, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 25/09/2021, 14:00

Nâng cao năng lực quan trắc, cảnh báo môi trường vùng sản xuất tôm giống

KIM SƠ - MAI PHƯƠNG
(nongnghiep.vn)
Với điều kiện thuận lợi về môi trường, nhiệt độ, nước biển sạch, tỉnh Ninh Thuận đã trở thành địa phương sản xuất tôm giống lớn nhất nước.
Khu sản xuất tôm giống chất lượng cao của Công ty CP S6 tại Nhơn Hải, huyện Ninh Hải. Ảnh: Minh Hậu.

"Thủ phủ" sản xuất tôm giống lớn nhất nước

Sau 30 năm hình thành và phát triển, ngành sản xuất tôm giống tại Ninh Thuận đã phát triển mạnh mẽ, góp phần vào an sinh xã hội thông qua việc tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho một bộ phận người dân; làm gia tăng giá trị đất đai, bất động sản, thúc đẩy các ngành nghề phát triển như thương mại-dịch vụ, vận chuyển, cung ứng hàng hóa, xây dựng... đóng góp vào nguồn thu ngân sách địa phương.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp Ninh Thuận, hiện địa phương này có khoảng 450 cơ sở với 1.200 trại sản xuất tôm giống, trong đó có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất tôm giống như: Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty TNHH Uni - President Việt Nam, Tập đoàn Việt Úc... đầu tư sản xuất tại khu sản xuất giống thủy sản tập trung An Hải, huyện Ninh Phước. Chỉ tính riêng trong năm 2020 sản lượng tôm giống của địa phương này đạt trên 40 tỷ con giống, chiếm 35% sản lượng tôm giống cả nước.

Đạt được kết quả trên, những năm qua tỉnh Ninh Thuận và ngành Nông nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, quy hoạch vùng nuôi, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, đồng thời triển khai thực hiện công tác quan trắc, cảnh báo về môi trường, dịch bệnh để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất.

Ông Dư Ngọc Tuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Ninh Thuận cho biết, đối với việc nuôi tôm công tác quan trắc môi trường để cảnh báo đến các cơ sở nuôi tôm có vai trò rất quan trọng, nhằm sớm phát hiện những yếu tố bất lợi giúp cho các cơ sở sản xuất giống thủy sản chủ động trong việc phòng ngừa và xử lý, đảm bảo nguồn nước có chất lượng tốt phục vụ cho sản xuất.

Chính vì vậy việc quan trắc, giám sát, cảnh báo môi trường và dịch bệnh tại các vùng sản xuất giống thủy sản tập trung luôn được đơn vị thực hiện kịp thời, thường xuyên phục vụ tốt cho hoạt động sản xuất.

Hiện nay sản lượng tôm giống sản xuất tại Ninh Thuận chiếm 35% sản lượng tôm giống của cả nước. Ảnh: Minh Hậu.

“Hàng năm Chi cục Thủy sản Ninh Thuận xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thu mẫu quan trắc môi trường tại các vùng sản xuất giống thuỷ sản tập trung theo định kỳ hoặc tăng cường để đáp ứng yêu cầu phục vụ kịp thời cho hoạt động sản xuất tôm giống của doanh nghiệp”, ông Dư Ngọc Tuân cho biết.

Kết quả quan trắc cho thấy, các thông số về độ mặn, độ kiềm và pH của nước biển ven bờ các khu vực sản xuất giống thủy sản tại các xã Cà Ná, An Hải, Tri Hải, Nhơn Hải và Thanh Hải trong giới hạn cho phép theo QCVN 10-MT:2015/BTNMT.

Bên cạnh đó, công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh tại các vùng sản xuất giống thủy sản tập trung còn có sự tham gia, phối hợp hỗ trợ của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản III. Nhờ đó cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp cho các cơ sở chủ động kiểm soát tốt môi trường và phòng ngừa dịch bệnh trong sản xuất.

Tuy nhiên theo ông Tuân, khó khăn hiện nay là Ninh Thuận chưa xây dựng được hệ thống quan trắc môi trường tự động tại các vùng sản xuất giống thủy sản tập trung lớn của tỉnh do điều kiện nguồn kinh phí còn hạn chế. 

Tiếp tục đầu tư hệ thống quan trắc môi trường

Với định hướng của tỉnh Ninh Thuận là xây dựng vùng sản xuất tôm giống theo hướng công nghệ cao tại các vùng sản xuất tôm giống tập trung An Hải và Nhơn Hải cũng như sản xuất tôm giống bố mẹ tại Sơn Hải, ngoài chiến lược tổng thể như đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, nâng cao chất lượng con giống, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến…thì việc bảo vệ môi trường tại các vùng sản xuất giống thủy sản tập trung cũng được chính quyền và ngành chức năng rất coi trọng.

Ông Tuân cho biết, để các vùng sản xuất tôm giống tập trung này phát triển bền vững, ngoài chiến lược tổng thể thì cũng cần tiếp tục nâng cao năng lực quan trắc, cảnh báo môi trường tại các vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục đầu tư lắp đặt các trạm quan trắc môi trường tự động trên biển; phân tích mẫu nước bằng các phương pháp, thiết bị hiện đại để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố môi trường, nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất tôm giống có chất lượng tốt nhất.

Với môi trường khí hậu nước biển sạch, Ninh Thuận thu hút nhiều tập đoàn lớn vào nuôi tôm. Ảnh: MH.

Đặc biệt, áp dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, không sử dụng hóa chất độc hại, kháng sinh trong sản xuất tôm giống; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức trong việc bảo vệ môi trường để phát triển bền vững; nước thải của các cơ sở sản xuất tôm giống phải được các cơ sở tự xử lý cục bộ trong trại sản xuất trước khi thải vào hệ thống thu gom và xử lý tập trung.

Việc cung cấp và xử lý nguồn nước mặn, ngọt phục sản xuất, xử lý nước thải tập trung có thể được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, do tổ chức, doanh nghiệp có đủ năng lực theo quy định thực hiện, có thu phí bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Nước thải được xử lý bằng các phương pháp tiên tiến, công nghệ hiện đại đảm bảo đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường bên ngoài. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát môi trường trong sản xuất tôm giống; xử lý nghiêm các cơ sở không tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường.

Ông Dư Ngọc Tuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Ninh Thuận: “Vùng sản xuất giống thủy sản tập trung An Hải có diện tích 125 ha, đây là vùng quy hoạch sản xuất tôm giống tập trung lớn nhất tỉnh, được Bộ NN-PTNT đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình kết cấu hạ tầng năm 2006. Hiện nay đã thu hút hơn 140 cơ sở sản xuất giống thủy sản, chủ yếu là tôm giống, sản lượng hàng năm đạt 13 - 15 tỷ con giống và dịnh hướng mở rộng quy mô lên hơn 200ha.

Vùng sản xuất giống thủy sản tập trung Nhơn Hải (huyện Ninh Hải) có quy mô diện tích khoảng 100 ha, vùng sản xuất này tập trung hơn 60% số cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh và chiếm khoảng 60% tổng sản lượng tôm giống toàn tỉnh. Còn vùng sản xuất tôm bố mẹ sạch bệnh Sơn Hải có tổng diện tích khoảng 40 ha, hiện đã có một số đơn vị tiến hành sản xuất".

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất