, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 06/11/2020, 07:57

Ngân hàng Việt hưởng lợi từ EVFTA

TRẦN TRỌNG TRIẾT

Việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) được phê chuẩn không chỉ mở đường cho các ngân hàng EU vào Việt Nam mà còn tạo cạnh tranh lành mạnh trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, qua đó loại bỏ những ngân hàng yếu kém, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, giúp các ngân hàng giải “cơn khát” vốn.

 

Cạnh tranh giữa ngân hàng nội và ngoại

EVFTA sẽ mở đường cho dòng vốn từ châu Âu đổ vào lĩnh vực tài chính ngân hàng của Việt Nam, tạo ra cạnh tranh trong lĩnh vực này và người hưởng lợi cuối cùng sẽ là khách hàng sử dụng dịch vụ và sản phẩm tại các tổ chức tín dụng. Sự cạnh tranh giữa các ngân hàng nội và ngoại để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ sẽ đưa đến kết quả là chỉ có ngân hàng tốt nhất mới có thể tồn tại và tăng trưởng, còn những ngân hàng yếu kém sẽ bị loại bỏ.

Khi nhóm khách hàng thế hệ mới quan tâm nhiều hơn đến chất lượng của dịch vụ chăm sóc khách hàng, các chuẩn mực về đạo đức hay năng lực phát triển bền vững trong tương lai, họ sẽ có xu hướng chọn lựa những ngân hàng phù hợp với các tiêu chí này để mở tài khoản, bất kể đó là một ngân hàng ngoại hay ngân hàng nội.

Cùng với đó, một sân chơi tài chính - ngân hàng rộng hơn với sự tham gia của các tổ chức tín dụng châu Âu sẽ đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với các ngân hàng nội về tính tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về quản trị rủi ro, tín dụng và tài sản, cùng tính minh bạch. Một số ngân hàng nội, theo ông Nirukt Sapru, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, đang ở một vị thế rất thuận lợi để hưởng lợi từ EVFTA.

Việc thực thi Hiệp định EVFTA sẽ tác động tích cực đến ngành tài chính - ngân hàng cả trực tiếp và gián tiếp. Về gián tiếp, EVFTA giúp giảm đáng kể hàng rào thuế quan, đẩy mạnh xuất khẩu, từ đó ảnh hưởng tích cực đến nhiều ngành dịch vụ hỗ trợ, trong đó có lĩnh vực tài chính ngân hàng. Các ngân hàng Việt Nam cũng có thể kết hợp với ngân hàng châu Âu để thực hiện dịch vụ cho khách hàng châu Âu, cũng như doanh nghiệp và người dân Việt Nam kinh doanh ở châu Âu.

Về tác động trực tiếp, Hiệp định này đã đưa ra các cam kết về mở cửa thị trường với các dịch vụ tài chính mới, nên dự kiến có tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) và tiền di động (Mobile money) - dịch vụ tài chính mới đang được quản lý bằng các văn bản pháp luật hiện có của Việt Nam.

Trên thực tế, ngành ngân hàng đã và đang đầu tư rất lớn cho công nghệ số để đi tắt, đón đầu những xu hướng mới của ngành tài chính quốc tế. Mặc dù những tháng đầu năm 2020, cả nền kinh tế gặp khó khăn do dịch Covid-19, nhưng theo khảo sát của Vietnam Report, 100% ngân hàng tham gia khảo sát phản hồi đã đầu tư đổi mới công nghệ và phát triển kênh bán hàng qua công nghệ số, trong khi con số này trong lần khảo sát của năm 2018 chỉ là 93%. Ngoài ra, 83,33% ngân hàng cho biết đang số hóa các nghiệp vụ lõi của ngân hàng.

Những thay đổi này của ngành Ngân hàng không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước mà còn là cách để nâng cao giá trị đối với các nhà đầu tư. Bởi điều cốt yếu của EVFTA với ngành Ngân hàng là hoạt động thu hút đầu tư. Theo quy định, trong 5 năm đầu sau khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xem xét cho phép các tổ chức tín dụng EU mua đến 49% cổ phần của 2 ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam (hiện nay tối đa là 30%), ngoại trừ 4 ngân hàng thương mại có sở hữu nhà nước. Điều này mở ra cơ hội cho các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng đang “khát vốn” chủ sở hữu, đáp ứng chuẩn Basel II.

Thực tế các ngân hàng đang đứng trước áp lực tăng vốn và nâng cao năng lực quản trị rủi ro nhằm đáp ứng các chuẩn mực khắt khe về an toàn vốn của Hiệp ước Basel. Vì thế, thời gian qua, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh việc tìm nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư nước ngoài, nhưng tại một số ngân hàng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại đã đạt hoặc gần chạm ngưỡng tối đa 30% theo quy định. Do đó, EVFTA sẽ nới lỏng “room” ngoại, mở ra cơ hội gọi vốn cho các ngân hàng. Một khi có sự tham gia của các đối tác chiến lược EU, các ngân hàng trong nước sẽ được tiếp cận bộ máy quản trị và công nghệ hiện đại cũng như các sản phẩm tài chính - ngân hàng hiện đại.

Thách thức từ các tiêu chuẩn

Nếu tận dụng được tốt EVFTA, các ngân hàng sẽ như được “chắp thêm cánh” cho sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, “cánh cửa” nào mở ra cũng đều sẽ có những rào cản để có sự chọn lọc tốt nhất cho các bên.

Theo bà Nguyễn Anh Thơ, Phó Tổng giám đốc Công ty Tư vấn và Kiểm toán Deloitte Việt Nam, việc EVFTA chỉ áp dụng cho tối đa 2 ngân hàng trong vòng 5 năm tạo nên nhiều thách thức cho các ngân hàng Việt trong hành trình chứng tỏ năng lực của mình. Hơn nữa, những nhà đầu tư từ EU khi quyết định “đổ vốn” vào các ngân hàng Việt Nam sẽ có xu hướng chọn lọc rất khắt khe, tập trung vào những tiêu chí sau: tính minh bạch cao; nền tảng quản trị rủi ro và quản trị vốn lành mạnh; tính sinh lợi ổn định, có thế mạnh nổi bật trong phân khúc khai thác như mảng khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển bền vững; văn hóa đa dạng và hòa nhập...

Nhưng thực tế các ngân hàng châu Âu đã sớm “đổ bộ” vào Việt Nam như HSBC, Standard Chartered, Deutsche Bank… và cũng đã trở thành đối tác chiến lược với các ngân hàng trong nước. Do đó, việc ứng phó với các quy định và tiêu chuẩn khắt khe của EVFTA với các ngân hàng Việt Nam không phải là “không có kinh nghiệm”. Các ngân hàng có thể phải đối diện với nguy cơ bị thôn tính, sáp nhập nếu quản trị không tốt, không có biện pháp phòng ngừa; chịu rủi ro pháp lý do kiện tụng, tranh chấp tăng lên; luồng vốn vào - ra lớn khiến thị trường vốn trong nước có thể biến động mạnh khi có hành vi rút vốn nhanh.

Do đó, bà Nguyễn Anh Thơ cho rằng, để không bỏ lỡ cơ hội thu hút dòng vốn ngoại từ các nhà đầu tư EU, các ngân hàng Việt cần tăng cường đầu tư không chỉ nhằm tuân thủ chính sách, luật định, mà cần tập trung vào nâng cao năng lực quản trị rủi ro và quản trị vốn, cải thiện hiệu quả hoạt động. Ngoài ra, theo các chuyên gia, các cơ quan quản lý cũng cần nhận thức, nắm bắt được các quy định để tăng khả năng tận dụng; đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu thị trường tài chính - ngân hàng, lành mạnh hóa các tổ chức tài chính, đưa các chuẩn mực hoạt động theo thông lệ quốc tế. Những vấn đề này cho thấy, đây sẽ là những nỗ lực phải thực hiện trong dài hạn, tốn thêm nhiều khoản chi phí nhưng hết sức “xứng đáng” để ngành ngân hàng có thêm đà tiến lên, góp phần quan trọng vào sự phát triển của cả nền kinh tế.

Không chỉ đón dòng vốn đến từ EU, EVFTA có thể mở đường cho các ngân hàng Việt tăng cường sự hiện diện tại lục địa già, từ việc đơn thân khai phá thị trường cho đến hợp tác với những tổ chức sẵn có tại khu vực. Hiện số lượng ngân hàng Việt Nam có mạng lưới tại châu Âu là rất hiếm hoi, có thể kể đến như VietinBank đã mở chi nhánh tại Đức từ năm 2011, BIDV có văn phòng đại diện tại Nga và Cộng hòa Czech, Vietcombank có văn phòng tại Pháp và Nga, MBBank có văn phòng đại diện tại Nga, tuy nhiên Nga không thuộc EU.

Dù vẫn có ý kiến cho rằng ngân hàng Việt Nam không có nhiều cơ hội tại châu Âu vì quy mô và năng lực không thấm vào đâu so với các ngân hàng của EU. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều ngân hàng trong nước đã tăng trưởng phi mã về quy mô hoạt động, đáp ứng được chuẩn Basel II, do đó khả năng phát triển và mở rộng thêm mạng lưới tại đây trong thời gian tới là rất lớn, nhất là khi nhiều ngân hàng đang đặt mục tiêu quốc tế hóa thị trường hoạt động và vươn lên nhóm ngân hàng hàng đầu của khu vực, theo định hướng phát triển của Chính phủ.

TRẦN TRỌNG TRIẾT

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Những ngày này, nắng nóng khốc liệt kéo dài, nhiều ao hồ, sông suối nhỏ, hồ chứa thủy lợi tại các tỉnh Tây Nguyên đã khô kiệt nước. Nông dân khu vực này đang khẩn trương bằng mọi cách tìm nguồn nước cứu hạn cây trồng.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất