
Tổng thống Lula da Silva đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm ngoái với cam kết chấm sẽ dứt nạn phá rừng sau nhiều năm bị tàn phá dưới thời của người tiền nhiệm Jair Bolsonaro. Tuy nhiên ông Silva cũng đã phải đối mặt với những thách thức liên tục kể từ khi nhậm chức do cơ quan môi trường Ibama phải vật lộn với tình trạng thiếu nhân lực.
Dữ liệu chính thức từ cơ quan nghiên cứu vũ trụ Inpe cho thấy, 328,71 km2 rừng Amazon của Brazil đã bị dọn sạch vào hồi tháng trước, dưới mức trung bình lịch sử là 455,75 km2.
Tổng thống tiền nhiệm Bolsonaro đã cắt giảm các nỗ lực bảo vệ môi trường, cắt giảm kinh phí và nhân sự tại các cơ quan chủ chốt khi ông kêu gọi canh tác và khai thác nhiều hơn trên các vùng đất được bảo vệ.
Các chuyên gia cho rằng, vẫn còn quá sớm để khẳng định xu hướng phá rừng là giảm, vì mức phá rừng cao nhất hàng năm thường xảy ra từ thời điểm tháng 7 đến tháng 9. Mặc dù vậy, sự sụt giảm về tỷ lệ phá rừng này được coi là tín hiệu tích cực khi nạn phá rừng nhiệt đới tăng vọt vào cuối năm 2022.
Daniel Silva, một chuyên gia bảo tồn tại WWF-Brasil cho biết: “Có một số yếu tố và sự thay đổi trong chính phủ. Chương trình nghị sự về môi trường đã được nối lại, nhưng chúng tôi biết rằng cần có thời gian để thu được kết quả".
Theo Tổng thống Lula da Silva, Brazil cần phải khẩn trương chứng tỏ rằng chính phủ của ông không chỉ nói về việc bảo vệ môi trường mà còn đang trên đường hành động, thực hiện cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030.
Đầu tháng này, ông Silva cũng đã tái khẳng định cam kết đó khi đảm bảo khoản đóng góp trị giá 80 triệu bảng Anh (100,97 triệu USD) từ Anh cho quỹ Amazon - một sáng kiến nhằm chống nạn phá rừng cũng được hỗ trợ bởi Na Uy, Đức và Hoa Kỳ.
Trước đó, ông Silva cũng đã nối lại việc công nhận các vùng đất của người bản địa, đảo ngược chính sách của người tiền nhiềm Jair Bolsonaro, đồng thời thông báo tuyển dụng nhân lực bổ sung tại Bộ Môi trường và cơ quan người bản địa Funai.