, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 16/03/2023, 11:03

Năm 2023, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế

THÙY DUNG
Sáng 15/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – Tăng tốc phát triển”. Hội nghị diễn ra sau đúng 1 năm Việt Nam mở cửa du lịch trở lại (15/3/2022).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, năm 2022, ngành du lịch đã hoàn thành được chỉ tiêu về khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt, vượt chỉ tiêu phục vụ 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm, tiếp tục khẳng định du lịch nội địa đã làm bệ đỡ cho du lịch quốc tế. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,6 triệu lượt, bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỷ đồng, góp phần vào tăng trưởng của đất nước.

Trong 2 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,8 triệu lượt, bằng 50% so với lượng khách cả năm 2022; khách nội địa đạt 20 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 85,6 nghìn tỷ đồng.

Năm 2022, khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt.

Về các hạn chế, tồn tại, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng mặc dù ngành du lịch đã rất nỗ lực chuẩn bị cho việc mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế.

Nguyên nhân là do các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào thị trường truyền thống, trong khi đó các thị trường này chưa mở cửa do tác động của Covid-19. Việc kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiền năng chưa chủ động, còn chậm. Việc triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin về du lịch Việt Nam ra quốc tế chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên, liên tục. Chính sách visa đã có nhiều đổi mới, tiến bộ song so với các quốc gia khác thì vẫn còn khiêm tốn.

Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch chưa bắt kịp với xu thế hiện nay của thế giới, chưa phát huy được lợi thế về tài nguyên thiên nhiên nhất là tài nguyên văn hoá. Việc phát triển các loại hình sản phẩm du lịch có lợi thế ở Việt Nam chưa được quan tâm, chúng ta mới tiếp cận theo cái chúng ta có mà chưa tiếp cận theo cái du khách cần, vì vậy ít nhiều ảnh hưởng đến thu hút khách.

Năm 2023, ngành du lịch đặt ra các mục tiêu: khách du lịch quốc tế đạt 8 triệu lượt; khách du lịch nội địa 102 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỷ đồng.

Trong 2 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,8 triệu lượt.

Để đưa du lịch Việt Nam tiếp tục phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng Việt Nam cần định vị vị thế và thế mạnh du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên lịch sử văn hoá, bao gồm các lĩnh vực: Du lịch Văn hoá, lịch sử; du lịch thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thể thao và các lĩnh vực khác phù hợp với thị hiếu và đặc điểm của các thị trường khách du lịch mục tiêu cũng như xác định cụ thể phạm vi và quy mô, thực hiện chiến lược phát triển phù hợp với các thị trường tiềm năng.

Các địa phương phải chú trọng phát huy kinh nghiệm, lợi thế so sánh về các di sản văn hóa, thiên nhiên; hệ thống lễ hội, làng nghề; truyền thống lịch sử và giá trị sinh thái - nhân văn đặc trưng của từng vùng, từng địa phương... để mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo.

Song song đó, cần cơ cấu lại thị trường du lịch; nhất là tính toán lại thị trường khách, phân tích và dự báo trên cơ sở kế thừa thị trường khách truyền thống, tiếp cận theo hướng thị trường khách tiềm năng, chú ý tới thị trường Bắc Âu, Mỹ và một số thị trường khác ngoài các thị trường truyền thống.

Các địa phương phải chú trọng phát huy lợi thế so sánh về các lễ hội, truyền thống lịch sử... để mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo.

Đánh giá cao nỗ lực của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch trong công tác xây dựng chương trình đẩy nhanh phục hồi phát triển du lịch, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhấn mạnh: “Chúng tôi cam kết sẽ vận động các doanh nghiệp cả nước tích cực triển khai chương trình hiệu quả nhất”.

Ông Vũ Thế Bình cũng nêu một số đề xuất, theo đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, chuyển giá điện của các cơ sở lưu trú du lịch từ giá điện dịch vụ sang giá điện sản xuất và các ưu đãi về thuế sử dụng đất của các cơ sở du lịch. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tập đoàn du lịch lớn trên thế giới được thành lập doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam và được thực hiện tất cả các nghiệp vụ du lịch.

“Việt Nam muốn trở thành thị trường sang trọng trong lĩnh vực du lịch thì chắc chắn phải có các doanh nghiệp trên thế giới tham gia để chuyển khách hàng cho chúng ta” - ông Vũ Thế Bình nói.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường cho rằng, vừa qua, các chính sách visa du lịch của chúng ta cũng đã có những điểm tiến bộ về visa. Tuy nhiên, để có những đột phá hơn, có tính cạnh tranh trong tương lai và bền vững, chúng ta phải có những cải cách mạnh hơn nữa.

Đại diện Sun Group đưa ra 2 đề xuất, thứ nhất, các Bộ, ngành sớm xem xét phân tích, đánh giá, trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Quốc hội để sửa đổi bổ sung các quy định của Luật Xuất nhập cảnh. Cụ thể là các nội dung tăng thời hạn thị thực đối với khách du lịch quốc tế 90 - 180 ngày, thời gian tạm trú từ 30 - 45 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần; đối với các quốc gia đơn phương miễn thị thực nhập cảnh, tăng từ 15 ngày lên 30 - 45 ngày và cũng cho phép nhập cảnh nhiều lần.

Thứ 2, nghiên cứu đề xuất gia hạn hoặc mở rộng các đối tượng, các quốc gia có thể được miễn visa đơn phương, trong đó có những thị trường trọng điểm. "Ví dụ như hiện nay, thị trường Australia chi tiêu 4 tỷ USD/năm để đi du lịch, hay như Canada trên 33 tỷ USD. Các nước Bắc Âu như Hà Lan, Thụy Sỹ, Bỉ, họ đều chi từ 21 đến 26 tỷ USD, xếp trên cả Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, những nước hiện nay thuộc chính sách được miễn visa" - ông Đặng Minh Trường nêu ý kiến.

Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển du lịch biển đảo.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể phát triển kinh tế xã hội với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, cần có tư duy mới, cách làm sáng tạo, chuyển từ "cung cấp cái mình có" sang "cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần"; phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững, từ du lịch "một mùa" sang hấp dẫn khách du lịch quay trở lại nhiều lần, cảm nhận được sự an toàn, lành mạnh, mến khách.

Phát triển du lịch phải theo hướng an toàn, xanh, sạch, văn minh, hiện đại, hấp dẫn, đề cao văn hóa du lịch Việt Nam; phát triển cả chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở tận dụng, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, truyền thống, vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam. Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Chú trọng vừa phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, vừa có tính đặc sắc, riêng có, chất lượng cao và giá trị gia tăng lớn; đa dạng hóa các phân khúc, vừa phát triển loại hình du lịch bình dân, phổ thông, đại chúng, giá rẻ cùng với loại hình du lịch đơn lẻ, đặc biệt sang trọng dành cho đối tượng thu nhập cao.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, phát triển du lịch trong giai đoạn mới phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế nhưng cũng đa dạng, độc đáo, riêng có; kiên định mục tiêu nhưng phải hết sức linh hoạt, thích ứng, đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất