, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 27/09/2022, 19:00

Ngắm Nha Trang từ núi Phượng Hoàng

ĐÀO THỊ THANH TUYỀN
Thành phố Nha Trang có một đặc điểm mà ít ai chú ý, đó là tứ bề nhìn thấy núi. Đặc biệt, có một ngọn núi khá cao, có thể nhìn bao quát cảnh đẹp của Nha Trang và vùng Diên Khánh mà ít du khách chú ý tìm đến, đó là núi Phượng Hoàng.
Từ núi Phượng Hoàng nhìn ra biển.

Đến Nha Trang, nếu hỏi núi Phượng Hoàng ở đâu có thể người địa phương sẽ lúng túng, nhưng nếu bạn hỏi đường về chùa Suối Ngổ, bạn sẽ được chỉ dẫn tận tình.

Chùa Suối Ngổ, có tên gọi là Linh Chi Sơn Tự, nằm trên núi Phượng Hoàng. Đọc trong “Xứ Trầm Hương” của Quách Tấn xuất bản năm 1969 thì chùa “Cất trên triền núi, phía đông Suối Ngổ, mặt ngó vào Nam, kiểu thức không có gì đặc biệt, quy mô không lấy gì làm rộng lớn nhưng có tiếng rất linh thiêng. Người đau đến cầu thường khỏi. Người có tai nạn đến cầu thường qua. Và những lá xăm của chùa cho thì luôn linh ứng…”.

Có nhiều đường đến núi Phượng Hoàng. Tiện nhất là theo Quốc lộ 1A từ ngã ba Rù Rì về hướng Thành, Diên Khánh, đến Đá Lố hỏi đường lên núi. Cũng có thể đi từ Ngọc Hiệp, băng qua Vĩnh Phương rồi ra Quốc lộ 1A, đi một đoạn ngắn là đến ngã rẽ lên núi, bên tay phải. Đường lên núi hiện nay dễ đi hơn so với nhiều năm trước. Xe máy có thể chạy một mạch lên đến chùa.

Tuy nhiên, do đường quanh co, khúc khuỷu, nhiều dốc đứng nên tay lái phải thật vững. Với nhiều bạn trẻ, đi bộ lên núi cũng là một trải nghiệm thú vị, có thể ngắm TP Nha Trang qua nhiều góc nhìn. Gần 5km đường lên núi, hai bên cây xanh mát mẻ. Càng lên cao khí hậu càng dịu mát.

Từ núi Phượng Hoàng nhìn về huyện Diên Khánh.

Đứng trên núi Phượng Hoàng nhìn xuống bên dưới là TP Nha Trang và một phần của huyện Diên Khánh với 2 nhánh sông uốn lượn quanh các cánh đồng, vườn cây xanh mát. Đây là điểm săn mây, săn mặt trời mọc - lặn của giới nhiếp ảnh và du khách; là điểm mà Quách Tấn đã viết trong “Xứ Trầm Hương” nửa thế kỷ trước: “Dòng suối phát nguyên trên đỉnh Hòn Én, chảy quanh co theo sườn núi, khuất trong đá, trong cây. Khi đã ló dạng ra ngoài và cách chân núi chừng mười thước, suối tuôn thẳng xuống hồ (…) Chung quanh hồ và hai bên bờ suối, rau ngổ mọc đầy, mùi hương bay thơm ngát. Người địa phương thường đến hái bán. Do đó, suối mệnh danh là Suối Ngổ…”.

Hôm ấy, sau khi trải qua 20 phút cảm giác mạnh vượt những khúc cua đèo dốc bằng xe máy, chúng tôi đến sân chùa rồi theo đường mòn nhỏ lên đến mặt bằng cao nhất đã được khai phá và nhìn xuống bên dưới. TP Nha Trang hiện ra và xa hơn là biển xanh ngăn ngắt. Những dãy núi nằm như xếp lên nhau theo một thứ tự từ nhỏ đến lớn kéo ra tít mãi chân trời rồi chìm khuất trong cái nền màu xanh không phân biệt được mây hay mặt biển. Phía Diên Khánh, dòng sông Cái uốn lượn, loang loáng ánh bạc chảy giữa những cánh đồng, những thôn xóm nho nhỏ nép mình sau những vườn cây, những lũy tre.

Nha Trang dưới cầu vồng.

Chiều xuống nhanh, nắng vàng tắt dần, bắt đầu từ trong đất liền rồi mới loang ra phía biển. Nắng tắt tới đâu, ánh đèn điện hiện lên tới đó, chỗ nhấp nháy, chỗ sáng xanh, chỗ vàng đỏ, cứ như bầu trời sao mọc ngược. Hôm đó là ngày trăng. Chúng tôi nán lại chờ. Và khi nắng đã tắt hẳn, bóng tối hiện ra thì từ phía đường chân trời, trăng lên. Bắt đầu là màu đỏ nhạt, đậm dần rồi chuyển sang vàng và cuối cùng thành một màu trắng vàng sáng tỏ treo lơ lửng. Biển hiện ra trong đêm, dưới ánh trăng, lóng lánh như dát bạc.

Dòng sông Cái quanh Nha Trang.

Nếu có dịp đến Nha Trang, bạn đừng quên tìm đến núi Phượng Hoàng viếng Phật và vãn cảnh ở Linh Chi Sơn Tự trước khi lên đỉnh núi ngắm biển, ngắm mặt trời mọc - lặn và ngắm trăng đêm vô cùng kỳ ảo…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất