, //, :: GTM+7

Ngân hàng đẩy nhanh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%

TRẦN TRỌNG TRIẾT
Hiện nay, các ngân hàng đang tích cực vào cuộc, triển khai nhanh Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỉ đồng theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Gói hỗ trợ lãi suất 2%

Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% là một trong nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng. Với chi phí thấp, khách hàng có thể tận dụng thời cơ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, góp phần kích thích cả phía cung và cầu, tạo nền tảng để tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ theo hướng bền vững hơn. 

Theo Thông tư 03/2022/TT-NHNN, ngân hàng thương mại lựa chọn thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng theo một trong hai phương thức: giảm trừ trực tiếp số lãi tiền vay phải trả của khách hàng bằng với số tiền vay được hỗ trợ lãi suất; hoặc ngân hàng có thể thực hiện thu của khách hàng toàn bộ lãi tiền vay trong kỳ và hoàn trả khách hàng số tiền lãi vay được hỗ trợ lãi suất trong cùng ngày thu lãi.

Về xác định hạn mức hỗ trợ lãi suất, các ngân hàng thương mại đăng ký kế hoạch hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho cả hai năm 2022 và 2023. 

Trường hợp tổng số tiền trong kế hoạch đăng ký nhỏ hơn hoặc bằng 40.000 tỉ đồng, NHNN xác định hạn mức hỗ trợ lãi suất đối với từng ngân hàng thương mại theo đăng ký. Trường hợp lớn hơn 40.000 tỉ đồng, NHNN xác định hạn mức hỗ trợ lãi suất đối với từng ngân hàng thương mại.

Triển khai nhanh và quyết liệt 

Theo Nghị định 31, Thông tư 03, có 26 loại hình đối tượng được hỗ trợ lãi suất với nhiều đối tượng chi tiết. NHNN đã tổ chức Hội nghị triển khai, quán triệt và nhiều ngân hàng thương mại đã có phương án triển khai gói hỗ trợ.

BIDV cam kết thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất cho mọi khách hàng đáp ứng điều kiện theo quy định. Hiện ban lãnh đạo ngân hàng đang chỉ đạo tập trung rà soát toàn hệ thống, để xác định chính xác và đầy đủ số lượng khách hàng, khoản vay trong cả hai năm.

Agribank cũng đang khẩn trương rà soát lại đăng ký kế hoạch hỗ trợ, đồng thời công khai, minh bạch đến khách hàng thuộc đối tượng và không thuộc đối tượng. Đặc biệt, Ngân hàng cũng rà soát ngay các khoản đã ký thỏa thuận và giải ngân từ ngày 1/1/2022 đến ngày 20/5 ký thỏa thuận bổ sung trong tháng 5/2022. 

Đến thời điểm này, VietinBank đã lên sơ bộ danh sách, dự thảo các văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện các chương trình hỗ trợ lãi suất được thông suốt trong hệ thống. Theo thống kê, dư nợ tín dụng của các nhóm ngành được thụ hưởng lãi suất ưu đãi từ chương trình trong năm 2022 - 2023 chiếm khoảng 30% dư nợ của ngân hàng. 

Các ngân hàng khác đều đang nghiên cứu kỹ để tổ chức triển khai tại hệ thống, đảm bảo chương trình được thực hiện công khai, minh bạch…

Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, các ngân hàng cũng đặt vấn đề tăng “room” tín dụng, bởi “room” tín dụng đã gần hết. Việc này cho thấy nền kinh tế khởi sắc, đang đà phát triển nên nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng lên. Nới “room” chắc chắn là cần thiết để các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn. 

Tuy nhiên, mục tiêu của NHNN là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, do đó chủ trương nới “room” phải dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá thận trọng, linh hoạt vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa kềm chế lạm phát trong bối cảnh toàn cầu có nhiều biến động…

Một trong những nguyên tắc hỗ trợ lãi suất là không hạ chuẩn cho vay. Doanh nghiệp khi vay phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật, ngân hàng phải thẩm định đánh giá hiệu quả dự án chặt chẽ chứ không viện lý do hỗ trợ doanh nghiệp đang khó khăn.

Tín dụng hỗ trợ sản xuất phục hồi

Số liệu thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cho thấy, đến thời điểm 27/5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 11 triệu tỉ đồng, tăng 7,75% so với cuối năm 2021. Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Trong đó một số lĩnh vực gặp khó khăn thời gian qua hiện cũng có mức tăng trưởng tín dụng khá cao. Chẳng hạn, tín dụng vận tải, du lịch, dịch vụ tăng 8,25%, tín dụng công nghiệp phụ trợ tăng trên 7,6%...

Điều này cho thấy, dòng vốn từ hệ thống ngân hàng đang tập trung mạnh vào khu vực sản xuất, kinh doanh. Sức hấp thụ vốn vay của cộng đồng doanh nghiệp tỷ lệ thuận với sự phục hồi ở nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực.

Tại TP.HCM thời gian qua, sự nỗ lực của hệ thống ngân hàng đã tạo điều kiện để thị trường lao động phát triển thông qua việc đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho nền kinh tế và cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Chẳng hạn, dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP.HCM trong 5 tháng đầu năm nay tăng 27,1% so với cuối năm 2021, với trên 3.700 doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn; tín dụng cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP.HCM chiếm gần 60% tổng dư nợ của chi nhánh. Những con số này cho thấy ngành Ngân hàng đã hỗ trợ tích cực cho việc phục hồi sản xuất và kết nối thị trường hàng hóa, lao động việc làm.

Theo NHNN chi nhánh Cần Thơ, trong hai tháng đầu quý 2, tốc độ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn khá tích cực, mang lại hiệu quả cao. Cụ thể, ước tính đến hết tháng 5/2022, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng tại Cần Thơ đạt gần 133.000 tỉ đồng, tăng khoảng 10,02% so với đầu năm. Trong đó, hầu hết dòng vốn đều hướng vào khu vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên và các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế thời kỳ hậu Covid-19.

NHNN chi nhánh TP Cần Thơ hiện đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn Nghị định 31/2022 của Chính phủ. Theo đó, các ngân hàng đều đã rà soát khoản vay và sẵn sàng hỗ trợ lãi suất, đồng thời cho vay mới đảm bảo đủ vốn cho các nhu cầu vốn lưu động, đầu tư lại chuỗi giá trị sản phẩm.

Thông tin từ NHNN chi nhánh Tiền Giang cho thấy, tính đến giữa quý II/2022, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt khoảng 78.500 tỉ đồng, tăng 8,56% so với cuối năm 2021. Cơ cấu tín dụng tập trung mạnh nhất vào 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên (chiếm tỉ trọng 52,33% trong tổng dư nợ cho vay). Trong đó, nông nghiệp - nông thôn có tốc độ tăng trưởng tín dụng mạnh nhất 9,19%. Sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp nhóm sản xuất kinh doanh, xuất khẩu có tăng trưởng vượt bậc.

Theo kết quả điều tra của Vụ Dự báo Thống kê (NHNN), 56,7% các tổ chức tín dụng kỳ vọng trong quý II/2022 kết quả kinh doanh sẽ tăng trưởng. Hầu hết các ngân hàng kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng tiếp tục tăng, trong đó nhu cầu vay vốn sẽ tăng nhiều hơn so với nhu cầu gửi tiền và thanh toán.

Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4,8% trong quý II/2022 và tăng 14,1% trong năm 2022. Điều này cũng củng cố các nhận định cho rằng dòng vốn ngân hàng đang “chảy đúng mạch” vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các chương trình hỗ trợ phục hồi nền kinh tế của đất nước.

Tags

Bình luận


user-avt

Triết Trần

17:08, 06/08/2022

Bài viết của tác giả hay kì vọng gói hỗ trợ được thực hiện sớm.

Xem thêm bình luận
Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Được phát động vào năm 2013, dự án Con đường tơ lụa mới bao gồm khía cạnh nông nghiệp cho phép đẩy nhanh chiến lược an ninh lương thực của Trung Quốc.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất