, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 19/01/2022, 06:20

Ngàn sau còn tiếng trống

CẨM HÀ
Là nhạc cụ, là vật dụng điều binh khiển tướng trong chiến tranh. Là đồ thờ, là của cải để thể hiện sự giàu có và uy quyền…? Trống là tất cả những thứ đó. Bởi thế nên có những làng nghề làm trống vẫn tồn tại qua hàng ngàn năm lịch sử.
 
 
 

Chỉ nói đến những chiếc trống cổ truyền trên dải đất hình chữ S của chúng ta thôi, cũng đã có mấy chục loại. Từ những chiếc trống đồng Đông Sơn uy nghi, trống sấm hào hùng, trống h’gơr linh thiêng của dân tộc Ê Đê, paranưng của người Chăm cho đến những chiếc trống ếch Trung thu vui tươi nhí nhảnh của các em nhỏ… suốt chặng đường lịch sử mấy ngàn năm, trống đã đi cùng dân tộc Việt. Cả ngày vui và những ngày buồn. 

Vậy nhưng làng nghề trống thực thụ thì có lẽ chỉ tồn tại ở Đồng bằng Bắc bộ, mà nổi tiếng nhất là ở Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên (Hà Nam). Trên cả nước có nhiều nghệ nhân làm trống, nhưng dường như chưa có nơi nào hình thành “làng nghề” quy củ, chuyên nghiệp như Đọi Tam.

Tương truyền nghề làm trống ở Đọi Tam đã có khoảng hơn 1.000 năm với 2 vị tổ nghề là hai anh em Nguyễn Ðức Năng và Nguyễn Ðức Bản. Năm 986, khi vua Lê Đại Hành về làng cày ruộng tịch điền để khuyến nông, hai anh em nhà Nguyễn Đức đã kỳ công làm một chiếc trống sấm để đón vua. Khi lễ tịch điền chuẩn bị diễn ra, hai ông cùng với nhân dân trong làng ra cổ vũ và đánh trống vang rền cả một góc trời. Sau này hai ông được tôn làm “Trạng Sấm” và Đọi Sơn là làng nghề hiếm hoi trong cả nước biết rõ được năm sinh, năm mất của cụ tổ nghề Nguyễn Đức Năng (925 - 990).

Theo các nghệ nhân làng trống Đọi Tam, để làm một chiếc trống phải qua ba bước: làm da, làm tang (thân trống) và bưng trống. Da được chọn để làm trống là da trâu cái, càng già càng dẻo dai, trống càng bền. 

 
 
 
 

Da được chọn để làm trống là da trâu cái, càng già càng dẻo dai, trống càng bền. Gỗ làm tang trống chủ yếu là gỗ mít, dẻo, mềm không bị cong vênh, nứt vỡ, lại có tính chất giữ âm. Người làm trống có câu “Da trâu tang mít, đánh ít kêu nhiều” là vì thế. 

Nói thì nhanh, làm thì lâu. Bí quyết làm nghề trước đây chỉ được các nghệ nhân Đọi Tam truyền lại cho con trai và con dâu, không truyền cho con gái và con rể, hay người ngoài. Mãi những năm gần đây, con gái mới được truyền nghề. Nhiều loại máy bào, máy ép… cũng được đưa vào sử dụng, gia tăng độ chính xác và tiết kiệm sức lao động. Do nắm vững kỹ thuật nên người Đọi Tam không chỉ làm được những chiếc trống quen thuộc của vùng Đồng bằng Bắc bộ mà sau này, khi mang nghề truyền thống của làng đến lập nghiệp ở những vùng đất mới, họ có thể làm được tất cả các loại trống bản địa của các dân tộc anh em khác. Ở Quảng Ngãi, Phú Yên, Đắk Lắk… và nhiều tỉnh thành khác đều có những cơ sở làm trống mà hỏi đến ngọn nguồn thì đều khởi nghiệp bởi người Đọi Tam.

 
 
 
 

Sẽ là rất thiếu sót nếu không điểm qua những loại trống cũng hết sức đặc sắc của các dân tộc anh em. Theo các nhà dân tộc học, câu chuyện “người Ê Đê dùng da voi làm trống h’gơr” chỉ là một huyền thoại, nhưng cũng phản ánh một thực tế là họ làm ra những chiếc trống lớn nhất trong các loại trống ở Tây Nguyên, đánh lên tiếng nghe vang vọng trầm hùng. 

Thân trống h’gơr được khoét từ thân cây gỗ nguyên khối (thường là gỗ sao, lim) với đường kính từ 70cm đến 1,5m. Nghệ nhân dùng lửa hơ đốt bên trong lòng trống để tạo thành tang trống. Phần giữa thân trống phình to nhất, 2 đầu nhỏ lại, trong đó một đầu lớn hơn.

Mỗi mặt trống được làm bằng da của cả một con trâu, vì độ rộng của tấm da phải đủ để bịt kín cả thân trống, rìa của 2 mặt da giáp nhau ngay giữa thân trống. Đầu trống to hơn - mặt cái - được bưng bằng da trâu cái. Đầu còn lại nhỏ hơn - mặt đực - bưng bằng da trâu đực. Da trâu được thuộc thủ công bằng muối, nước vôi, nước lá cây và vỏ cây rừng ngâm, sau đó phơi nắng. Da trâu được cố định trên tang trống bằng hệ thống đinh vót từ gốc tre già. Trên cả hai mặt trống đều dùi một lỗ tròn nhỏ có cỡ bằng hạt bắp, đường kính khoảng 5 - 6mm để chỉnh âm và lưu thông không khí trong lòng trống.

 
 
 
 

Trong số các dân tộc anh em ở miền núi Tây Bắc thì người Dao đỏ cũng rất thành thạo kỹ thuật làm trống. Theo nghệ nhân Lý Phủ Quyện (bản Tà Chải, xã Tả Phình, huyện Sa Pa, Lào Cai), tang trống của người Dao đỏ cũng được làm bằng gỗ mít, nhưng đem đục rỗng hoặc khoét thủng, sau đó bào tròn, bóng. Da làm mặt trống không được căng lên tang trống bằng cách đóng đinh chết, mà dùng các dây mây dẻo, bền, néo căng bằng các nêm (những thanh gỗ ngắn được chẻ mỏng) đóng chéo nhau. Sử dụng một thời gian, khi mặt trống bị chùng, người ta chỉ cần đóng thêm nêm và chốt chéo xung quanh tang trống. Những chiếc nêm trên tang trống sau khi hoàn thành trông như những cánh hoa gỗ xếp lớp rất lạ mắt. 

Kỹ thuật làm trống được người Dao truyền cho những thế hệ đàn ông trong gia đình. Cũng được coi là vật thiêng, nên theo truyền thống, người Dao chỉ tiến hành hoàn thiện trống, thậm chí chọn mua và “rước” trống về nhà vào những ngày “tốt” được lựa chọn kỹ càng. Người làm trống, ngoài đôi tay khéo léo còn cần đôi tai tinh tế để nghe và chỉnh âm cho chuẩn. Tiếng trống phải vang, nhưng người đứng gần không cảm thấy chói tai…

 
 
 
 

Bài viết: CẨM HÀ

Thiết kế: NGUYỆT ÁNH

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất