông Joe Biden tiêm vaccine Covid-19 tại Bệnh viện ChristianaCare Christiana vào ngày 21/12. Ảnh Joshua Roberts.
Ông Joe Biden tiêm vaccine Covid-19 tại Bệnh viện ChristianaCare Christiana vào ngày 21/12. Ảnh Joshua Roberts.

Một phái đoàn quốc tế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu dự kiến sẽ đến Trung Quốc vào tuần đầu tiên của tháng 01/2021 để tiến hành điều tra nguồn gốc loại virus gây ra đại dịch Covid-19. Trước đây Trung Quốc đã nhiều lần khước từ việc điều tra dù bị các nước trên thế giới liên tục gây áp lực.

Trong nỗ lực chống lại Covid-19, nhiều nước đã tự phát triển thành công vaccine cho quốc gia mình, trong đó các nước như Nga, Mỹ, Anh… đã phê duyệt và bắt đầu tiêm vaccine rộng rãi cho người dân kể từ giữa tháng 12.

Tuy nhiên, tin vui này cũng kèm theo tin xấu, đó là Anh đã ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm một biến thể của virus corona chủng mới trong vài ngày giữa tháng. Mặc dù theo Bộ trưởng Y tế Anh, chưa có gì cho thấy biến thể này sẽ gây bệnh nguy hiểm hơn, nhưng đây cũng là điều làm thế giới lo ngại.

Năm 2020 khép lại với bóng đen đại dịch vẫn còn bao trùm, dù vậy, với nhiều dấu hiệu tích cực về vaccine, hy vọng năm 2021 chúng ta sẽ đẩy lùi được đại dịch và vực dậy các nền kinh tế đã trải qua 1 năm hết sức đau thương.

PHƯƠNG ĐẶNG

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất