, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 09/11/2022, 08:00

Ngay khi bão nổi đã lo lúc bão tan…

MINH TRÂM
Cuối tháng 9, người Việt một phen quặn lòng chờ tin về Noru, cơn bão được dự báo là mạnh nhất lịch sử. Bão Noru thực tế không tàn khốc đến vậy, nhưng nó cũng đưa những người Quảng dày dạn gió sương nhất vào một đêm trắng kinh hoàng với sức gió lên đến cấp 13.
Hình minh họa.

Thế nhưng, bão tan, sức mạnh của Noru chỉ còn được điểm qua bằng các con số về sức gió, tốc độ tăng cấp, hướng di chuyển…, tất cả các kênh truyền thông chính thống lẫn diễn đàn mở đều chỉ nhắc đến Noru bằng việc miêu tả sự kỹ lưỡng, hết mình và hiệu quả trong cuộc chuẩn bị ứng phó với bão của người dân và chính quyền. 

Miền Trung đã vượt qua Noru mà không lặp lại những tang thương cũ… 

Thế nhưng, cũng chính trong bão Noru, người ta lại nhìn thấy một miền Trung đầy quyết liệt và cay đắng trong hình ảnh những ngư dân lựa chọn lấy thân mình ra cứu tàu cá. Đêm 27/9, cư dân mạng lan truyền một đoạn clip quay lại cảnh một cán bộ cầm loa đứng trước bờ biển trong mưa gió, kêu gọi ngư dân rời tàu cá để về nơi trú tránh. Trước mặt vị cán bộ ấy là biển với hàng dài tàu cá đang neo đậu. Cuồng phong đã nổi. Theo thống kê của chính quyền Đà Nẵng, đến tối ngày 27, ở âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà) còn khoảng 100 người, còn ở Đồng Nò (quận Ngũ Hành Sơn) còn hơn 30 người kiên quyết ở lại giữ tàu để tát nước, giữ tàu không chìm, không chịu về nơi trú tránh. 

Hơn 100 ngư dân ấy cuối cùng cũng được chính quyền thuyết phục, đưa về bờ tránh bão, nhưng khoảnh khắc “giằng co” trước biển vẫn gây nhiều ưu tư lẫn bức xúc cho cộng đồng mạng. 

Nhiều người trách ngư dân mù quáng, ngoan cố. Nhưng nhiều hơn là những người xót xa vì lựa chọn vô lý đến đau xót của đồng bào vùng bão. Hẳn nhiên, bên trong sự vô lý ấy phải là một sự có lý đầy riêng tư và cô độc - một cái lý đủ mạnh để làm nên một lựa chọn sinh tử. Cái lý ấy làm khuấy động sâu sắc lòng trắc ẩn nơi người khác, dù họ không đồng tình…

Trong cuộc tranh luận giữa thương và trách những ngư dân cương quyết bám tàu, tài khoản Nguyễn Quang Huy viết: “Mất tàu là mất hết, là cả đời ngồi trên đống nợ. Có bao nhiêu vụ chìm tàu, chủ tàu cứu hết người ra ngoài xong một mình quay lại vào trong chìm theo tàu luôn. Vì khi chết thì người ta sẽ không đòi nợ nữa. Nên tàu với ngư dân nhiều khi không chỉ là cơm áo.”

Ông Quảng, Bí thư Đà Nẵng cho biết, khi ông trực tiếp đi kiểm tra thì được ngư dân chất vấn ngược rằng, nếu họ lên bờ, tàu chìm thì ai chịu trách nhiệm.

***

Tàu chìm trở thành một nan đề lớn lao hơn hết thảy. Con tàu là sinh kế, là món nợ tiền tỷ. Nhưng khi nó được chủ nhân bất chấp tính mạng để bảo vệ, nó đã là một điều gì đó ngang với sự sống nơi họ. Người ngoài phẫn nộ vì khiếp sợ cơn bão đang đến, nó có thể nhấn chìm cả người lẫn của. Còn người trong cuộc luôn nghĩ đến lúc bão tan. Ai cũng quý mạng mình, ai cũng biết trong thiên tai, còn người là còn của. Nhưng khi sóng gió đã định kỳ, người ta không đặt cược của cải cho sóng gió, không còn phó mặc một lần để giữ mạng rồi làm lại. Bởi, đời người có bao nhiêu lần gầy dựng được tài sản bạc tỷ, để mỗi năm mỗi phó mặc? 

Mọi khái niệm và ranh giới về tính mạng, tài sản trong tôi từng bị thách thức tương tự khi tôi đối diện những ngư dân ở cảng Tam Quang (Núi Thành, Quảng Nam) năm 2014.

Tháng 5/2014 Trung Quốc đặt giàn khoan 981 phi pháp ở gần quần đảo Hoàng Sa, đưa 80 loại tàu biển bao gồm cả tàu quân sự để trấn giữ, xua đuổi tàu cá Việt Nam khỏi ngư trường ngày. Một đoàn phóng viên được cử ra Hoàng Sa, gửi về những hình ảnh tàu cá Việt chạm trán tàu Trung Quốc, làm dấy lên sự bi phẫn tột cùng trong mỗi công dân Việt. 

Trong cuộc chạm trán, tàu Trung Quốc liên tục húc vào tàu cá Việt Nam để xua đuổi. Tàu cá ngoan cường bám giữ. Đỉnh điểm, chiếc tàu to lớn kia xịt vòi rồng khổng lồ vào tàu cá của ta, làm bể kính và tan tành những thứ mà lực nước của nó có thể chạm đến. Đó là đoạn clip hiếm hoi ghi lại những gì đang xảy ra ở biển Đông Việt Nam lúc đó, nhưng nó không phải là cuộc chạm trán duy nhất. Thậm chí, với những ngư dân miền Trung độ ấy, mỗi lần ra khơi là một lần lâm trận. Và chắc chắn, họ có thể từ chối ra khơi. Hoặc ngay trong các cuộc chạm trán, họ có thể bỏ chạy để giữ mạng…

Nhưng, họ đã chọn giữ biển. Ai cũng biết, sự hiện diện của ngư dân trên ngư trường quốc gia chính là lời tuyên bố đanh thép nhất về chủ quyền biển đảo. Đó là “sách trời”. Người Việt cảm phục và tri ân họ, và tiếp nhận sự ngoan cường của họ bằng một niềm bi tráng.

Mùa ấy, tôi về làng Tam Quang, chứng kiến nhiều hơn về những gì mà những ngư dân đánh đổi để ra khơi. Những bà mẹ điêu đứng chờ tin con, và đồng thời vẫn sửa soạn đưa đứa con khác lên chuyến tàu khác, thay phiên “đánh cá, giữ biển”. Những bạn thuyền mỗi ngày mấy lượt ghé các điểm có sê-côm (thiết bị liên lạc với tàu thuyền) để cập nhật tin tức. Cả một làng chài xao xác, từng gương mặt ngưng đọng một nỗi ẩn nhẫn không thể tả bằng lời. Nhưng chính những người đang chờ đợi đó, cũng xác quyết rằng: “Phải đi giữ biển chứ, chỗ đánh cá của mình mà nó giành, rồi nói sao với đời con đời cháu?”, dù họ luôn có quyền ở lại hay giữ người thân của họ ở lại, để an toàn. 

Ông Huỳnh Văn Tạo – một chủ thuyền ở Tam Quang có tàu ra bám biển Hoàng Sa giai đoạn đó từng nói với tôi: “Chủ quyền tổ quốc thì có thể nghe nó văn hoa, nhưng nói đơn giản là chỗ làm ăn nhiều đời của ông cha mình, giờ nó lấy mất thì mình, rồi con cháu mình làm ở đâu?”

Hình minh họa.

***

Tổ quốc ở đó, vùng sống ở đó, nguồn sống, kế sinh nhai cũng ở đó. Nếu tháp nhu cầu hạ xuống nhiều lần, bỏ qua tinh thần dân tộc, bỏ qua lý tưởng và trách nhiệm của một công dân, xuống đến trần trụi nhu cầu của một con người, vẫn còn bản năng sinh tồn. Mới thấy, có những người, bản năng sinh tồn đã đồng hóa với bản năng kiếm sống, mưu sinh. Và giữ kế sinh nhai cũng là giữ mạng.

Chuyện không còn là giữ biển hay giữ tàu. Chuyện quay về với cái nhìn về mạng sống, lẽ sống của chính họ. Mà là một mạng sống đặt trong một hoàn cảnh sống quá đặc biệt. Với những ngư dân này, rủi ro làm ăn cũng to tát như rủi ro sinh mạng. Trong vốn sống của họ, đã có biết bao ngư dân vì mất tàu mà tàn đời. Bao người thoát chết trong những trận bão khơi xa, chứng kiến bạn tàu bỏ mạng mà kinh khiếp quyết bỏ nghề biển. Nhưng rồi dăm ba năm sau, lại quay về với biển, cho đến tận đời con đời cháu. Vốn sống của một ngư dân dần khiến họ đồng hóa đời mình, mạng sống mình với con tàu và biển cả. 

Đành rằng, cuộc đời đâu chỉ có những con tàu, nước Việt đâu chỉ có kinh tế biển, rất nhiều nơi cần người sức dài vai rộng, đâu riêng chi mấy hải trình bão táp, xa xôi, và lẽ sống của ngư dân có thể thật hạn hẹp, mù quáng…

Nhưng, khi nghĩ rộng ra khỏi những chuyến tàu, những mẻ cá và không gian làng chài, ta đã không còn trong mạch nghĩ của những ngư dân kia nữa. Ta có thể đúng, nhưng không chạm được đến họ. 

Hình ảnh phi lý, đau xót của những ngư dân cuối cùng chịu tránh bão, có thể tóm gọn bằng một sức mạnh ý chí vượt qua mọi giới hạn của những con người này. Ngay khi bão nổi đã lo lúc bão tan. Trước cuồng phong sinh tử vẫn phải giải bài toán làm ăn. Thật may, là chính quyền đã đưa được họ vào bờ để bảo toàn sức mạnh ấy cho một cuộc làm ăn sau bão…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất