
Du lịch là nguồn thu chủ yếu cho ngành công nghiệp rượu vang tại California, đến nỗi nhiều người ví von Napa Valley (thung lũng Napa) là một Disneyland về rượu vang của nước Mỹ. Theo số liệu từ Hiệp hội ngành nghề du lịch Napa Valley, trong năm 2018 đã có 3,85 triệu lượt du khách viếng thăm nơi đây, một dải đất dài 40km và rộng 6km, nằm cách San Francisco 130km về phía bắc.
Nếu không tính năm 2020 khi dịch bệnh làm giảm đáng kể số lượng du khách thì con số này luôn ổn định từ năm 2016 (tăng 4,4% mỗi năm). Đặc biệt là du khách chi tiêu nhiều hơn tại đây sau mỗi năm: 2,23 tỷ USD vào năm 2018, tăng 15% so với năm 2016. Tính trung bình, một du khách lưu lại đây 48 giờ sẽ chi ra 247 USD/ngày (và 405 USD nếu họ qua đêm). Với gần 16.000 nhân viên, du lịch là ngành thu hút lao động đứng thứ hai sau ngành sản xuất và kinh doanh rượu vang tại Napa.
California có truyền thống lâu đời về rượu vang. Những cây nho đầu tiên đã được các nhà truyền giáo mang đến đây để làm nguyên liệu sản xuất rượu phục vụ thánh lễ trong nhà thờ. Đến giữa thế kỷ 19, việc sản xuất rượu nho tăng lên nhanh chóng cùng lúc với những dòng người đổ xô đến Cali đi tìm vàng và từ nhu cầu tiêu thụ của những nhóm di dân đến từ châu Âu. Kết quả là hiện nay, chỉ riêng bang California đã chiếm đến 85% sản lượng rượu vang của cả nước Mỹ, phần còn lại là của các bang Oregon, Washington, New York và Virginia.
Bước ngoặt giúp Napa Valley nổi tiếng bắt đầu từ năm 1976, nhờ một buổi “nếm mù” (blind tasting) với ban giám khảo chỉ toàn là người Pháp. Khi đó, vang California đã “lật đổ” ngoạn mục ngôi vương của vang Pháp, từ vang trắng (Chardonnay) cho đến vang đỏ (Cabernet Sauvignon). Sau lần ra mắt thành công này, du khách nườm nượp kéo đến thung lũng vang vốn đang sở hữu 18.600ha vườn nho trong một không gian kiểu Địa Trung Hải. Vào đầu thập niên 1980, Napa có khoảng 50 chủ vườn thì nay, con số này lên đến trên 800.
Biểu tượng của ngành du lịch rượu vang tại Napa chính là “Wine Train”, một chuyến tàu với những toa hành khách được thiết kế theo kiểu dáng của đầu thế kỷ 20, một mô hình độc nhất vô nhị trên thế giới. Đi trên tàu, ngồi trong khoang ăn uống, thực khách sẽ có dịp ngắm nhìn bao quát khung cảnh đồng quê yên bình lướt qua trước mắt, và được phục vụ những món ăn đậm chất California theo dạng “farm-to-table” (từ trang trại đến bàn ăn), qua bàn tay chế biến khéo léo của nữ bếp trưởng nổi tiếng Alice Waters.
Các vườn nho lớn tại đây sẽ giới thiệu đến du khách những khu nghỉ dưỡng sang trọng, những resort ẩn mình giữa những cánh đồng olive, những sân golf và những dịch vụ spa sử dụng nguồn nước khoáng nóng tại vùng Calistoga ở mạn Bắc. Song song đó, việc bán ra tại chỗ cho du khách những chai vang cũng chiếm đến một nửa doanh thu hằng năm của ngành công nghiệp du lịch vang tại đây.
Năm 2020, cũng như các khu vực kinh doanh du lịch khác trên khắp thế giới, Napa Valley điêu đứng trước đại dịch Covid-19. Các nhà vườn đã phải cố gắng giữ chân khách bằng những hình thức mới, điển hình là những buổi nếm rượu qua mạng. Rồi một tai họa khác ập đến vào mùa thu là cháy rừng, ngọn lửa đã tàn phá 27.000ha tại Napa, khoảng 30 vườn nho bị thiệt hại nặng, đáng kể nhất là hai vườn nho Castello di Amorosa và Château Boswell.
Sang năm 2021 này, khi tình hình dịch bệnh đã giảm và việc không bắt buộc đeo khẩu trang từ ngày 15/6, các chủ vườn đang nuôi hy vọng lớn là sẽ phục hồi nhanh chóng và hiệu quả ngành du lịch rượu vang tại Napa Valley.