, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 16/12/2022, 08:32

Ngành hàng cá tra và hành trình vươn ra biển lớn: Từ ao làng vươn ra biển lớn

NGUYỆT ÁNH
(dongthap.gov.vn)
Chủ động được nguồn cá tra giống, hoàn chỉnh mô hình nuôi cá tra trong ao là những bước ngoặt quan trọng để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển ngành hàng cá tra chế biến phục vụ nhu cầu xuất khẩu thủy sản.

>> Kỳ 1: Từ loài cá tự nhiên đến nhân nuôi, ươm tạo

>> Kỳ 2: Từ ao làng vươn ra biển lớn

Vùng nuôi cá tra của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hùng Cá.

Tại Đồng Tháp, bên cạnh quy hoạch vùng sản xuất giống cá tra tập trung gồm các huyện: Hồng Ngự, Châu Thành và Cao Lãnh, với tổng diện tích 880 ha, tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn tại các huyện: Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng, Châu Thành và Cao Lãnh. Gần 100% diện tích nuôi cá tra thương phẩm toàn tỉnh được cấp mã số nhận diện vùng nuôi, trong đó, 60% diện tích thả nuôi cá tra đạt chuẩn quốc tế.

Các vùng sản xuất được cấp 378 mã số nhận diện ao nuôi cá tra thương phẩm với diện tích 1.509 ha; sản xuất theo quy trình, quy chuẩn VietGap, Global Gap, ASC và tương đương với diện tích 827 ha, chiếm trên 55% diện tích nuôi.

Chuỗi liên kết - hợp tác trong sản xuất cá tra tại tỉnh đã phát triển tương đối bài bản và khép kín. Toàn tỉnh hiện có 02 Hợp tác xã, 01 Tổ hợp tác, 01 Hội quán hoạt động sản xuất và dịch vụ phục vụ ngành hàng cá tra. Các hộ nuôi nhìn chung đều có hợp đồng liên kết hoặc gia công cho các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh.

Nhiều sản phẩm giá trị gia tăng

Hoạt động chế biến và xuất khẩu cá tra đã được cải thiện đáng kể, quản lý chất lượng hàng xuất khẩu ngày càng nghiêm ngặt. Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 22 doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu, tổng công suất thiết kế hơn 467 tấn thành phẩm/năm. Các doanh nghiệp hàng đầu, làm nên dấu ấn cho ngành hàng cá tra của Đồng Tháp không thể không kể đến: Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hùng Cá, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Chế biến Thủy sản Hoàng Long, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia IDI, Công ty Cổ phần thủy sản Trường Giang v.v..

Hàng ngàn công nhân tham gia chế biến cá tra xuất khẩu tại các nhà máy.

Hầu hết các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra đều áp dụng chương trình quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế như: HACCP, BRC, Global Gap, IFS, ASC và chứng chỉ BAP v.v. theo yêu cầu của từng thị trường. Đến nay, sản phẩm cá tra của Đồng Tháp đã có mặt trên 134 quốc gia, trong đó có các thị trường chủ lực như: Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, EU, Anh, Mexico, Brazil, Colombia. Thị trường xuất khẩu đa dạng là cơ hội để cá tra Đồng Tháp vươn xa và khẳng định chất lượng.

Không chỉ có sản phẩm truyền thống là cá tra phi lê, các doanh nghiệp Đồng Tháp ngày càng chú trọng đến tạo ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng, chất lượng cao từ cá tra như: Chiết xuất collagen, genlatin, dầu cá Ranee, da cá tra sấy v.v..

Thống kê hằng năm, ngành thủy sản cung cấp khoảng 4,5 - 05 triệu tấn nguyên liệu cho chế biến thủy sản, trong đó chế biến phi lê cá tra thì có tới 60 - 70% là phụ phẩm.

Theo Tiến sĩ Trần Đình Luân - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), “phụ phẩm” thủy sản là nguồn nguyên liệu đem lại giá trị gia tăng cho ngành khi tận dụng hiệu quả. Muốn đạt được điều này, các doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng, cùng với các chính sách khuyến khích phát triển trong lĩnh vực này của Chính phủ - chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phụ phẩm, tiến tới kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản.

Đi đầu trong lĩnh vực sản xuất collagen và gelatin từ da cá tra là Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn - doanh nghiệp dẫn đầu về chế biến, xuất khẩu thủy sản đóng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Những sản phẩm chế biến từ cá tra của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn.

Việc sản xuất collagen và gelatin từ da cá giúp các công ty tối ưu hoá được chi phí và lợi nhuận khi tận dụng phụ phẩm trong quá trình sản xuất sản phẩm cốt lõi là cá tra phi lê. Theo đó, thay vì bị bỏ đi, da cá được dùng làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất collagen và gelatin. Đây cũng là chiến lược “zero waste” mà Vĩnh Hoàn và nhiều công ty chế biến thực phẩm khác đang theo đuổi.

“Biên lợi nhuận gộp của nhà máy sản xuất collagen và gelatin lên tới 30%. Năm 2021, doanh thu mảng này đạt 642 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2020, chiếm tỷ trọng khoảng 7% tổng doanh thu của Vĩnh Hoàn”. (Theo vietnambiz.vn)

Khai thác giá trị khác từ phụ phẩm là mỡ cá tra, Công ty Cổ phần Dầu Cá Châu Á tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp (thuộc Tập đoàn Sao Mai An Giang) đã tinh luyện thành công sản phẩm dầu cá, với thương hiệu “Ranee”. Đây là dầu ăn dinh dưỡng 100% từ cá, chứa đầy đủ những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Công suất sản xuất của nhà máy đạt 400 tấn nguyên liệu/ ngày. Theo đó, mỡ cá nguyên liệu được trích từ cá nuôi theo quy trình khép kín, kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ thức ăn đến thu hoạch và chế biến, xuất khẩu. Ao nuôi đạt tiêu chuẩn ASC (Aquaculture Stewardship Council - Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản).

Ngoài các phụ phẩm (da, mỡ) được sử dụng để tạo ra sản phẩm có giá trị và đạt chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu về dinh dưỡng, sức khỏe, làm đẹp, các phụ phẩm khác của ngành công nghiệp chế biến thủy sản này còn được sử dụng để sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp (cây ăn trái, hoa màu), làm thức ăn chăn nuôi, bột cá, ủ làm thức ăn cho ấu trùng ruồi lính đen v.v..

Đa dạng món ăn từ cá tra/basa như: Salad cá tra ủ muối, Lẩu mắm cá tra, Cá tra thủy hỏa.

Không chỉ tập trung cho xuất khẩu, gần đây các doanh nghiệp quan tâm đến thị trường trong nước. Năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức Tuần hàng cá tra/basa và đặc sản Đồng Tháp tại Hà Nội. Tại đây, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn đã giới thiệu gần 20 sản phẩm chế biến từ cá tra và basa hướng đến phục vụ thị trường trong nước như: Basa tẩm bột, chả lụa, sốt tartar, chabokki sốt cay, basa xẻ bướm tẩm gia vị v.v.. Ðây là các sản phẩm rất tiện dụng và giàu dinh dưỡng, với chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng trong nước.

Tại hội chợ triển lãm thương mại “Sản phẩm OCOP kết nối vươn xa” đã diễn ra Hội thi “Ẩm thực Cá Tra/Basa”, nhằm quảng bá thương hiệu, hình ảnh cá tra/basa - một sản phẩm chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam nói chung và tỉnh Đồng Tháp nói riêng. 

Giải pháp phát triển bền vững

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, năm 2022, cá tra là ngành xuất khẩu khởi sắc nhất trong các ngành hàng thuỷ sản nhờ có giá xuất khẩu trung bình tăng nhiều nhất và cơ hội thị trường cũng nhiều hơn so với các ngành hàng khác. Tính đến hết tháng 10, xuất khẩu cá tra cả nước đã đạt được hơn 2,1 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu cá tra đã tăng 77% - mức tăng trưởng cao nhất trong các năm qua và cũng là mức cao nhất so với các ngành hàng khác.

Riêng tỉnh Đồng Tháp, giá trị sản xuất ngành thủy sản ước đạt 13.039 tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2021, trong đó, ngành hàng cá tra đóng góp 8.889 tỷ đồng, tăng 3,9% so với năm 2021 (tương ứng tăng 333 tỷ đồng). Lợi nhuận nuôi cá tra đạt 1.730 triệu đồng/ha.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cá tra không chỉ là nguồn lợi thủy sản riêng có của Đồng Tháp mà trở thành nguồn lợi của Đồng bằng sông Cửu Long và mang hình ảnh của một quốc gia. Do đó, trong thời gian tới, câu chuyện con cá tra của Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Đồng Tháp nói riêng phải là câu chuyện kể về hành trình từ con cá tự nhiên đến con cá có dấu ấn bàn tay con người, đó là người nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học đã tạo ra giá trị gia tăng gấp nhiều lần, tạo ra sinh kế cho hàng trăm ngàn người dân, tạo ra doanh thu cho hàng trăm doanh nghiệp và hàng triệu người sống xung quanh vùng sông nước, sông Tiền và sông Hậu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, tạo ra giống cá tra chất lượng, khỏe khoắn hơn để giảm thất thoát trong quá trình nuôi của người dân và mang về lợi nhuận tốt hơn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan (bìa trái) và Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong  thưởng thức sản phẩm chế biến từ cá tra của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành hàng cá tra đang đối mặt với không ít những thách thức trong quá trình phát triển, từ chất lượng con giống có biểu hiện suy giảm chất lượng; liên kết chuỗi giá trị còn lỏng lẻo; giá bán cá tra thương phẩm và cá giống biến động liên tục, thiếu thông tin định hướng thị trường, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vốn sản xuất còn gặp nhiều khó khăn; ứng dụng khoa học và công nghệ để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng chưa được quan tâm đúng mức.

Bên cạnh đó, sức ép về biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, các rào cản thương mại, các yêu cầu kỹ thuật của thị trường ở các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe hơn, hệ thống phân phối tiêu thụ, logistics còn rất nhiều hạn chế là những thách thức đối với sự phát triển của ngành hàng cá tra.

Ông Huỳnh Minh Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, để khắc phục những hạn chế của ngành hàng cá tra, tỉnh đang tập trung tái cơ cấu, với định hướng là phát triển toàn diện lĩnh vực sản xuất giống và nuôi cá tra theo hướng xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất giống, nuôi thương phẩm, chế biến tới tiêu thụ sản phẩm; từng bước tiến tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại; nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao và bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong đó, hỗ trợ chọn tạo giống cá tra nhằm nâng cao chất lượng con giống, khắc phục tình trạng giống cá tra kém chất lượng. Tỉnh Đồng Tháp là một trong những địa phương tham gia Dự án Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đến năm 2025 phấn đấu trên 75% con giống phục vụ nuôi thương phẩm là con giống chất lượng cao.

Ông Huỳnh Minh Tuấn thông tin về giải pháp nâng chất lượng giống cá tra, tại hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Đồng Tháp.

Về môi trường phải được giám sát chặt chẽ, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, có 60% diện tích vùng nuôi hệ thống xử lý nước thải, bùn thải theo quy định; 100% nguồn nước cấp trên dòng sông chính được quan trắc thường xuyên theo quy định.

Cùng với đó, Ủy ban nhân dân tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp chế biến nâng cấp, đổi mới dây chuyền chế biến cá tra theo hướng tăng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ các phần còn lại của cá tra sau phi lê; khuyến khích sử dụng hệ thống QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm v.v..

Sản xuất cá tra ở Đồng Tháp đã phát triển thành chuỗi giá trị sản phẩm, đồng thời thúc đẩy phát triển nhiều ngành khác như: Thức ăn chăn nuôi, thực phẩm, ngành dược phẩm. Cá tra Đồng Tháp từ ao làng nay đã vượt sóng, vươn ra biển lớn, mang theo khát vọng và niềm tự hào của con người, quê hương Đồng Tháp – Đất Sen hồng.

Năm 2022, Đồng Tháp tổ chức Lễ hội Cá tra lần thứ nhất, tại thành phố Hồng Ngự, nơi được mệnh danh là “Thủ phủ cá tra”. Lễ hội lần này được kỳ vọng mang đến cho người dân, du khách những trải nghiệm thú vị. Đây cũng là dịp để tôn vinh những cá nhân, tổ chức có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành hàng “tỷ đô” này.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất