, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 14/12/2022, 05:55

NASA phóng vệ tinh tìm kiếm dấu vết của nước đóng băng trên Mặt Trăng

BẠCH NGÂN
Cơ quan vũ trụ của Mỹ đang có kế hoạch tìm kiếm sự hiện diện của băng trên bề mặt của Mặt Trăng.

Theo BGR, NASA đã phóng một vệ tinh với hành trình hướng tới Mặt Trăng và tìm kiếm nước đã đóng băng trên bề mặt của hành tinh này.

Vệ tinh có tên Lunar Flashlight, đã liên lạc thành công với cơ quan kiểm soát chuyến bay của NASA vào ngày 11/12, sau khi được phóng từ trạm phóng Cape Canaveral Space Force ở Florida (Mỹ). Khoảng 53 phút sau khi phóng, vệ tinh nhỏ, có tên gọi SmallSat, đã rời khỏi vệ tinh lớn để bắt đầu hành trình kéo dài 4 tháng tới Mặt Trăng để tìm kiếm vết tích của nước đóng băng trong các miệng núi lửa bị che khuất ở Nam Cực của Mặt Trăng.

NASA phóng vệ tinh tìm kiếm dấu vết của băng trên Mặt Trăng.

Chuyến đi hứa hẹn có thể cung cấp thêm thông tin về Nam Cực của Mặt Trăng. Khu vực này là một trong nhiều khu vực mà NASA đang xem xét để làm bãi đáp khả thi cho các sứ mệnh đưa con người trở lại Mặt Trăng. Ngoài ra, Nam Cực cũng là một khu vực mà con người vẫn chưa có những khám phá mang tính sâu rộng.

Vệ tinh này sẽ không trở lại Trái Đất, Lunar Flashlight sẽ xoay quanh Mặt Trăng cho đến khi nó hết năng lượng hoặc ngừng hoạt động. Trong thời gian đó, vệ tinh này sẽ sử dụng một máy đo phản xạ được trang bị bốn tia laser, tất cả đều phát ra ánh sáng cận hồng ngoại ở bước sóng mà lớp băng trên bề mặt của Mặt Trăng có thể dễ dàng hấp thụ.

Tháng trước, NASA đã khởi động sứ mệnh Artemis I, mang theo tàu không gian Orion bay đến quỹ đạo quanh Mặt Trăng trước khi quay trở lại Trái Đất vào tuần trước. Giờ đây, với kế hoạch tìm kiếm băng trên Mặt trăng, NASA hy vọng sẽ tìm hiểu được thêm thông tin về nơi đây trước khi đưa con người trở lại.

Để đảm bảo có thể đến đủ gần Mặt Trăng, vệ tinh nhỏ sẽ bay theo quỹ đạo gần hình elip dài được thiết kế để tiết kiệm năng lượng. Điều này sẽ cho phép vệ tinh đến gần Mặt Trăng trong vòng 9 dặm tính từ điểm gần nhất và 43.000 dặm ở điểm xa nhất của Nam Cực, từ đó quan sát được nhiều thứ hơn trong nhiệm vụ tìm kiếm của nó.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất