, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 21/12/2022, 11:25

Ngành logistics tăng trưởng 14 - 16%/năm

THÙY DUNG
Tại "Diễn đàn logistics với khu vực châu Âu – châu Mỹ" do Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương tổ chức tại TP.HCM ngày 20/12, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định các giải pháp logistics đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc mở ra cánh cửa cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu – châu Mỹ.
Các giải pháp logistics đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc mở ra cánh cửa cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Khu vực châu Âu – châu Mỹ được biết đến là khu vực thị trường quan trọng, là nơi có những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, Liên minh châu Âu cùng nhiều đối tác quan trọng và tiềm năng khác.

Năm 2021, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và khu vực châu Âu – châu Mỹ đạt mức tăng trưởng ấn tượng gần 21%, đạt gần 212 tỷ USD. Bước sang năm 2022, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức, lạm phát tăng cao, cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn ảnh hưởng tiêu cực tới dòng chảy thương mại thế giới, tuy nhiên, tính đến hết tháng 11, kim ngạch thương mại tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tốt, ở mức 11,8%, đạt 212 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt 171 tỷ USD tăng gần 16%, xuất siêu sang khu vực đạt hơn 128 tỷ USD.

Theo ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương, đối với khu vực thị trường đầy hứa hẹn này, các giải pháp logistics đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì tính bền vững, nâng cao tính chống chịu của chuỗi cung ứng, cũng như nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, mở ra cánh cửa cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Logistics cũng là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất với mức tăng trưởng trung bình 14 - 16%/năm, đóng góp vào GDP từ 4 - 5%.

Theo Báo cáo về chỉ số logistics thị trường mới nổi năm 2022 do Agility vừa công bố, Việt Nam đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng Top 50 quốc gia đứng đầu thị trường logistics mới nổi, đứng thứ 4 tại khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, tại Diễn đàn, các chuyên gia đều nhận định năm 2023 vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn và thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu và logistics Việt Nam khi phải đối mặt với những hệ lụy do ảnh hưởng của áp lực lạm phát và rủi ro suy thoái kinh tế của các nền kinh tế lớn. dẫn đến tình trạng suy giảm các đơn hàng xuất khẩu tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU...

Dịch bệnh Covid-19, xung đột địa chính trị tiếp tục có khả năng tác động tiêu cực lên dòng dịch chuyển thương mại, đầu tư toàn cầu, gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng, làm xáo trộn các tuyến vận tải container, đặc biệt là tại các tuyến vận tải đi khu vực châu Âu – châu Mỹ. Song song đó, nỗi lo mới của ngành vận tải toàn cầu là tình trạng dư thừa container hiện đang xảy ra tại rất nhiều cảng lớn tại khu vực châu Âu – châu Mỹ.

Bà Võ Thị Phương Lan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM (HLA) bày tỏ lo ngại khi cước vận tải quốc tế tăng mạnh từ năm 2021 với tỉ lệ tăng từ 8 - 10 lần so với thời kỳ trước Covid-19. Có giai đoạn giá cước vận tải đường biển đi từ Việt Nam đến bờ đông nước Mỹ lên tới hơn 15.000 USD/container nhưng doanh nghiệp không đặt được tàu và container rỗng. Nguyên nhân là do dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, các cảng biển và sân bay trên thế giới đều bị kẹt nghiêm trọng trong thời gian dài khiến cước vận tải quốc tế tăng kỷ lục.

Từ tháng 7/2022 cước vận tải quốc tế, đặc biệt là các tuyến đi châu Âu, châu Mỹ đã giảm nhiều so với năm 2021 và đến quý IV/2022 cước vận tải quốc tế đang có xu hướng trở về trạng thái bình thường như giai đoạn 2019 - 2020. Tuy nhiên, giá cước vận tải luôn là một trong những vấn đề được các doanh nghiệp xuất nhập khẩu với thị trường châu Âu – châu Mỹ quan tâm.

Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM cũng cho biết ngành gỗ, nội thất là một trong những ngành chịu ảnh hưởng lớn từ cước vận chuyển do hàng hoá chiếm thể tích lớn. Hiện nay gánh nặng về vận tải biển quốc tế đã được tháo gỡ do cước tàu giảm mạnh. Tuy nhiên, chi phí logistics vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn trong giá thàng sản phẩm gỗ, nội thất của Việt Nam do chi phí vận tải nội địa đang ở mức cao và có xu hướng ngày càng tăng. “Để giảm áp lực, giá thành cho sản phẩm xuất khẩu cần có phương án để cắt giảm chi phí logistics trong nước”, ông Nguyễn Chánh Phương nhấn mạnh.

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Trương Tấn Lộc - Giám đốc Marketing Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết để giảm áp lực lên hệ thống giao thông đường bộ, thời gian qua, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã đẩy mạnh triển khai các tuyến vận tải thủy từ miền Bắc, miền Trung đến cảng Cái Mép và các tuyến vận chuyển đường thủy kết nối TP.HCM với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hoá giữa các vùng trên cả nước và làm trung gian cho hàng hoá xuất khẩu.

Nhiều giải pháp trong xử lý và giảm thiểu các khó khăn hiện nay cho các doanh nghiệp xuất khẩu và logistics Việt Nam cũng được các chuyên gia chia sẻ như việc nắm vững các quy định, thủ tục hải quan để chủ động trong việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, các giải pháp tối ưu hóa chi phí logistics để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu, cũng như tận dụng mạng lưới kết nối đồng bộ của các công ty vận tải lớn nước ngoài để mở ra các kênh vận tải mới, hiệu quả cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang khu vực châu Âu - châu Mỹ…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất