, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 15/03/2021, 14:31

Ngành chế biến nông sản - những gam màu sáng tối

LÊ GIA MINH
Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, hàng năm Việt Nam sản xuất 50 triệu tấn lương thực. Sản lượng thịt lợn, gà, bò khoảng 5,8 triệu tấn; 8 triệu tấn cá tôm; rau quả, trái cây cũng hàng chục triệu tấn... Năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp được cho là đang đạt đỉnh, có thể đáp ứng đủ nhu cầu lương thực thực phẩm cho 100 triệu dân trong nước và còn dư thừa để phục vụ xuất khẩu, thu về trên 40 tỷ USD mỗi năm. Bức tranh tươi sáng này có phần đóng góp của ngành chế biến nông sản (CBNS).

Những gam màu sáng

Từ năm 2013 - 2019, với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm đạt 5 - 7%, xuất khẩu chiếm khoảng 65% tổng giá trị chế biến, có thể nói công nghiệp CBNS cả nước đã có bước phát triển mạnh trên cả quy mô và mức độ hiện đại so với 5 năm trước đó (2007 - 2012). Nhận xét về chặng phát triển này, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng bước đầu chúng ta đã hình thành và phát triển được hệ thống công nghiệp CBNS.

Hiện nay, ngoài khoảng 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, ngành CBNS còn có hàng vạn cơ sở nhỏ, lẻ, hộ gia đình rải khắp các địa bàn trên cả nước làm nhiệm vụ sơ chế và chế biến phục vụ tiêu dùng nội địa. Về trình độ, công nghệ CBNS Việt Nam đang ở mức độ trung bình đến trung bình khá, một số ngành hàng hoặc một số sản phẩm có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm của khu vực và thế giới, như chế biến công nghiệp hạt điều, chế biến lúa gạo, tôm, cá tra... Một số ngành hàng, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông lâm thủy sản như Doveco, TH Group, Masan, Lenger Seagood Viet Nam, Nafood, Dabaco Bắc Ninh, Ba Huân. Minh Phú, Agifish… đã đầu tư đổi mới công nghệ, chú trọng áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tiên tiến, đã đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm đối với các thị trường yêu cầu cao như Mỹ, EU, Nhật Bản...

Sự phát triển của công nghiệp CBNS xuất khẩu đã góp phần làm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từ nền nông nghiệp tự cung tự cấp tiến lên nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn nhằm cung cấp nguyên liệu đầu vào cho chế biến, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa như mặt hàng cá tra, tôm, rau quả, cà phê, lúa gạo, tiêu... Các nhà máy CBNS phần lớn được xây dựng ở nông thôn, các vùng sâu, vùng xa, kinh tế kém phát triển... nên đã đóng góp tích cực trong việc cải thiện bức tranh kinh tế - xã hội nông thôn; thu hút, khơi dậy và phát huy nội lực của các thành phần kinh tế, thoát ly bao cấp, vươn lên từ ý thức tự lực, tự cường; hình thành các thị trấn, thị tứ tại khu vực nhà máy; giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 1.600.000 lao động mà phần lớn là con em nông dân với mức thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/tháng, góp phần to lớn cho công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, nhiều ngành hàng trong lĩnh vực CBNS đã hội nhập rất tốt với kinh tế thế giới. Hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu nông sản chế biến đến hơn 180 nước và vùng lãnh thổ.

Nhận diện tồn tại

Nhìn lại thành quả đạt được trong những năm vừa qua, ghi nhận những đóng góp nhất định của ngành CBNS, nhưng cũng phải tỉnh táo để nhận diện những tồn tại mà ngành này đang đối mặt. Trong thực tế, phần lớn nông sản thường xuất khẩu tươi hoặc sơ chế thô nên giá trị gia tăng ở mức thấp, đóng góp vào tỷ trọng xuất khẩu chưa nhiều…

Theo khảo sát của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, các doanh nghiệp trong ngành CBNS hiện nay vẫn chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu. Tuy một số ngành hàng như mía đường, cá tra, tôm nuôi… đã tổ chức tốt khâu chế biến gắn với sản xuất nguyên liệu, một số doanh nghiệp lớn có năng lực như Tập đoàn Lộc Trời, Gentraco, Lương thực Sông Hậu, Công ty Hoàng Nhật Minh, Công ty Cờ Đỏ trong sản xuất lúa gạo; Vinamilk, TH True milk, Masan trong ngành sữa, thịt; Nafood, Doveco, Vineco, TH group trong ngành rau quả… đã liên kết tốt với người nông dân, nhưng nhìn chung, sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ của các ngành hàng vẫn còn thiếu chặt chẽ. Đa phần các ngành hàng đáp ứng tiêu thụ hết nông sản sản xuất ra, nhưng khả năng chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu, thiếu cơ sở và công suất chế biến, chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là cao điểm của mùa vụ và còn phát triển chênh lệch giữa các vùng miền, chưa gắn với nguồn nguyên liệu.

Hiện tại, chỉ có các cơ sở chế biến quy mô lớn được xây dựng trong những năm gần đây mới có công nghệ chế biến ở mức độ tiên tiến, hiện đại, còn đa phần đang ở mức trung bình của thế giới. Có đến 95% cơ sở CBNS ở quy mô vừa và nhỏ, hộ gia đình; 70 - 85% sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sản phẩm sơ chế có giá trị gia tăng thấp, nên việc nâng cao giá trị hàng nông sản Việt Nam thông qua chế biến chưa cao. Cả khâu bảo quản sau thu hoạch hiện cũng yếu, tỷ lệ tổn thất cao (dao động từ 10 - 20% tùy lĩnh vực ngành hàng), cơ sở vật chất như phương tiện chứa đựng, tích trữ, kho bảo quản còn thiếu thốn, không phù hợp. Công nghệ bảo quản tiên tiến chưa được nghiên cứu, chuyển giao áp dụng nhiều trong thực tiễn…

“Ngay như trong việc tiếp cận tín dụng và tín dụng ưu đãi theo các chính sách hỗ trợ của Chính phủ (các Quyết định 62/2013/QĐ-TTg; 68/2013/QĐ-TTg; tái canh cà phê…) thì các doanh nghiệp cũng còn gặp nhiều trở ngại về thủ tục và đối tượng cho vay; mức độ giải ngân nguồn vốn cho vay còn rất thấp so với yêu cầu; hầu như chính sách tín dụng không đến được với doanh nghiệp chế biến cũng như với nông dân sản xuất nguyên liệu…” - ông Nguyễn Quốc Toản cho biết.

Và hiện thực hóa mục tiêu phát triển

Chỉ thị 25/CT-TTg ngày 04/06/2020 về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp CBNS và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp có nêu rõ, công nghiệp CBNS nước ta giai đoạn đến 2030 phải “đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới”, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu; đảm bảo đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp; trình độ công nghệ chế biến, bảo quản chung đạt từ trung bình trở lên, trong đó các ngành hàng nông sản chủ lực đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; sản phẩm chế biến đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, có khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm; góp phần nâng cao giá trị gia tăng và kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Để thực hiện được “đặt hàng” của Chính phủ, các chuyên gia trong lĩnh vực cho rằng ngành CBNS cần phấn đấu đạt tốc độ tăng sản lượng sản phẩm chế biến sâu đạt bình quân 7%/năm; đưa tỷ trọng sản lượng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao của các ngành hàng đạt 30% trở lên và trên 50% số cơ sở chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực phải đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng để đảm bảo thành công cần phải xây dựng, phát triển cho được một số tập đoàn, doanh nghiệp CBNS có quy mô lớn, hiện đại, năng lực cạnh tranh quốc tế cao. Đồng thời hình thành các cụm liên kết sản xuất - bảo quản - chế biến - tiêu thụ nông sản gắn với vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao khả năng cung cấp nguyên liệu cho chế biến, đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng, giá cả hợp lý và ổn định đối với tất cả mặt hàng.

Đối với những ngành hàng chưa có hoặc còn thiếu công suất chế biến, cần đầu tư mới và mở rộng cơ sở chế biến để đáp ứng được nhu cầu của thị trường tiêu thụ và khả năng sản xuất nguyên liệu. Song song đó là đầu tư đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang thiết bị chế biến, áp dụng khoa học, tiến bộ kỹ thuật và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào CBNS để đảm bảo kiểm soát được chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, bảo vệ tốt môi trường, nhất là đối với các cơ sở chế biến nhỏ lẻ, hộ gia đình. Cần đảm bảo phát triển cơ sở chế biến, bảo quản nông sản phải có trình độ công nghệ tiên tiến và quy mô phù hợp nhằm giảm tổn thất, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản chế biến, bảo vệ môi trường để công nghiệp chế biến đạt hiệu quả, an toàn và bền vững...

“Khi cuộc sống phát triển ngày càng hiện đại, chất lượng cuộc sống của con người ngày càng cao, độ tuổi dân số trẻ ngày càng nhiều… thì đòi hỏi về nông sản chế biến cũng ngày càng được nâng cao, trở thành một cấu phần quan trọng và thôi thúc hình thành thị trường nông sản chế biến, thúc đẩy công nghệ CBNS. Điều đó buộc chúng ta phải thay đổi cả tư duy và cách tiếp cận đối với lĩnh vực này”.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất