, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 31/05/2022, 14:13

Nga nỗ lực bảo tồn loài hổ

QUẾ ANH – THANH THỂ
(nhandan.vn)
Nga đang đạt nhiều thành quả tích cực trong công tác bảo tồn loài hổ Amur, vốn có tên trong Sách Đỏ quốc tế. Số lượng các cá thể hổ tăng lên hằng năm là kết quả của những giải pháp toàn liên bang, trong đó phải kể đến sự vào cuộc tích cực của các tổ chức xã hội Nga và người dân.
Một chú hổ Amur trong công viên Safari Primorsky. (Ảnh: Thanh Thể)

Thả con hổ thứ 14 về rừng

Ngày 27/05, sau 3 tháng phục hồi, thêm một con hổ Amur được thả về rừng taiga. Lần này là tại khu bảo tồn “Taezhny” ở Krasnoarmeysk, vùng Primorye (Nga). Ngôi nhà mới của nó có lượng lớn động vật móng guốc và cách xa các khu dân cư. Từ năm 2013, đây là con hổ thứ 14 được các chuyên gia Nga thả về tự nhiên.

Việc thả hổ được thực hiện với sự hỗ trợ của Trung tâm Hổ Amur, Bộ Lâm nghiệp và bảo vệ động vật hoang dã vùng Primorye, cùng Trung tâm Phục hồi chức năng hổ và động vật quý hiếm khác.

Thả hổ về tự nhiên. (Ảnh cắt từ clip)

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân tại địa điểm thả hổ, Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Lâm nghiệp và bảo vệ động vật hoang dã vùng Primorye, ông Alexey Surovy cho biết, khi chọn nơi thả hổ, cần tính đến nhiều yếu tố, như khu vực xa khu dân cư, đủ thức ăn, được bảo vệ tốt và không có những con hổ đực khác. Khu bảo tồn “Taezhny” đáp ứng các yêu cầu trên.

Hổ được cho vào lồng vận chuyển và đưa đến nơi thả. Nó cũng được đeo vòng cổ truyền tín hiệu để các chuyên gia tiếp tục theo dõi chuyển động từ xa. Việc quan sát hổ trong tự nhiên sau khi thả nhằm kiểm tra sự thích nghi của hổ và ngăn chúng tái diễn các hành vi xung đột.

Trước đó, hồi tháng 02/2022, các chuyên gia đã quyết định bắt con hổ trên và đưa vào trung tâm phục hồi chức năng, sau khi có thông tin nó tấn công chó chung quanh làng Verkhniy Pereval trong vùng Primorye. Tuổi đời con hổ khoảng 20 - 24 tháng.

Nhổ răng gãy cho hổ. (Ảnh: Trung tâm Hổ Amur)

Ông Sergey Aramilev, Tổng Giám đốc Trung tâm Hổ Amur cho biết, con hổ có một vết rách trên bàn chân trước và bị gãy một chiếc răng nanh. Trong quá trình điều trị, vết thương trên bàn chân được khâu lại và sớm lành. Chiếc răng nanh được nhổ bỏ. Tại trung tâm phục hồi chức năng, con hổ thể hiện được khả năng săn mồi độc lập, bí mật ẩn nấp khi thấy sự hiện diện và các dấu hiệu hoạt động của con người.

Các chuyên gia Nga đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc phục hồi chức năng và tái đàn cho hổ Amur. Những con hổ được đưa về trung tâm là những cá thể bị thương, mắc bệnh hoặc gặp các yếu tố khác đe dọa tính mạng, các tình huống xung đột, như xâm nhập các khu dân cư, tấn công trang trại và vật nuôi.

Trong thời gian phục hồi chức năng trước khi được thả về tự nhiên, hổ được bảo đảm có thể săn mồi độc lập và được rèn kỹ năng tránh xa người dân, cũng như cảnh giác với các hoạt động của con người.

 Kiểm tra công tác thả hổ. (Ảnh: Thanh Thể)

Tăng cường các nỗ lực bảo tồn hổ

Hổ Amur được coi là một trong những biểu tượng của vùng Viễn Đông Nga. Vào giữa thế kỷ 20, việc săn bắn hổ Amur một cách mất kiểm soát đã dẫn đến hậu quả tiêu diệt gần như hoàn toàn quần thể. Năm 2013, theo sáng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Trung tâm Hổ Amur được thành lập, nhằm bảo vệ và mở rộng môi trường sống của loài vật săn mồi này.

Với sự hỗ trợ của Trung tâm Hổ Amur, các nhân viên, chuyên gia của cơ quan bảo vệ động vật hoang dã được trang bị công nghệ mới nhất. Mỗi đội phản ứng nhanh được cấp phương tiện đi lại và đồng phục, thiết bị đặc biệt, vũ khí và các tiện ích kỹ thuật số. Ngoài ra, các trạm thực địa khoa học cũng được xây dựng trong khu vực rừng taiga, phục vụ công việc bảo tồn loài động vật quý hiếm.

Với những trang thiết bị tiên tiến giám sát săn bắn, các vụ săn trộm đã giảm mạnh. Theo ước tính, 10 năm trước, mỗi năm khoảng 50-70 con hổ chết dưới tay những kẻ săn trộm. Hiện tại, con số này chỉ là 10 - 15 cá thể.

Nỗ lực bảo tồn loài hổ Amur tại Nga cũng được thể hiện bằng việc chăm sóc, bảo vệ loài vật này trong các công viên, vườn thú, nhằm giới thiệu đến đông đảo người dân.

Công viên Safari Primorsky tại vùng Primorye mở cửa cho khách năm 2007. Với diện tích 16ha cùng cảnh quan tuyệt đẹp, công viên cho phép du khách ngắm nhìn các loài động vật trong điều kiện gần gũi nhất với tự nhiên. Trong công viên Safari hiện có 5 chú hổ, thu hút sự quan tâm lớn của người dân.

Người dân đến công viên Safari Primorsky xem hổ. (Ảnh: Thanh Thể)

Bác sĩ thú y, hướng dẫn viên Công viên Safari, ông Oleg Nikonov cho biết, hổ được xem là bảo vật thật sự của đất nước và đang được bảo vệ nghiêm với chương trình toàn liên bang. Hiện có khoảng 600 cá thể hổ Amur (khoảng 90% tổng số trên thế giới) sống ở các khu vực tại Viễn Đông (Nga). Con số này tiếp tục tăng lên.

Ra ngoài phạm vi công viên, tại Vladivostok, thủ phủ vùng Viễn Đông (Nga), sự xuất hiện của những tượng hổ, các hình vẽ về loài vật quý hiếm này trên các bức tường lớn cũng tạo ra ấn tượng mạnh cho du khách về quyết tâm bảo tồn loài hổ Amur tại “xứ sở Bạch dương”.

Đặc biệt, việc phục hồi chức năng và tái đàn sẽ là những chủ đề quan trọng được thảo luận tại Diễn đàn quốc tế lần thứ 2 về bảo vệ hổ, theo kế hoạch được tổ chức tháng 9 tới tại Vladivostok. Các đại biểu sẽ cùng nhau thảo luận về các biện pháp nhằm bảo vệ loài động vật ăn thịt quý hiếm này, trong bối cảnh bài toán phát triển kinh tế ở các vùng lãnh thổ đang dẫn đến gia tăng các tình huống xung đột giữa hổ và người.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất