, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 06/02/2024, 06:00

Net zero & bản giao hưởng cho ngôi nhà xanh

NGUYÊN ĐOÀN
Khí quyển là ngôi nhà chung của nhân loại, đây là một sự thật. Nhưng đây cũng là sự thật đau lòng vì cho đến nay ngôi nhà chung đó vẫn đang chịu cảnh ô nhiễm trầm trọng. Các quốc gia toàn thế giới đã nhận ra điều này từ lâu, đã chịu ngồi lại với nhau và đã bàn với nhau rất nhiều về chuyện phải làm gì. Nhưng con đường phía trước hướng đến mục tiêu đạt cân bằng khí thải (net zero) vào năm 2050 hãy còn dài, rất dài!

Giữa tháng 12, báo chí trong nước lại báo động về nạn ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Trong một bản tin đăng ngày 13 tháng 12, báo Thanh Niên cho biết trong 40 ngày gần nhất, chỉ có một ngày chất lượng không khí ở Hà Nội đạt ngưỡng an toàn; ngược lại, có đến 22 ngày không khí ở mức xấu hay rất xấu và 17 ngày ở mức trung bình hay kém. Trong những ngày này, có lúc ô nhiễm không khí ở Hà Nội xếp vào loại xấu nhất thế giới, căn cứ vào thống kê của IQAir – ứng dụng theo dõi chất lượng không khí tại các thành phố trên toàn cầu.

Không hẹn mà gặp, ngày 13 tháng 12 cũng là ngày kết thúc Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu năm 2023 (COP28) tổ chức tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Hội nghị này, quy tụ gần 100.000 đại biểu từ khoảng 200 quốc gia toàn cầu, được xem là có quy mô và tầm quan trọng vào bậc nhất cho đến nay. Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn Việt Nam đến COP28 đã phát biểu một lần nữa khẳng định quyết tâm và hành động nhằm đối phó với vấn nạn biến đổi khí hậu.

"Bảng phong thần" ô nhiễm gọi tên ai?

Cũng vào đầu tháng 12, CNN đăng bài viết điểm mặt các quốc gia hiện đang thải vào khí quyển lượng khí nhà kính (bao gồm CO2) lớn nhất toàn cầu. Dựa vào số liệu của Climate Action Tracker (CAT), một tổ chức nghiên cứu độc lập, bài viết của CNN chỉ ra hiện trạng của nạn ô nhiễm do khí thải nhà kính trên toàn cầu, ai là thủ phạm đứng đằng sau và các tiến bộ cần phải đạt được trong thời gian tới.

Theo số liệu của CAT, năm 2022, các quốc gia thế giới thải vào bầu khí quyển khoảng 50 tỷ tấn mét (metric ton, gọi tắt là “tấn” trong bài này) khí CO2 quy đổi (hay MTCO2e, đơn vị tiêu chuẩn đo lường khí thải nhà kính – ngoài CO2 chiếm khối lượng lớn nhất, còn có nhiều loại khí khác như mêtan hay ôxít nitơ). Trong số đó, 20 nước “dẫn đầu” chiếm khoảng 83% lượng khí thải này với bốn “ông lớn”, gồm Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Liên Minh Châu Âu.

Năm ngoái, Trung Quốc là quốc gia gây ô nhiễm không khí nhiều nhất thế giới. Nước này thải ra khoảng 14,4 tỷ tấn khí CO2 quy đổi, chiếm xấp xỉ 30%. Tiếp theo sau trong “Top - 4” (bốn nước dẫn đầu như đã nói ở trên là Mỹ (6,39 tỷ tấn, gần 13%), Ấn Độ (3,52 tỷ, 7%) và Liên Minh Châu Âu (3,43 tỷ, 6,9%).

Tuy nhiên, nói đi rồi cũng nên nói lại. Các thông tin vừa nêu chỉ là một phần của bức tranh tổng thể minh họa vấn nạn này. Số liệu của CAT cũng cho thấy một hiện thực rất khác nếu tính lượng khí CO2 thải ra trên đầu người tại các quốc gia. Theo đó, Saudi Arabia mới là nước dẫn đầu về lượng khí CO2 quy đổi thải ra trên đầu người với 20,7 tấn. Tiếp theo sau là Úc (20,2 tấn), Mỹ (19 tấn), Canada (18,1 tấn) và Nga (14 tấn).

Trong “bảng phong thần” vừa kể, lượng khí CO2 quy đổi của Trung Quốc chỉ xấp xỉ phân nửa nước Mỹ (10,1 so với 19). Với 2,5 tấn, Ấn Độ ở ngưỡng thấp xa so với mức trung bình của thế giới.

Không vui là Việt Nam cũng có mặt trong danh sách những nước gây ô nhiễm không khí của CAT. Tuy nhiên, xét về số liệu đầu người, năm 2022, Việt Nam thải khoảng 4,5 tấn CO2 quy đổi, gấp đôi con số của Ấn Độ, nhưng chỉ bằng phân nửa Trung Quốc và bằng một phần tư nước Mỹ.

Chúng ta vẫn hay dùng thuật ngữ “các quốc gia phát triển” (developed country) để chỉ nhóm các nước giàu trên thế giới. Nhưng sự phát triển của họ dựa trên cái gì? Để phát triển họ đã cần hay vẫn còn cần các loại nhiên liệu chính gồm than đá, dầu hỏa và khí đốt. Các loại nhiên liệu này thải CO2 vào khí quyển làm trái đất nóng lên từ hàng trăm năm nay.

Bài viết trên CNN dẫn lời Taryn Fransen, giám đốc phụ trách khoa học, nghiên cứu và dữ liệu của Chương trình biến đổi khí hậu toàn cầu thuộc World Resources Institute (tạm dịch Viện Tài nguyên Thế giới), cho biết thủ phạm gây biến đổi khí hậu hiện nay không chỉ là lượng khí nhà kính thải ra trong một năm hiện hành mà thực ra là tổng lượng khí thải ra từ khi Cách mạng Công nghiệp bắt đầu vào thế kỷ 18. Như vậy, dù Trung Quốc là nước gây ô nhiễm số một thế giới trong năm qua, Mỹ mới là “thủ phạm chính” từ đó đến nay, theo Fransen.

Nhà khoa học này cũng cho rằng các nước phát triển phải chịu trách nhiệm về mặt lịch sử cho biến đổi khí hậu vì họ đã xây dựng sự giàu có và của cải dựa trên vấn nạn này. Do đó, các quốc gia nghèo hơn ở Nam bán cầu cũng có lý khi lập luận rằng các nước giàu phải gánh trách nhiệm lớn hơn trong việc cắt giảm khí thải nhà kính để đạt cân bằng khí thải (net zero) sớm hơn các quốc gia khác. Và đây cũng là vấn đề tranh cãi lớn nhất trong các hội nghị biến đổi khí hậu thế giới trong suốt 30 năm qua.

Không ai cả mà là tất cả

Khí quyển là ngôi nhà chung của nhân loại, đây là một sự thật không thể tranh cãi. Nhưng đó cũng là một sự thật đau lòng bởi lẽ cho đến nay ngôi nhà chung đó vẫn phải chịu cảnh “cha chung không ai khóc”.

Thực ra, các quốc gia cũng đã hành động để làm khí quyển sạch hơn. Nhưng còn lâu mới đủ! CAT phân tích các yếu tố – như thời gian thải khí và tài sản hiện nay của các quốc gia – đi đến một đề nghị họ phải cắt giảm bao nhiêu khí thải nhằm đóng góp “công bằng” giúp nhiệt độ toàn cầu giảm 1,5 độ – điều cần thiết làm giảm tác động của biến đổi khí hậu. Theo ý tưởng này, trong khi một số nước – như nước Mỹ chẳng hạn – đang “mắc nợ” vì họ đã đốt quá nhiều nhiên liệu hóa thạch trong lịch sử, một số quốc gia khác, như Nigeria, còn nhiều dư địa dù các nhà khoa học cảnh báo rằng mọi quốc gia đều cần cắt giảm khí thải.

Trong trường hợp Trung Quốc, lượng khí thải nhà kính tăng vọt vì nước này phụ thuộc rất lớn vào than đá để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, khí thải nhà kính ở Trung Quốc đang bắt đầu trở nên ổn định, dự kiến sẽ đạt đỉnh vào năm 2025, theo CAT. Cùng với Mỹ, Trung Quốc cũng cam kết phát triển năng lượng tái tạo và giảm lượng khí thải nhà kính.

CNN dẫn lời Pierre Friedlingstein, giáo sư khí hậu học tại Đại học Exeter, Anh Quốc, cho biết Trung Quốc hiện là quốc gia phát triển năng lượng tái tạo nhanh nhất trên thế giới dù vẫn đang bổ sung các nhà máy điện than.

Trong khi đó, lượng khí thải nhà kính tại Mỹ và Liên minh Châu Âu tiếp tục giảm bớt khi họ đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách về khí hậu. Năm ngoái, Tổng thống Mỹ Biden ký ban hành luật giảm lạm phát, trong đó một phần liên quan đến nỗ lực sản xuất nguồn năng lượng trong nước và đẩy mạnh năng lượng tái tạo. Châu Âu cũng có tham vọng với các dự án tăng tốc năng lượng sạch của mình.

Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng con đường trước mặt còn rất dài bởi lẽ Mỹ và Liên minh châu Âu đều phải khắc phục tình trạng thải khí còn quá cao để đạt mục tiêu đạt cân bằng vào năm 2050.

Giải thích thêm về trường hợp “đầu bảng” của Mỹ và Liên minh Châu Âu, CNN dẫn lời Niklas Hohne, chuyên gia khí hậu tại NewClimate Institute đang làm việc cho dự án của CAT. Theo Hohne, vị trí của Mỹ và châu Âu là do trách nhiệm nặng nề trong lịch sử phát khí thải của họ trong suốt gần 200 năm qua. “Họ đang mắc nợ (và phải trả)”, Hohne cho biết thêm.

Ấn Độ, quốc gia thường bị xếp vào chung nhóm với Trung Quốc, dù thực tế rất khác. Vẫn còn ở giai đoạn đầu trên quỹ đạo phát triển, về mặt lịch sử, nước này “đóng góp” không đáng kể vào ô nhiễm khí quyển. Hơn 1,4 tỷ người Ấn có lượng khí thải đầu người thấp hơn nhiều so với Trung Quốc. Dĩ nhiên, để phát triển kinh tế, Ấn Độ cũng phải thải khí nhiều hơn. Trong khi đang đầu tư đáng kể vào năng lượng tái tạo, Ấn Độ vẫn đang dựa rất nhiều vào than đá.

Có nhiều cách để xem xét sự đóng góp công bằng của một quốc gia vào trách nhiệm cắt giảm khí thải. Tính toán nêu trên của CAT chỉ là một cách để có thể “định lượng” trách nhiệm đó. Không hề có một câu trả lời duy nhất cho câu hỏi ai phải làm gì. “Đó không phải là vật lý. Đó không phải là toán học. Và cũng không phải là khoa học về khí hậu. Đó là quyết định, chính sách và ngoại giao”, theo Friedlingstein.

Trở lại với trường hợp Việt Nam. Cách đây vài tuần, tại COP28, Thủ tướng Phạm Minh Chính tái khẳng định cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu trên tinh thần “nói là làm”. Thật vậy, lợi ích của mục tiêu “net zero” là khôn cùng. “Cân bằng khí thải” không chỉ mang lại môi trường sống tốt hơn cho con người, mà còn là cách hữu hiệu để bảo vệ ngôi nhà chung, nơi mọi sinh vật hít thở cùng một bầu không khí dưới ánh mặt trời. Chúng ta đã nói nhiều về các lợi ích này, giờ đã đến lúc phải làm trước khi quá muộn.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm





Một trận mưa xối xả, ào ạt khiến không gian ở quê trở nên mát lành hơn bao giờ hết.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất