, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 17/01/2017, 08:25

Ngày Xuân tản mạn về nông thôn

NGUYỄN TRỌNG TẠO
Chiều làng quê. Ảnh: Thảo Nguyên.
Chiều làng quê. Ảnh: Thảo Nguyên.

Về quê ngày Tết không chỉ ăn Tết cùng gia đình, mà còn có điều kiện đi thăm thú bà con, bạn hữu, và vui nhất là gặp lại những người làng từ khắp nơi trở về. Những lễ hội cổ xưa được tổ chức ở đình làng, sân vận động xã thật tưng bừng, náo nhiệt. Những trò “đánh đu”, “nấu cơm thi”, “đá bóng”, “vật cù lỗ” không chỉ thu hút trai thanh nữ tú mà còn hấp dẫn cả người già, trẻ con. Tiếng trống hội, trống tế vang lên khắp làng trên xóm dưới. Những giọng đọc Chúc thọ được dịp trổ tài. Dù gia cảnh khó khăn, nhà nào cũng có đủ lương thực, thực phẩm làm cỗ cúng tế Tổ tiên, trời đất suốt ba ngày Tết. Cả họ, cả làng mời nhau ăn cỗ mà không phải nề hà. Nhớ thuở sinh thời, bố tôi có nhận xét thật thú vị về ngày Tết: “Nếu Chủ nghĩa Cộng sản mà được như ba ngày Tết thì sướng khỏi nói”.

Nhưng có về sống với nông dân dù chỉ ít ngày cũng hiểu là họ vô cùng vất vả, cực nhọc và chịu nhiều thua thiệt so với người thị thành. Quanh năm vẫn đầu tắt mặt tối “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để làm nên hạt lúa, củ khoai, trâu bò, gà lợn… Các hình thức canh tác luôn thay đổi để phù hợp với kinh tế thị trường thời mở cửa. Lại còn phải chống chọi với bão lũ, lụt lội, hạn hán bất kỳ. Rồi lại phải thắt lưng buộc bụng lo cho con cái ăn học, mong chúng thành đạt để phụng sự gia đình, xã hội… Vậy mà bộ mặt làng quê vẫn đổi thay từng ngày. Những con đường làng được “xi măng hóa”, những trụ sở được xây mới hai ba tầng khang trang, những mái trường, trạm xá được mở rộng. Và điện. Điện không chỉ thắp sáng mà còn chạy máy xay máy xát, nấu nướng từ nồi cơm cho đến nồi cám lợn. Cứ như là công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang thành hiện thực khắp các vùng quê tôi vậy.

Vâng, đó là phong trào “nông thôn mới” đang trỗi dậy rộng khắp các làng quê. Còn nhớ cách nay gần chục năm, trên một chuyến xe về quê cùng Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng, anh rất trăn trở về việc đổi mới nông thôn. Chả là hồi đó anh đang cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai việc chuẩn bị soạn thảo nghị quyết “Tam nông” (nông nghiệp, nông thôn, nông dân) cho Trung ương khóa 10. Anh tâm sự: Nông nghiệp và nông thôn đang phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém, môi trường ngày càng ô nhiễm; năng lực thích ứng, đối phó với thiên tai còn nhiều hạn chế. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa; chênh lệch giàu, nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng còn lớn, phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc. Hồ Xuân Hùng rất tâm đắc với chủ đề “nông thôn mới”, anh muốn làm sao cho nông dân bớt khổ, bộ mặt làng quê thay đổi phù hợp với thời đại… nhưng anh cũng rất lo lắng cho công cuộc bảo tồn văn hóa làng quê. Với tinh thần đổi mới nông thôn nhưng phải giữ gìn và phát triển những gì tốt đẹp bao đời mà cha ông để lại. Và sau đó mấy năm, nghị quyết về “Nông thôn mới” ra đời.

Câu chuyện của anh làm tôi chợt nhớ năm 1997 tôi được cử cùng đoàn nhà văn đi thăm Trung Quốc. Hồi ấy phong trào “Tam nông” bên đó đang rầm rộ. Hội Nhà văn Trung Quốc đưa chúng tôi đi thăm nhiều danh thắng, và thật bất ngờ, khi đến thành phố Hoa Đô (Quảng Đông), chúng tôi được thăm “Làng kiểu mẫu”. Họ đã “hiện thực hóa” một cái làng ven đô cho phong trào này ngoài sự tưởng tượng của tôi. Đường làng như đường cao tốc. Trụ sở làng to lớn như trụ sở huyện ở ta. Nhiều dãy nhà chung cư cao tầng cho người già và những cặp vợ chồng trẻ. Khối nhà hai tầng cho những gia đình trung lưu, trí thức trông cứ như vila, biệt thự. Riêng tầng lớp thượng lưu của làng được quy hoạch hạ tầng để họ tự xây theo các mẫu thiết kế định trước. Đường làng kẻ ô bàn cờ, sạch như lau. Có công viên bên hồ… Và điều quan trọng là họ rất chú ý đến khu làng nghề truyền thống. Tôi hỏi người hướng dẫn về mô hình nhà ở, được thuyết minh rất cặn kẽ: Ngôi nhà định cư mới của tầng lớp trung lưu được thiết kế 3 tầng, tầng một là phòng khách, bếp và một phòng ngủ. Tầng hai và tầng ba là các phòng riêng của những thành viên trong gia đình. Tổng diện tích sử dụng khoảng 250m2 cho một gia đình. Trong ngôi nhà có đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt của một gia đình trung lưu. Tuy nhiên, cũng có những trăn trở về vấn đề khi nông dân đang trở thành thị dân, để có nếp sống văn minh đô thị, người nông dân phải có quá trình dài.

Kiểu mẫu mà vĩ đại thế, liệu mấy làng theo được? Vì ở những vùng xa thành thị, nhiều làng vẫn nghèo xơ xác. Nhưng tôi hiểu đó là chủ trương của Trung Quốc trong khi đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa nhưng vẫn triển khai chủ trương xây dựng nông thôn mới với mục tiêu môi trường cảnh quan từng địa phương phải được đảm bảo truyền thống lịch sử văn hóa được giữ gìn nhưng có đời sống sinh hoạt ngang thành thị.

Vâng, nông dân ở nông thôn mà có đời sống sinh hoạt ngang thành thị, thì quá tuyệt vời. Được như vậy thì ở nông thôn ắt sướng hơn thành thị, vì có những cảnh quan trong một không gian rộng rãi, khác hẳn sự chen chúc ở phố phường. Đó phải chăng chỉ là một giấc mơ?

Người dân Việt Nam mình cũng có quyền mơ thế. Nhiều khi sống bằng giấc mơ cũng vui. Nhưng nếu cứ lệ thuộc vào giấc mơ thì con người nhiều khi sẽ biến nó thành ảo tưởng. Phải trở về với thực tại. Quả thật, thực tại cũng đang biến đổi hàng ngày. Tầm nhìn ở nông thôn mình cũng đã thoát khỏi lũy tre làng. Mà tre làng cũng chẳng còn là bao. Những bức tường xây bao quanh các ngôi nhà đã thay thế lũy tre bụi duối, bởi ý chí của người nông dân Việt Nam đã được hun đắp bao đời. Chả thế mà nước Pháp gần đây đã phải dựng bia ghi công 20.000 người “lính thợ” Việt Nam bị cưỡng bức tới vùng Camargue từ năm 1939 để trồng lúa nước, cứu đói cho nước Pháp thời bấy giờ.

Ngày nay, nhiều địa phương đã được công nhận danh hiệu “Nông thôn mới”. Xã tôi cũng đã có lần nhắn nhủ con cháu đi xa về quê để cùng xã đón nhận danh hiệu này. Tưng bừng như một lễ hội. Cờ dong trống mở. Tiệc tùng vui từ sáng tới tối mịt. Nhìn ai cũng thấy rạng rỡ, tươi vui. Nhưng đó cũng mới chỉ là bộ mặt của ngày hội. Còn biết bao điều trăn trở về cuộc sống để làm bộ mặt của làng quê đổi thay, tươi đẹp nhiều hơn nữa.

Nhưng tôi nghe trong ngọn gió xuân có hơi ấm của thiều quang, có hương thơm của ngày mới, có sắc màu của tương lai đang tỏa khắp làng quê mà tôi từng gắn bó…

Widget 'Chân trang - Nông thôn mới'

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất