, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 18/01/2017, 09:44

Nét văn hóa làng biển

DƯƠNG TRƯỜNG SƠN

Tương truyền, ngư dân đi biển, gặp được cá voi là gặp thần hộ mệnh. Khi sóng yên biển lặng, cá voi xuất hiện là cá vô lưới “khẳm” thuyền. Khi bão tố, gặp cá voi coi như “tai qua nạn khỏi”. Do vậy  ngư dân nước ta đều coi cá voi là Thần. Người ta gọi là “ông”, là “ngài”. Khi cá voi chết, dạt vào bờ, bà con làng biển đưa xác cá vào đất liền, đào huyệt chôn lấp cẩn thận và lập đền thờ, gọi là đền “Ông” hoặc Thần biển. Hàng năm làng biển chọn một ngày để tổ chức cúng kiếng thần biển. Đó là ngày hội - một nét văn hóa của làng biển. Ở Quảng Bình đền thờ thần biển lúc nhiều lên đến cả trăm, nay phía chân sóng bể Đông, còn chừng mươi ngôi đền như thế…

Hiển Linh Ngư bên bờ biển Đông.
Hiển Linh Ngư bên bờ biển Đông.

1. Làng Cảnh Dương (Quảng Trạch) không có thước đất trồng lúa, hơn 600 năm trước, thế hệ khai canh đã chọn mô đất mũi rồng ở phía sông Loan dựng làng. Những xóm ngõ tựa vào núi Phượng, lấy nghề chính là biển khơi cho con cháu quần tụ. Lời thề của người khai canh trong 12 dòng họ lấy đất Cảnh Dương dựng nghiệp mở cõi rằng: “Coi biển cả là đất đai mưu sống, lấy con nước mặn mòi làm khí cốt lẽ sống, coi cá Ông, cá Ngài là thần biển, lập đền thờ thần biển để biết huệ khí, huệ ân cúc cung khấn vái”. Đó là những gì ông Phạm Quốc Hồng, người coi giữ Hiển Linh ngư, đền thờ cá Voi mà người dân bản địa ghi rõ tâm cốt một cách kính cẩn là “Cá ông, cá Ngài” lật từng trang gia phả đọc lại.

Đi về chân sóng, Hiển Linh ngư dọi bóng xuống dòng nước mùa đông, phía bờ đang khói hương kính cẩn, ông Hồng trịnh trọng mở cửa cho vị khách phương xa như tôi vào chiêm bái. Hai bộ xương cá voi được nói nặng cả trăm tấn, án ngự khắp nơi trong đền, đó là thần mẫu của hơn mười ngàn ngư dân Cảnh Dương đang thờ tự từ cả trăm năm nay. Lời chứng trong gia phả dòng họ Trương, một trong những dòng tộc cự phách có công khai canh cho thấy: “Đời Gia Long thứ 9 (1809-Kỷ Tỵ) một cá voi bà nặng hơn trăm tấn, dạt vào biển Cảnh Dương, người dân cúng quải linh đình, gọi tên cá Bà. Vào năm Duy Tân 16 (Đinh Mùi-1907), một cá voi ông cũng dạt vào Cảnh Dương, người dân gọi tên là cá Ông, hương khói vọng trọng, thỉnh đưa vào đền Hiển Linh ngư để đời đời cháu con coi sóc”. 

Lệ làng ngày ấy, cứ một suất đinh mỗi năm đóng vài bơ thóc để khói hương, lý trưởng của làng đảm nhiệm nghĩa vụ tu bổ, tất cả đều sung vào nguồn cá thu được của người miệt biển. Người Cảnh Dương thật sự sùng ân với cá Voi mà họ thờ như thần, bởi thế, dân gian làng biển dưới chân Đèo Ngang đã phát tâm một bài hát của ngư phủ được truyền từ xưa đến nay: “Nay mừng mở hội cầu Xuân/ Trời sinh Thánh thượng Duy Tân trị vì/ Trời yên, biển lặng bốn bề/ Đức Ông thượng thọ nước về cõi tiên/ Lênh đênh mặt nước bao miền/ Tìm nơi đất tốt, dân hiền ghé vô/ Xuân sang lai láng biển hồ/ Ngư dân trông thấy nước vô lạch nhà/ Tưng bừng nổi trống, kết hoa/ Nghe tin làng nước gần xa đón mừng”. Đó là câu hát của mùa xuân, xuất phát từ sự yêu quý vô biên với thần biển.

Cá Voi dạt vào Hiển Linh Ngư được người Cảnh Dương cúng bái chôn cất trọng vọng.
Cá Voi dạt vào Hiển Linh Ngư được người Cảnh Dương cúng bái chôn cất trọng vọng.

2. Lâu nay, nhân gian như nói rằng, làng biển không nguồn cội văn hóa, chỉ là những làng chài bé bỏng trước sóng gió ba đào, nhưng nội tại của làng biển, ở bất cứ đâu của mảnh đất hình chữ S, hễ có người cưỡi sóng bắt cá biển Đông, ắt ở đó có trầm tích văn hóa miệt biển mặn mòi cùng giọt nước bể khơi. Thờ thần biển, không chỉ là khói hương cầu khấn, mà bao truyền tích và bao câu ca điệu múa của làng biển cũng khởi bông trong tâm hồn ngư phủ. Từng điền dã về nhiều làng biển, đã sưu tầm đến năm ngàn câu ca đối đáp tôi mới biết, ở đó là cả một gia tài dân gian chắc nịch như thớ thịt người dân phía cát. Người miệt biển nói dưới cát là nước thì với họ, sau từng câu ăn to nói lớn là cả một kho tàng điệu hát câu hò, gắn chặt với biển Đông lồng lộng. Người miệt biển hát với tất cả niềm thích thú, họ đặt ca từ để hát về cá Voi về cảnh sắc hữu tình vùng biển cha ông tạo dựng.

Người xứ cát Quảng Bình, hát như cách giãi bày tình nghĩa biển khơi, một điệu hò khoan bên chân sóng mộc mạc rằng: “Mở hội hò khoan cho đẹp lòng eng ả/ Cho vui làng vui xã/ Vui cả bạn thuyền/ Cá chở đầy khoang biết ơn Ngài phù hộ/ Thuyền vui đỗ bến nhớ hội tung chài/ Lọng cờ đi rước sắc về/ Chong đèn, chong pháo/ Đốt phủ phê đêm ngày/ Ngó vô trong lăng đèn chong sáng rạng/ Ngó ra ngoài trời chèo cạn múa bông/ Trong thời đèn thắp đèn chong/ Ngoài thời chèo cạn/ Thỏa lòng Ngài chưa?/Ở chốn rồng hương chong đèn rạng/ Xem ra ngoài đền chèo cạn đứng hầu/ Năm nay mở hội rước ngài/ Mời chàng mời chị ta thi tài hò khoan”.  Người trên cát, không câu chữ mỹ miều, hò khoan của họ mộc mạc, rắn rỏi và thẳng băng như tấm lòng của họ.

Thật ra, làng biển xem hát hò là cách sinh hoạt bộc toát lên ân nghĩa lao động và ghi công tạc dạ “cố nhân” của họ. Tôi đã dày công sưu tầm và đọc những gì mình có khi về làng biển, biết nơi đó, những hát hò, xướng diễn, những phách trống, nhịp lạch, những múa đăng, chèo cạn, những dố hò, dố xướng đều có nhịp vần theo tiếng sóng xô, theo con nước lên xuống, theo lòng vọng phu phía bờ, theo các mối quan hệ chằng chịt làm người trượng nghĩa của con nước biển Đông. Thế nên không phải ngẫu nhiên mà người làng biển nơi quê thô mộc đã phát tích nhiều dị bản về Hải trình biển Đông bằng thơ. Có hơn 300 câu theo cấu trúc tự do, nhịp điệu bằng trắc mang âm hưởng sóng gió. Thật may mắn khi diện kiến những lão ngư phủ, họ vẫn còn nhớ Hải trình lộng gió này, Vì khuôn khổ bài báo, chúng tôi không chép cuộc hải trình mà ngư phu ngày xưa chưa có la bàn, máy móc phải thuộc nằm lòng. Nhưng trong đó, người ngư phủ thuần phác cũng xướng lên gốc gác họ là con cháu Hùng Vương và bóng dáng trong tim họ vẫn ngời ngời Hoàng Sa, Trường Sa là của xứ sở nước Việt: “Xưa nay chốn ấy đã truyền/ Chộ hòn Lò Riệu ghênh thuyền cho khơi/ Thảnh thơi ba ngọn thảnh thơi/ Buông qua Quảng Ngãi một hơi dặm trường/ Thuyền qua Quảng Ngãi mía đường/ Chộ Hoàng Sa đó, Trường Sa cũng nằm…”. Qua Quảng Ngãi thủ phủ mía đường, lại thấy Hoàng Sa, Trường Sa hiện rõ. Hai địa danh đó trong hải trình biển Đông bằng thơ càng khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về chủ quyền đất nước dân tộc Việt Nam từ xa xưa như thế.

3. Người phía biển hát hò những lúc vui và cả khi buồn, tình cảm dành cho nước non được truyền đạt qua những kỳ cúng bái hội rằm hằng tháng ở đình làng, những lễ mở cửa biển vào ngày Tết cổ truyền. Họ chẳng mở lớp dạy hát đặt vần, cũng chẳng gò ép ai theo, lớp trước hát từ nhỏ đến lớn, rồi truyền lại cho cháu con từ ngày được ẵm nôi, cứ thế lớp sau lại truyền cho lớp sau nữa bằng tháng ngày mưu sinh. Tình yêu thương bắt đầu từ đó, rồi len lỏi sang bờ cây ngọn cỏ, từ những hạt cát nhỏ bé, vun dần lên thành tình yêu làng xóm, rồi phát tiết mạnh mẽ thành tình yêu bờ bãi nguồn cội, hun đúc lên theo điệu sử thi mà giữ lấy lề làng thói biển. Mỗi lớp người đều lớn dậy như thế, không có gì có thể bào mòn sức mạnh cố kết của con dân làng biển.

Nếu người đồng bằng lấy cây lúa làm nền tảng vun đắp cuộc sống thì người phía biển có bữa cơm khai tâm chia biển ngày đầu năm mới. Đấy là bữa cơm đạm bạc, nhưng chứa trong đó những trọng nghĩa, yêu thương, những chia ngọt sẻ bùi.

Thôn Thanh Bình, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch; điệu chia biển đã trải dài hơn 400 năm, từ ngày có bậc khai canh đến nay đã là 450 năm, người làng chưa một năm bỏ trễ việc khai tâm chia biển. Bữa cơm đầu năm, xóm làng chung nhau đấu gạo, họ nấu tập thể, góp chung những chiếc bánh chưng, bénh tét, dọn sẵn trên mâm kiệu hành, bánh tráng, cơm trắng, cá biển. Họ cúng khấn trời đất, mặt hướng phía biển mong mùa biển được tốt tươi, làng quê thái bình. Bữa cơm đầu năm, con trẻ được khai tâm như thế, sau đó chúng được chia thịt, chia cá, người già không chung vui bữa cơm xóm, những thanh niên bới cơm dâng đến; đó là cách gánh vác việc làng, thương yêu vóc dáng neo đơn của nhân gian làng biển.

Sau bữa cơm đó, ngày mùng 6 Tết, dân làng đẩy thuyền ra khơi, chuyến khơi đầu tiên, bất luận thu được thứ gì, cả ba xóm của làng đều huy động trai lực lưỡng ra biển tung lưới. Nước mùa đông lạnh giá, con cá con tôm không nhiều, nhưng chiều lại, trên cả tiếng sóng vỗ bờ, mọi người từ làng ùa ra đón đội thuyền mở biển đầu năm. Cả làng dồn cá mú đánh được từ biển khơi, cộng đều, chia nhau toàn làng, khẩu đinh nào cũng được nhận cá, kể cả cháu bé vừa mới khai sinh đến người đàn bà mù phía cuối làng, từ người già tóc bạc, đến người cày ruộng ven đê, đều được chia ít nhất ba con cá tươi. Trưởng thôn Đậu Thanh Minh, nói: “Bữa cá đầu năm được chia đều cả làng là nghe lời dạy của thành hoàng làng khai canh năm xưa, làm gì cũng phải đoàn kết để giữ đất giữ nước, giữ biển giữ khơi. Trước biển cả bao la, người làng dễ bị sóng vùi nếu từng người sức yếu ra sóng, nhưng cả làng cùng đoàn kết lại thì sóng to gió lớn mấy cũng không thể đánh được ý chí giữ biển của ngư dân miền cát”. Việc chia cá, cho thấy làng biển có những trí khôn vô bờ chống chọi với thiên tai trên biển, nhưng đó cũng là cách để keo sơn, tạo ra năng lượng cố kết mỗi lần gặp biến cố địch cường.

Cứ ra phía mép biển, vào bất cứ làng biển nào ở Quảng Bình đều được nghe những viễn tục ngày xưa dội lại về một lòng nồng nàn nước non. Họ xem biển như bờ xôi ruộng mật, và tất thảy đều nguyện ước một lòng bền chắc, dù trải bao dâu bề thời cuộc, người làng biển vẫn giữ biển ngay trong từng huyết quản, họ giữ biển bằng tính mạng và văn hóa, bằng sức lực và tinh thần, dẻo dai như huyền thoại sử thi.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất