, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 29/12/2016, 08:28

Nàng dâu Đức giúp chồng tìm về tiếng Việt

HƯƠNG GIANG


Tại Hội thảo quốc tế “Việt Nam học: Những vấn đề lý thuyết và thực tiễn” do khoa Việt Nam học, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức tại Bình Châu vào giữa tháng 1 vừa qua, khi thấy tên Sarah Dương Phú trong danh sách các học giả báo cáo, ai ai cũng đoán đó là một người Việt thế hệ thứ hai, sinh ra và lớn lên ở nước ngoài. Sự phỏng đoán ấy càng được khẳng định chắc nịch khi tiếp xúc với Sarah, cô gái nhỏ nhắn luôn tươi cười, trò chuyện bằng tiếng Việt với lối phát âm tròn vành rõ chữ.

Tự tin, xinh xắn và hơn nữa là thích tìm hiểu, Sarah nhanh chóng được các thầy cô, các giáo sư đầu ngành cũng như bạn bè quốc tế yêu mến. Từ đó, câu chuyện về Sarah Dương Phú hé mở, làm tất cả mọi người rất đỗi bất ngờ và ngạc nhiên khi biết cô gái ấy là người Đức chính gốc. Tuổi đời còn rất trẻ, chỉ mới 25, Sarah đã tham gia giảng dạy tại Đại học Goethe, Frankfurt, Đức và hiện đang làm Tiến sĩ ngành Ngôn ngữ trong lĩnh vực nghiên cứu tiếng Việt.

Sarah (thứ 5 từ trái qua) cùng các học giả quốc tế và thầy cô Khoa Việt Nam học - ĐH KHXH&NV TPHCM.
Sarah (thứ 5 từ trái qua) cùng các học giả quốc tế và thầy cô Khoa Việt Nam học - ĐH KHXH&NV TPHCM.

Nhân duyên nào đưa cô gái có mái tóc vàng óng, đôi mắt xanh thẳm ấy đến với tiếng Việt?

Nụ cười tỏa nắng, Sarah nói Sarah yêu Việt Nam. Tình yêu đó đến từ các lớp dạy tiếng Việt ở trường Đại học. Năm 2009, lần đầu tiên Sarah tiếp xúc và có cơ hội học tiếng Việt trong 3 học kì. Tiếng Việt đối với Sarah rất lạ, vì tiếng Việt có thanh điệu. Mỗi thanh điệu có lẽ mang theo tình cảm nào đó mà Sarah cảm nhận được và muốn khám phá. Rồi tình cờ Sarah gặp Kiên, một anh chàng người Việt lúc đi lễ nhà thờ. Sarah mừng lắm vì cô bạn đang muốn tìm hiểu thêm về tiếng Việt mà. Nhưng Kiên là người Việt thế hệ thứ hai, sinh ra trên nước Đức, có mẹ là người Nha Trang và bố là người Đà Nẵng, cùng đến Đức định cư, thế nên, anh chàng giống y người Đức, học tiếng Đức, nói tiếng Đức và sử dụng tiếng Đức hàng ngày. Do đó, hiển nhiên, tiếng Việt của anh lõm bõm chữ được chữ mất. Trở thành bạn bè rồi người yêu của nhau, Kiên tập nói lại tiếng Việt. Trong câu chuyện của họ, lúc tiếng Đức, lúc tiếng Việt đan xen. Khi Kiên liến thoắng tiếng Đức cho nhanh thì Sarah chủ động lái trở lại tiếng Việt. Cứ thế, họ cùng chia sẻ những ước mơ tuổi trẻ, thấu hiểu nhau hơn, rồi kết nên duyên vợ chồng. Anh chàng người Việt, luôn mang mặc cảm sự khác biệt châu Á ở xứ người, chưa từng nghĩ cô gái Đức xinh xắn, tài giỏi lại đồng ý trở thành người yêu rồi thành vợ của mình, đã từng bước tìm về nguồn cội và học tiếng quê hương như thế. Bố mẹ Kiên lại càng mừng hơn khi có được một nàng dâu ngoại quốc, xinh xắn, đáng yêu, lại quan tâm đến quê nhà Việt Nam. Họ cùng nhau chia sẻ văn hóa Tây, Đông; cùng vào bếp chuẩn bị những món ăn đậm chất Việt.

Học tính nhẫn nại, “xuất giá tòng phu” của người Á Đông, Sarah chấp nhận cùng chồng chuyển đến ở gần Đại học Marburg để anh theo đuổi mong ước trở thành bác sĩ, rồi hàng ngày cô bắt tàu điện đi đến Frankfurt để tiếp tục nghiên cứu bậc Tiến sĩ.

Ai đó đã ví von: “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Vậy mà, cô gái người Đức nhỏ nhắn ấy đã rất can đảm chọn ngữ pháp tiếng Việt làm đề tài nghiên cứu Tiến sĩ. Tại hội thảo, lắng nghe Sarah trình bày bước đầu nghiên cứu về Properties of Discontinous Noun Phrase in Vietnamese (từ định danh), các Giáo sư đầu ngành cũng như các thầy cô đều là Phó Giáo sư, Tiến sĩ...tấm tắc khen rất thú vị và đánh giá đây là đề tài khó cho ngay cả người Việt. Vì ngay cả người Việt cũng đều lúng túng khi được hỏi “con chó, con bò, con heo thì “con” là từ chính hay “chó, bò, heo” mới là từ chính”. Hay lối nói hàng ngày “cho ba trái cam”, “cam hả, bán cho ba trái” có giống nhau không.

Để thực hiện đề tài đó, năm 2012 Sarah đến Việt Nam. Theo lời giới thiệu của một người Đức, cô ở trọ tại khu công nghiệp Tân Bình. Hỏi Sarah sao không về gần trung tâm, tiện di chuyển hay đến trường Đại học hơn, cô bạn bẽn lẽn cười “Sarah sợ, ở đây có bác người Đức quen, nên yên tâm hơn. Vả lại, ở đâu thì bước ra đường cũng nghe người Việt nói rồi, đủ để Sarah ghi âm”. Vừa rồi, nhân tham dự hội thảo quốc tế các vấn đề Việt Nam học, Sarah đã trở lại Việt Nam, trình bày bước đầu nghiên cứu và tiếp tục rong ruổi hang cùng ngõ hẻm của Sài Gòn để ghi âm cách nói chuyện hàng ngày của lớp người bình dân, cô không ngần ngại bắt xe buýt đi từ đầu này đến đầu kia của thành phố, học lỏm thêm nhiều từ mới và cẩn thận ghi nhớ người Bắc nói thế này, người Nam nói thế kia.

Ánh mắt thông minh, bướng bỉnh, tràn đầy kiên định, Sarah đại diện cho lớp trẻ tại hội thảo, cô liên tục hỏi, tham khảo ý kiến các thầy cô và những người bạn cùng trang lứa, bất kể lúc nào có thể nói chuyện được, từ buổi ăn sáng biến thành cuộc tranh luận khoa học, đến buổi thảo luận chính của hội thảo hay trao đổi trực tiếp với các thầy cô ngay tại sảnh của khu resort suốt cả buổi tối, chưa đủ, Sarah còn tiếp tục với bạn cùng phòng lần giở tài liệu trắng đêm, đến nỗi hôm sau bạn cùng phòng phân bua với mọi người khi lỡ ngáp dài “Hiếm khi nào gặp được người phương Tây yêu tiếng Việt đến vậy, nên em không thể ngủ khì”.

Không chỉ vậy, Sarah còn rất ham tìm hiểu văn hóa. Cô reo lên khi thấy mọi người mặc áo dài dự hội thảo. Cô không ngần ngại dùng đũa để gắp thức ăn dẫu còn vụng về; không ngần ngại thử bánh chưng và thắc mắc có phải còn một loại bánh giống thế này, cũng nhân đậu xanh, thịt heo nhưng được gói thành đòn dài; không ngần ngại thử bánh bèo, bánh cuốn, rồi phở ...và Sarah nháy mắt thì thầm “Sarah biết nấu phở”. Sarah thích thú khi được một nhân viên khu resort cho một trái dừa và hỏi có thể mua về Đức để chồng cũng được uống không. Rồi cô bạn hé môi phát âm “chái dừa”, “không, phải là trái dừa” - tôi chỉnh lại; “ch, tr” - Sarah nhìn tôi rồi làm theo và bật cười “khó quá, nhưng Sarah làm được.”

Bước chân trần trên cát trắng, nghe sóng vỗ bờ và thưởng thức nước dừa thì còn gì tuyệt vời bằng. Sarah thốt lên “Việt Nam rất đẹp!” Phải, biển xanh cát trắng miên man. Những con thuyền xa xa kéo lưới trĩu nặng trở về. Những con người chân chất hiếu khách. “Ở Đức, mùa này tuyết trắng xóa, trời rất lạnh, không ai muốn ra khỏi nhà. Còn ở đây, biển rất đẹp”. Vẫy vùng giữa sóng nước nhấp nhô, tiếng cười khanh khách lùa theo gió. Bỗng nhiên Sarah trồi lên bên cạnh tôi. “Sao thế, Sarah?” Tôi hỏi. “Sarah sợ bạn một mình, bạn buồn”. Ô, quan tâm đến thế, dễ thương đến thế thì làm sao mà mọi người không yêu quý cô bạn này được.

Đến Việt Nam lần này, Sarah trĩu nặng quà mang về Đức. Đó là những quyển sách, những tập tài liệu mà các thầy cô và bạn bè chọn riêng cho cô gái Đức đặc biệt này. Viết trong tấm thiệp lúc chia tay, Sarah xúc động đến lúng túng “Chúc mừng bạn và gia đình một năm mới vui vẻ nhé. Chúc nhiều sức khỏe và an bình”. Hỏi Sarah không viết cảm ơn thầy đã tặng sách à, cô bạn đỏ mặt thú thật “Thầy nói nhanh quá, Sarah tập trung hết sức mới nghe được nên không còn nhớ viết như thế nào”.

Vậy đó, Sarah, cô gái trẻ tài hoa, từ nỗi tò mò về một ngôn ngữ lạ thuở ban đầu, đã kết nên tình yêu và giúp anh chàng người Việt từng bước tìm về tiếng Việt. Tận trong sâu thẳm, cô gái Đức ấy còn mong muốn bắc nhịp cầu nghiên cứu đôi bờ Đông - Tây. Máy bay cất cánh, vệt khói vươn trên nền trời xanh, vẳng lại là lời quyến luyến “Sarah sẽ nói với giáo sư ở trường bên Đức, có thể mời thầy ở đây sang trao đổi về nghiên cứu. À, các thầy nói Sarah hay là về Việt Nam giảng dạy đi. Sarah sẽ suy nghĩ. Về Đức, Sarah nhớ bạn lắm”.

Tags

Bình luận

Xem nhiều



Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Chnam Thmay diễn ra từ 13-16/4.


Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất