, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 14/10/2021, 09:14

Ngân hàng đồng hành cùng ngành lúa gạo

MINH HUY
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, đến cuối tháng 7/2021, dư nợ ngành lúa gạo đạt gần 145.000 tỷ đồng, tăng 11,33% so với cuối năm 2020.
Nông dân thu hoạch lúa. Ảnh: Mỹ Lệ

Riêng tại các tỉnh ĐBSCL, từ đầu năm 2021 đến nay, các tổ chức tín dụng đã cấp khoảng 56.000 tỷ đồng hạn mức tín dụng cho các DN, thương nhân thu mua, tạm trữ lúa gạo và đã giải ngân với tổng doanh số lũy kế 93.000 tỷ đồng để thu mua gần 7,3 triệu tấn gạo. Dư nợ tín dụng thu mua, tiêu thụ đến cuối tháng 8/2021 ước đạt 51.500 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2020, chiếm 92% hạn mức được cấp. 

Tại Hội nghị trực tuyến bàn về giải pháp của ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành lúa gạo tại khu vực ĐBSCL, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, với vai trò, ý nghĩa đóng góp quan trọng của ngành lúa gạo với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, ngành ngân hàng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của thương nhân kinh doanh, đầu tư, chế biến thóc, gạo, người sản xuất lúa với thời hạn và lãi suất hợp lý. NHNN đã chỉ đạo các NHTM tập trung mở rộng hạn mức tín dụng, tăng thêm vốn để cho DN và thương nhân vay để đảm bảo đủ nguồn vốn thu mua, tạm trữ thóc, gạo cho người nông dân trong vụ hè - thu, tới đây là vụ thu - đông nhằm góp phần ổn định giá thóc gạo, đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa. Phó Thống đốc cũng yêu cầu các ngân hàng tiết giảm mọi chi phí hoạt động không cần thiết để dành nguồn lực giảm lãi suất vay; thực hiện cam kết đồng thuận giảm lãi suất cho vay lên tới 1%/năm trong các tháng cuối năm như kế hoạch, riêng ngành lúa gạo xem xét giảm thêm 0,5% cho các khoản vay mới để tạo thuận lợi cho các DN, thương nhân. Đặc biệt, Phó Thống đốc cũng yêu cầu ngành ngân hàng cần linh hoạt áp dụng các hình thức bảo đảm tiền vay, xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lý dòng tiền; chủ động tiếp cận các DN, thương nhân lúa gạo và thỏa thuận các nội dung liên quan theo nguyên tắc tín dụng thương mại, phù hợp quy định pháp luật về cấp tín dụng. 

Trên thực tế nhiều NHTM đã đưa ra nhiều chính sách, hỗ trợ cho DN, cá nhân tại khu vực này. Cụ thể, Agribank vừa có lần thứ 5 liên tiếp giảm lãi suất cho vay, với mức giảm 1% so với lãi suất đang áp dụng của dư nợ tại thời điểm 15/7. Theo số liệu thống kê, có khoảng 3,1 triệu khách hàng với hơn 1 triệu tỷ đồng dư nợ được Agribank điều chỉnh giảm lãi suất. 7 tháng đầu năm, Agribank đã thực hiện giải ngân hơn 17.600 tỷ đồng với hơn 12.000 khách hàng vay vốn thu mua, tạm trữ và xuất khẩu thóc gạo. Ngoài ra, tính đến cuối tháng 7/2021, Agribank đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 20.025 khách hàng với dư nợ hơn 53.000 tỷ đồng, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 1.484 khách hàng với dư nợ hơn 11.460 tỷ đồng. 

Không chỉ ngân hàng chủ lực trong lĩnh vực “Tam nông” như Agribank, ông Phạm Như Ánh, Thành viên Ban điều hành Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng cho biết, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành lúa gạo, đến nay, MB đã giải ngân được khoảng 4.500 tỷ đồng cho khách hàng. “Dự kiến trong thời gian tới sẽ giải ngân khoảng 2.000 tỷ đồng nữa để hỗ trợ cho nhóm khách hàng kinh doanh lúa gạo, với mức lãi suất ưu đãi giảm từ 0,5% - 1% so với các sản phẩm cho vay thông thường” - ông Ánh cho hay. Trên các nền tảng App MBBank và Biz MBBank, MB đã hỗ trợ khách hàng trong việc thanh toán thu mua lúa gạo trực tuyến, đảm bảo hạn chế việc tiếp xúc giữa ngân hàng với khách hàng và giữa khách hàng với ngân hàng nhằm hạn chế rủi ro cho cả ngân hàng và khách hàng.

Với chủ trương luôn sát cánh, đồng hành cùng DN, NHNN cũng đã giảm lãi suất điều hành, giảm các loại phí cho các NHTM để giảm bớt chi phí đầu vào, có điều kiện giảm lãi suất cho vay; chỉ đạo các NHTM tiết giảm chi phí, cắt giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế. 

Bình luận

Xem nhiều


Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Chnam Thmay diễn ra từ 13-16/4.



Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất