, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 18/12/2020, 14:03

Nếu không bảo tồn có chiến lược hơn, Mekong hùng vĩ sẽ không còn!

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Brian Eyler đã khảo sát từ thượng nguồn đến hạ nguồn của sông Mekong để kể những câu chuyện trữ tình và ám ảnh về những người phụ thuộc vào tài nguyên nơi đây trong cuốn sách Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ (tên gốc: Last Days of the Minghty Mekong, Nguyễn Đình Huỳnh dịch, Phanbook và Nxb Phụ nữ, 2020). 

Thông qua câu chuyện sinh kế của các cộng đồng cư dân chịu tác động bởi chính sách khai thác và tái định hình môi trường dòng sông này, ông đưa ra các giải pháp hợp lý, và cũng cảnh báo nếu những kịch bản tốt lành không xảy ra…

Ông nhấn mạnh rằng, các kho báu độc đáo của sông Mekong đang gặp nguy hiểm. Nếu chúng ta không bắt đầu ngay hôm nay, xem dòng sông và cảnh quan xung quanh như một hệ thống kết nối và cùng nhau hành động để bảo tồn, ngày tàn của dòng Mekong hùng vĩ chắc chắn sẽ đến. Từ Hoa Kỳ, ông trả lời phỏng vấn chúng tôi qua e-mail.

 

Sông Mekong chảy qua những vùng núi non hẻo lánh, nguy hiểm nên chắc chắn quá trình nghiên cứu để viết Last Days of the Minghty Mekong vô cùng khó khăn. Ông có thể chia sẻ với độc giả một số kỷ niệm vui, buồn về hành trình ấy?

Tôi thuê một chiếc xe máy ở Pakse để đi nghiên cứu ở Siphandone, Lào (khu vực 4.000 đảo) và một người Canada sống ở Pakse tên là Gerry Duckitt đã giúp tôi. Biết tôi muốn nắm bắt một loạt vấn đề đang diễn ra dọc biên giới Lào với Campuchia, anh ấy nhớ đến một ngôi làng biên giới dọc theo một nhánh nhỏ của sông Mekong - nơi nổi tiếng với việc sử dụng các phương pháp bảo tồn đa dạng sinh học truyền thống. Nhưng anh ấy chưa bao giờ đến đó. Chúng tôi đã dành gần như cả ngày để tìm kiếm ngôi làng và cuối cùng tìm ra nó vào lúc hoàng hôn. Chúng tôi đi tìm trưởng làng, tìm thức ăn và chỗ qua đêm trước khi trời tối mịt. Chỉ một giờ sau, chúng tôi đã được ngồi trong một vòng tròn với những người dân địa phương, chuyền xoay vòng một chiếc cốc để uống bia Lào và trò chuyện… Hôm sau, chúng tôi đi xe máy đến đảo Khong gần thác Khone Phaepeng và dùng một chiếc phà để đi ra đảo. Phà là một chiếc thuyền rất hẹp chỉ đủ chỗ cho ba người và hai xe máy, và tôi suýt nữa đã lái chiếc xe máy ra khỏi phà, lao xuống sông!

Tôi đã đưa những khoảnh khắc đáng nhớ trên đường đi cùng câu chuyện của nhiều người bạn lâu năm vào cuốn sách. Chuyện ngồi ven sông trò chuyện với Khru Tee của trường Mekong ở huyện vùng biên Chiang Khong, Thái Lan; chơi guitar với Jib ở Tam giác vàng; tìm hiểu về cách hoạt động đa canh tại trang trại nhỏ của ông Lê Hoàng Thanh ở Cần Thơ và Giáo sư Nguyễn Minh Quang từ Đại học Cần Thơ là những điểm nổi bật.

 

Ông nói rằng mình thích nhất chương 7, là chương viết về tác động của dự án thủy điện Don Sahong đối với người dân Siphandone. Tại sao?

Tôi không thể nói đó là chương yêu thích của tôi vì nội dung quá ảm đạm, nhưng quả thực chương đó chứa đựng những kỷ niệm mà tôi yêu thích. Tôi tự hào nhất phần viết về Tonle Sap (chương 9) vì tôi đã tốn nhiều tháng để tìm ra những từ phù hợp mô tả một loạt vấn đề phức tạp đe dọa trái tim đang đập của sông Mekong. Chương này là sự kết hợp giữa việc kể chuyện và đi sâu tìm hiểu về khoa học các quá trình sinh thái làm cho sông Mekong hùng vĩ. Tôi thường nói nếu hiểu Tonle Sap thì bạn có thể hiểu Mekong.

Những đập thủy điện dày đặc phá nát sông Mekong hầu như đã là chuyện không thể thay đổi. Nhưng theo ông, cộng đồng cư dân sống hai bên bờ sông có thể làm gì để góp phần bảo tồn sự đa dạng sinh học của dòng sông này? Trong quá trình nghiên cứu ông thấy mô hình hoạt động cộng đồng nào ấn tượng nhất?

Ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, có nhiều lựa chọn sẽ giúp cộng đồng thích ứng với tình trạng bất định trong tương lai, bất kể các đập đang làm gì ở thượng nguồn. Chắc chắn các hoạt động của đập trên dòng chính ở Trung Quốc và Lào tác động đến dòng chảy của nước sông khi xuống đồng bằng và góp phần vào việc xâm nhập mặn, phá hủy các đê dọc theo sông. Tuy nhiên, đa canh - sử dụng đầu vào tự nhiên và chu trình canh tác khép kín - để tạo ra sản phẩm có giá trị cao là một hướng đi cho đồng bằng.

Chương cuối cuốn sách kể về câu chuyện của ông Lê Hoàng Thanh, chủ một trang trại nhỏ ở cách trường Đại học Cần Thơ chỉ vài kilomet, mà tôi gặp lần đầu vào năm 2016. Gần 20 năm trước, ông đã chuyển đổi 0,5ha đất của mình thành một dự án đa canh, và cùng với Giáo sư Nguyễn Minh Quang từ Đại học Cần Thơ, ông huấn luyện những nông dân khác thực hiện quá trình chuyển đổi. Trang trại sau nhà ông có hai cái ao được cây đước bao quanh nuôi đầy cá chép, cá rô phi, ốc và bèo cái. Bao quanh các ao và ngôi nhà của ông là 80 cây trĩu quả gồm bưởi, sầu riêng và bòn bon.

Mọi sản phẩm của trang trại đạt tiêu chuẩn hữu cơ và hệ thống của ông hoàn toàn khép kín, nghĩa là không mang gì từ bên ngoài vào trang trại, không sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học hay thuốc kháng sinh để duy trì năng suất. Ông tự hào ốc và cá của ông ngon nhất Cần Thơ. Ông tạo ra khí sinh học từ chất thải của quá trình canh tác để cung cấp gas dùng nấu ăn và thậm chí chạy máy điều hòa không khí trong những tháng nóng.

Ông Thanh nói với tôi: “Tôi thực sự thích hệ thống này. Nó có thể tự vận hành. Có khi vài tuần tôi chẳng để ý đến nó.” Với diện tích không lớn ấy ông vẫn kiếm được từ 5.000USD đến 6.000USD mỗi năm. Con số này đặc biệt ấn tượng so với ông Diệp, một nông dân trồng mía ở xã An Thạnh, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng khi một năm chỉ kiếm được 1.000USD từ 180ha đất trồng mía. Thanh là một trong những nông dân thành công và giỏi giang nhất tôi gặp trong tất cả các chuyến đi đến vùng sông Mekong. Thanh đại diện cho tinh thần đổi mới thúc đẩy Việt Nam tiến lên trên sông Mekong.

 

Theo ông, Việt Nam nên làm gì để đóng góp vào việc bảo tồn sự đa dạng sinh học, đa dạng văn hóa của sông Mekong?

Tôi cho rằng Việt Nam cần tham gia các chương trình mang tính chiến lược hơn với Campuchia và Lào nhằm giảm số lượng đập được xây dựng tại các nước này trong tương lai thông qua việc thúc đẩy các lựa chọn đầu tư khác. Năm ngoái, Việt Nam đã ký hợp đồng cho các dự án năng lượng mặt trời gần 30.000 MW. Không ai có thể đoán được câu chuyện thành công như vậy dù chỉ ba năm trước. Thành công này có thể được chuyển giao cho Campuchia và Lào để các nước này sẽ xây dựng ít đập hơn, nhờ đó giảm tác động của các đập đối với đồng bằng sông Cửu Long. Đó là một chiến lược đôi bên cùng có lợi, sẽ giúp Nghị quyết 120 của Việt Nam ban hành vào cuối năm 2017 về “Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu” thực sự có hiệu quả.

Nghị quyết 120 thôi coi trọng việc sản xuất lúa gạo và kêu gọi các giải pháp căn cơ để chuyển vùng đồng bằng sang con đường phát triển bền vững hơn, hứa hẹn sẽ khôi phục các điều kiện tự nhiên cho vùng châu thổ và khuyến khích việc sản xuất các sản phẩm có giá trị cao. Đây là những khát vọng có thể đạt được, nhưng chúng chỉ khả thi nếu có một chính sách đối ngoại thông minh hoạt động để đạt được đồng thời những mục tiêu này.

Sông Mekong dài 4.300km, chảy qua hay tạo thành đường biên giới của Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Sông bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng, hơn nửa chiều dài sông chảy qua Trung Quốc và ở nước này người ta gọi nó là sông Lan Thương. Hạ nguồn của sông là 200km chạy qua vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam trước khi đổ ra biển.

Hơn 60 triệu người sống trong lưu vực sông Mekong, gồm phần lớn dân số Lào và Campuchia, 1/3 của 65 triệu dân Thái Lan, 1/5 của 90 triệu dân Việt Nam; phần sông thuộc Trung Quốc có dân cư thưa thớt trừ Cảnh Hồng, thủ phủ của châu tự trị dân tộc Thái Xishuangbanna, thành phố lớn thứ ba nằm dọc theo bờ sông có dân số 500.000 người. Xuôi theo dòng sông sẽ thấy phần lớn cư dân gần bờ sông sống trong những ngôi làng và thị trấn nhỏ có vài trăm hay vài ngàn dân. Trung bình một người dân nông thôn trong lưu vực sông Mekong đánh cá, trồng lúa hay hoa màu có thu nhập khoảng 800USD/năm. Các nhà nghiên cứu nghề cá trên sông Mekong đã xác định hơn 1.000 loài đặc hữu của con sông này, trong đó có hơn 700 loài di trú. Không dòng sông nào trên trái đất có nhiều cá di trú hơn sông Mekong. Nguồn thức ăn dồi dào do lũ sông Mekong mang lại đã tạo ra một số loài cá lớn nhất thế giới như loài cá trê Mekong khổng lồ và loài cá đuối nước ngọt khổng lồ, cũng như các động vật có vú sống dưới sông như loài cá heo nước ngọt. Nguồn dinh dưỡng dồi dào có được nhờ chu kỳ lũ lụt hằng năm tạo điều kiện cho những quần thể cực lớn của nhiều loài cá.

Nhưng sông Mekong đang bị băm nát bởi 180 con đập trên dòng chính và các sông nhánh. Hiện tại Trung Quốc đang vận hành 10 đập và thêm 09 đập khác dự kiến hoàn thành trước năm 2030. Lào có kế hoạch xây 09 đập trên dòng chính sông Mekong và dự trù xây hơn 130 đập ở các sông nhánh. Campuchia cũng có kế hoạch xây 02 đập trên dòng chính và một loạt đập trên sông nhánh. Các đập sẽ tác động hủy diệt các loài cá di cư và sinh kế của ngư dân địa phương. Điều đó khiến ngành đánh bắt cá ở đây lâm nguy và an ninh lương thực cho hàng triệu người sống trong phạm vi vài kilomet quanh dòng sông bị ảnh hưởng. Để xây đập, các công ty xây dựng đã đốn sạch những khu rừng mênh mông và cưỡng bức hàng trăm ngàn người tái định cư. Điều này sẽ đe dọa hủy hoại kết nối văn hóa. Một nghiên cứu của các học giả ở Đại học Quốc gia Úc thực hiện vào năm 2012 cho rằng với 11 đập trên dòng chính, người Campuchia sẽ mất tới 60% lượng protein và người Lào mất 24%. Tính thêm các đập sông nhánh, tổng tổn thất ở Lào có thể lên tới 43% và ở Campuchia tới 100% do các tác động lên hồ Tonle Sap.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất