, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 10/11/2021, 09:42

Nấm tràm xứ Huế

PHAN QUỐC VINH
Cô bạn Hà Thành nhắn tin í ới hỏi về món ngon xứ Huế khi trời trở mùa. Khi tôi trả lời rằng vào Huế mùa này thì nên thưởng thức món nấm tràm, cô tỏ ra ngạc nhiên.
Ảnh: Đăng Tuyên

Miền Trung đang chuyển dần từ cái nóng hầm hập của mùa hè sang cái se se của mùa mưa bão, của áp thấp nhiệt đới. Những bà nội trợ ở Huế xôn xao vì ở chợ, trên mạng Facebook hay dãy hàng chợ cóc trước mặt Đàn Nam Giao đã bắt đầu bày bán đặc sản: nấm tràm. Vậy là mọi người bắt đầu xô nhau đi mua nấm tràm bởi hồi tháng 6, 7 giá mỗi ký từ 40.000 đến 50.000 đồng còn giờ đây, chỉ chừng 20.000 đến 30.000 đồng mà thôi.

Hái nấm khi Huế chuyển trời...

Nấm tràm không phải lúc nào cũng có. Nấm thường rộ vào mùa thu. Khi chuyển mùa, xứ Huế thỉnh thoảng có mưa và rồi lại hửng nắng khiến vùng đất bán sơn địa trồng keo, tràm, tai tượng ẩm ướt, sau vài ba ngày mưa thì người dân ở những vùng này lại rủ nhau vào rừng hái nấm tràm. Mà đúng hơn là nhặt nấm vì nó la liệt khắp nơi. Nấm tràm chỉ mọc trong thời gian ngắn. Bào tử nấm tràm phát tán trong tự nhiên, khi gặp mưa với độ ẩm thích hợp thì tạo mầm thành cây nấm trưởng thành. Người dân ở những vùng có nhiều nấm gọi nấm tràm là “lộc trời” vì không trồng mà được hưởng. Mỗi mùa nấm, mỗi gia đình có thể nhặt được đến vài ba tạ để mang ra chợ bán. Tuy nhiên, đã là lộc trời nên không thể bất tận hưởng. Mỗi đợt hái nấm chỉ tối đa khoảng dăm bảy ngày. Nấm chỉ đẹp vào những ngày đầu mưa. Mưa kéo dài vài ngày là nấm thối nhũn, phải chờ ngày nắng lại để hong khô đất và đám lá mục cho đợt nấm sau phát triển.

Theo tâm sự của những người con xứ Huế ở phương xa trong nhóm “Kết nối Huế thương” mà tôi tham gia thì “Người bán nấm tràm là những người dân lao động kiếm lộc trời theo ngày mưa nắng nên họ không có hàng quán cố định. Thường thì họ ngồi bán trên vỉa hè dọc đường chờ người qua lại dừng chân ghé mua. Ngày tạnh nắng thì sau khi hái nấm về, đem bán, người bán còn chần chừ một chút chờ giá cao hơn. Ngày mưa thì người phải vội vàng đem bán gấp, bán liền tay với giá rẻ hơn và phải che đậy thật kỹ, nếu không thì nước mưa sẽ làm nấm nhũn ra và chỉ còn cách đem đổ đi”.

Nói như người Huế thì ăn lộc trời cũng phải chảy nước mắt!

Mua bán nấm tràm. Ảnh: Văn Phú Nghĩa

Thú vị nấm tràm

Người Huế vốn đã nổi tiếng vì sự cầu kỳ trong căn bếp nên với “lộc trời”, các món chế biến từ nấm tràm như nấm tràm kho tiêu, canh tập tàng nấm tràm, cháo nấm tràm, nấm tràm um tôm thịt... luôn là những món đặc sắc.

Chuyện trò với ông bạn học Văn Phú Nghĩa, quản lý của Trầm Homestay ở góc nhỏ đường Mai Khắc Đôn, người mê món cháo nấm tràm đến lạ, Nghĩa cho tôi hay: “Trời ở Huế vô mùa lạnh mà có tô cháo nấm tràm rắc thật nhiều tiêu thì khỏi cần ngồi bếp than. Món cháo có vị đắng nhưng hậu ngọt thanh. Để giảm bớt vị đắng của nấm, cần rửa qua nước muối trước khi chế biến rồi trụng (chần) sơ qua nước sôi để loại bỏ độc tố vốn có trong mọi loại nấm”. Mà công nhận, ngồi ở góc homestay này, ngửi mùi hoa sử quân tử thơm ngào ngạt rồi hít hà nuốt từng muỗng cháo nấm tràm thì đúng là rất “chill”, đúng kiểu Huế!

Cô bạn Hoàng Mai, Giám đốc điều hành khách sạn Alba Spa và Alba Hotel, tiết lộ thêm: “Món nấm này được gọi là nấm tràm vì mọc nhiều trên những đám lá tràm và thân cây tràm, chứ thật ra còn có tên khác là Đại cước cô. Dù vị hơi đắng nhưng nó có tính mát, thanh nhiệt, tán hàn, trừ thấp, điều kinh, lợi tiểu. Đặc biệt, nấm tràm tăng cường chức năng miễn dịch, giải độc gan, chữa cảm mạo và tăng cường sinh lý nữ”.

“Hèn chi mấy o mấy mệ cứ lội mưa lội lụt để đi lượm nấm tràm là vì ri!”, một anh bạn lên tiếng làm cả nhóm cười ồ.

Nấm tràm, xem ra không chỉ ngon mà còn là vị thuốc với nhiều câu chuyện thú vị xoay quanh nó!

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất