, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 30/06/2022, 14:40

Nâng tầm tre Việt

NGUYỄN KHOA
"Làm gì để giúp cây tre Việt Nam nâng cao giá trị"? - Đó là câu hỏi luôn đau đáu trong hành trình tìm cách nâng tầm tre Việt của anh Dương Thanh Phận (sinh năm 1982), và cũng lý giải tại sao các vật dụng được làm từ tre luôn nổi bật trong dự án Nhà an lành của anh.
Anh Dương Thanh Phận và gian hàng tre của dự án Nhà an lành tại triển lãm Quốc tế Vietbuild Home 2021.

Anh Dương Thanh Phận bắt đầu dự án Nhà an lành từ năm 2015. Dự án nhằm khởi tạo lại các tinh hoa của nền văn hóa Việt Nam và lan tỏa đến với mọi người thông điệp sống an lành. Với dự án này, các vật dụng được làm từ tre như ống hút tre, bút bi tre, con rối tre… luôn là niềm đam mê sáng tạo của anh.

Vẻ đẹp quốc hồn quốc túy của tre Việt

Tre đã quá quen thuộc, thậm chí đã trở thành một phần trong đời sống của người Việt. Cây tre Việt Nam xuất hiện từ trong ca dao tục ngữ cho đến trong sinh hoạt thường nhật, kể cả trong các cuộc chiến giữ nước của dân tộc. Đối với anh Phận, tre không đơn thuần chỉ là nguyên liệu chế biến, phục vụ lợi ích, hoạt động của con người, mà tre còn mang vẻ đẹp quốc hồn quốc túy của dân tộc. 

Trước đây, khi còn làm thiết kế đồ họa cho một công ty liên kết với Nhật Bản, anh Phận có cơ hội tiếp xúc với nhiều người Nhật. Anh nhận thấy đa số họ đều gặp phải khó khăn trong việc chọn lựa quà mang về nước để tặng người thân, bạn bè. 

Người Nhật cho rằng áo dài và nón lá là hai món quà tặng rất đặc trưng của Việt Nam, nhưng để chọn cho phù hợp với người được tặng thì không phải dễ dàng. Ngoài ra cũng khó có thể sử dụng thường xuyên trên đất nước của họ. 

"Lúc đó, mình suy nghĩ phải làm sao để tạo ra một sản phẩm quà tặng phải mang nét đặc trưng của dân tộc, đủ tinh tế mà lại gọn nhẹ, dễ dàng vận chuyển và hợp túi tiền của số đông du khách. Do sống ở quê từ bé, mình nghĩ ngay đến cây tre, loài cây có sức sống mãnh liệt và mọc nhiều ở các vùng nông thôn Việt Nam. Từ suy nghĩ đó, mình bắt đầu học hỏi và hy vọng có thể tìm hướng đi mới cho cây tre". - anh Phận chia sẻ.

Thanh tre may mắn, sản phẩm được kết hợp từ tre và thư pháp.

Những bước đi đầu tiên

Năm 2018, một người em kết nghĩa của anh Dương Thanh Phận là anh Lê Xuân Hà đã gửi từ Thanh Hóa vào TP.HCM khoảng 1.000 chiếc ống hút tre, nhờ anh Phận giúp tìm đầu ra cho sản phẩm này. Đây là những chiếc ống hút được làm từ tre rừng, nứa tép được người dân đi rẫy mang về. Họ xử lý bằng cách phơi nắng, luộc qua với nước muối và sấy khô bằng phương pháp hun khói.

Lúc đầu, do là sản phẩm mới, làm hoàn toàn thủ công và không sử dụng hóa chất, ống hút tre được rất nhiều người ưa thích và sử dụng. Tuy nhiên, so với ống hút nhựa về giá thành và mức độ tiện lợi, thì ống hút tre dù bán chỉ 5.000 đồng/chiếc vẫn không thể cạnh tranh lâu dài được. 

Chứng kiến khó khăn đó, anh Phận - vốn xuất thân là sinh viên ngành Điện tử công nghiệp - nảy ra ý tưởng dùng mỏ hàn chì (thiết bị chuyên dùng để sửa chữa các dòng máy móc điện tử) để khắc chữ lên ống hút. Các hình vẽ đầu tiên là những họa tiết đơn giản, sau đó, nhiều người thấy thích và đề nghị anh khắc tên của họ lên ống hút. 

Nhớ lại khoảng thời gian mới chập chững bước vào nghề ấy, chàng "họa sĩ bút lửa" bộc bạch: "Khi khắc tên lên ống hút, sản phẩm sẽ mang tính cá nhân hóa, gắn liền với người sử dụng, họ sẽ biết trân trọng nó hơn. Mặt khác, việc làm này cũng góp phần nâng cao giá thành của sản phẩm, từ 5.000 đồng/chiếc có thể dao động lên đến 30.000 - 40.000 đồng/chiếc". 

Những chiếc ống hút được làm từ tre rừng, nứa tép được vận chuyển từ Thanh Hóa vào TP.HCM.

Để nâng cao chất lượng và tăng tính mỹ thuật cho chiếc ống hút tre, anh Phận đã mày mò tìm hiểu các kỹ thuật khắc chữ, việc gì không biết thì kiên nhẫn tra cứu trên Internet. Thấy những nét vẽ bằng mỏ hàn chì của mình còn thô sơ, anh quyết định mượn số tiền 1.500.000 đồng từ mẹ của một người bạn để đầu tư một bộ bút lửa khắc gỗ chuyên nghiệp. 

Ngày qua ngày, nghề dạy nghề, tay nghề khắc chữ của anh ngày càng điêu luyện. Từ đó, anh bắt tay vào nghiên cứu những sản phẩm mới có tính ứng dụng cao hơn, hướng tới đa dạng đối tượng và nhắm đến thị trường tiêu thụ nước ngoài.

Sự ra đời của bút bi tre

Một trong những sản phẩm tạo tiếng vang tốt nhất của Nhà an lành đến thời điểm hiện tại là bút bi tre. Từ những chiếc ống hút tre, trải qua các công đoạn chế tác như cắt, mài, khoan, làm nắp bút... cùng với đôi bàn tay khéo léo của anh Phận đã cho ra đời những cây bút bi tre độc đáo.

Theo anh Phận, bút bi tre là món quà tặng tri thức, có thể sử dụng cho nhiều đối tượng người tiêu dùng.

Bút tre trông nhẹ nhàng, thanh thoát hơn bút nhựa, sử dụng càng lâu thì thân bút càng bóng, hình khắc càng đậm nét, khiến người sử dụng càng yêu thích hơn. Khi hết mực, bút tre cũng có thể thay ruột bút bằng loại ngòi bút phổ thông phổ biến ngoài thị trường. 

Mỗi cây bút bi tre được anh Phận xem là một tác phẩm nghệ thuật chứ không chỉ đơn thuần là một sản phẩm tiêu dùng. Ngoài khắc tên và các họa tiết như 12 con giáp, chữ thư pháp, trống đồng, các nhân vật nổi tiếng... anh Phận còn cho ra đời những chiếc bút tre khắc hình các vị Phật, Bồ Tát, kinh Phật...

Tuy nhiên, với quan niệm mỗi tác phẩm về Phật đều mang Phật tính và có duyên với mình, anh Phận thường giữ lại chứ không bán các sản phẩm này rộng rãi ra thị trường.

Bút bi tre được chạm khắc các chủ đề về Phật giáo.
Tác phẩm Phật ống tre. 

Do bút bi tre không chỉ là sản phẩm trưng bày mà còn được mang ra sử dụng nên người chế tác phải làm sao cân bằng được giữa hai yếu tố về kỹ thuật và mỹ thuật cho sản phẩm. Anh Phận cho biết, công đoạn khó nhất khi tạo ra một cây bút bi tre là đưa ruột bút vào và giữ cố định với phần đầu bút sao cho không xê dịch quá nhiều và ngòi bút phải nhô lên đủ cao để thuận tiện cho người sử dụng.

Từng cây bút bi tre sẽ có giá thành khác nhau tùy theo yêu cầu của khách hàng, thời gian tạo ra sản phẩm và độ phức tạp của các hình vẽ, họa tiết. Trung bình các sản phẩm làm từ tre có giá dao động từ 70.000 – 80.000 đồng đến vài triệu đồng. 

Anh Phận đang thực hiện công đoạn khắc hình lên một chiếc bút bi tre.

Hướng đi mới cho tre Việt Nam 

Hiện nay, thị trường tiêu thụ của bút bi tre nói riêng và các sản phẩm khác của Nhà an lành nói chung chủ yếu thông qua mạng xã hội, bạn bè, người thân và ở các hội chợ, triển lãm. Trong thời gian sắp tới, anh Phận dự kiến sẽ tìm thị trường tiêu thụ mới, đa dạng hơn, tiềm năng hơn cho các sản phẩm làm từ tre, cho ra đời các dòng sản phẩm bình dân hơn để nhiều người có thể tiếp cận.

“Đặc biệt, mình mong muốn mang các sản phẩm làm từ tre vươn ra thị trường nước ngoài bằng cách kết hợp làm quà tặng du lịch hay liên kết xuất khẩu". - Anh Phận chia sẻ.

Ngoài các sản phẩm đã có, hiện tại, anh Phận và Nhà an lành đang hướng đến đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, cho ra đời các sản phẩm mới: chuông gió tre, chuồn chuồn tre, sổ tay tre hay các dụng cụ phục vụ cho trà đạo... để hiện thực hóa ước mơ nâng tầm tre Việt của mình.

Chuồn chuồn tre.
Sổ tay có bìa làm bằng tre.

 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

“Từ giờ trở đi, sẽ ngày càng có nhiều người lên trọng điểm Cà Roòng – ATP” - là ngôn ngữ của những người tự vác lên mình sứ mệnh mở đường, giữa Trường Sơn.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất