, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 07/04/2022, 15:05

Ngành nhuyễn thể cần tổ chức lại sản xuất để phát huy lợi thế và tiềm năng

MINH LONG
(vov.vn)
Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nhuyễn thể, phải kiểm soát rất chặt chẽ từ vùng nuôi cho đến thu hoạch, vận chuyển, sơ chế, chế biến và tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc.

Tại Diễn đàn “Phát triển ngành hàng nhuyễn thể bền vững” diễn ra chiều 06/04 tại tỉnh Nam Định, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nêu rõ phải tổ chức sản xuất theo hướng an toàn và tín hiệu của thị trường.

Trong những năm gần đây, nghề nuôi nhuyễn thể ở nước ta phát triển mạnh chủ yếu với 2 đối tượng nuôi chính gồm ngao và hàu Thái Bình Dương, tập trung ở các tỉnh ven biển. Việt Nam hiện có 13 vùng thu hoạch nhuyễn thể được phép xuất khẩu. Sản phẩm nhuyễn thể đã có mặt ở 67 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có một số thị trường chính như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Australia… đóng góp quan trọng trong cơ cấu ngành hàng thủy sản.

Nhận định chung tại Diễn đàn cho thấy, tổng diện tích tiềm năng phát triển nuôi nhuyễn thể tại các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh tới Kiên Giang là 206.350ha. Với lợi thế bờ biển dài 3.260km và khoảng 1,75 triệu hecta bãi triều là lợi thế cho phát triển thuỷ sản nói chung và nhuyễn thể nói riêng.  

Diễn đàn phát triển ngành nhuyễn thể.
Diễn đàn phát triển ngành nhuyễn thể.

Chia sẻ về hoạt động nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất giống nhuyễn thể cũng như giải pháp để nâng cao chất lượng giống, kiểm soát môi trường vùng nuôi, bà Đặng Thị Lụa, Phó viện trưởng, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 cho biết, theo khuyến cáo mật độ nuôi là dưới 400 con/m2 nhưng người dân ở nhiều vùng nuôi trên 1.000 con/m2.

“Trong điều kiện bình thường sẽ không có vấn đề xảy ra, nhưng khi có vấn đề về môi trường và đặc biệt là sự biến động của thủy triều, với mật độ nuôi dày đặc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của ngao, đây là một trong những yếu tố gây nên hiện tượng ngao chết hàng loạt. Quan trắc môi trường nuôi nhuyễn thể thấy rằng, ở những vùng nuôi tập trung mật độ lớn cho thấy, có giảm chất lượng về nền đáy của vùng nuôi nhuyễn thể, vùng nuôi ngao. Đây cũng là những vấn đề mà cần phải tiếp tục được đầu tư nghiên cứu”, bà Lụa cho biết.

Lưu ý về chất lượng giám sát an toàn vệ sinh, kiểm soát chất lượng nhuyễn thể, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Việt Nam lưu ý, nhuyễn thể 2 mảnh rất nhạy cảm môi trường và dễ tích tụ độc tố được đánh giá là một loài có rủi ro rất cao. “Vì vậy việc lấy mẫu giám sát phải tuân thủ đúng theo hướng dẫn, 2 lần/tháng giám sát độc tố sinh học; 1 lần/tháng với kim loại nặng và thuốc trừ sâu và 6 tháng/lần, đối với những ô nhiễm khác phải đánh giá mỗi năm 1 lần. Đây là quy định của thị trường châu Âu và các nước khác có quy định tương đương”, ông Tiệp cảnh báo.

Hiện nay, nhuyễn thể Việt Nam đã có mặt ở 67 quốc gia và vùng lãnh thổ, với sản lượng 300.000 tấn, đạt giá trị 141 triệu USD. Riêng trong năm 2021 tăng 35% so với cùng kỳ. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, công nghệ chế biến nhuyễn thể của Việt Nam đang xếp tốp đầu của khu vực và thế giới, tuy nhiên, tỷ lệ chế biến chưa nhiều. Bên cạnh đó, chất lượng giống chưa đồng đồng đều; tỷ lệ nuôi sống còn thấp; vấn đề nuôi dưỡng gắn với quan trắc môi trường còn có những điểm nghẽn cần phải tháo gỡ.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị tổ chức lại sản xuất để phát huy lợi thế và tiềm năng ngành nhuyễn thể.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị tổ chức lại sản xuất để phát huy lợi thế và tiềm năng ngành nhuyễn thể.

Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nhuyễn thể, phải kiểm soát rất chặt chẽ từ vùng nuôi cho đến thu hoạch, vận chuyển, sơ chế, chế biến và tiêu thụ đó là chuỗi thực phẩm an toàn cùng với đó là vấn đề truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó, để phát huy được tiềm năng, lợi thế của ngành nhuyễn thể của Việt Nam, công tác điều hành sản xuất phải theo tín hiệu thị trường, trong đó chú trọng vấn đề làm thế nào để tổ chức sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

“Giống nhuyễn thể là yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng. Các cơ sở nghiên cứu đã có kết quả nghiên cứu, nhưng vấn đề chuyển giao những kết quả ra thực tế cần phải có cơ chế chính sách hỗ trợ. Giống gắn với quan trắc môi trường về quy trình nuôi để đảm bảo tỷ lệ nuôi sống cao, đảm bảo được chất lượng là yếu tố rất quan trọng để có vùng nguyên liệu đảm bảo an toàn dịch bệnh, không còn tình trạng những lô hàng bị trả lại vì không đảm bảo yêu cầu của thị trường nhập khẩu”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất