, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 12/04/2024, 11:21

Nghề “ăn ong” của người dân xứ rừng U Minh Hạ

PV
Mùa hạn cũng là mùa đất đai nứt nẻ, cây cỏ héo khô. Thế nhưng đối với cây tràm thì đây lại là mùa ra hoa, mùa của ong hút mật làm tổ.
Mùa hạn là mùa cây tràm ra hoa, mùa của ong hút mật làm tổ.

Như một thông lệ, khi cơn mưa cuối mùa ngớt hạt cũng chính là lúc người dân xứ rừng U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau) chuẩn bị kèo để gác đợi ong. Từ đầu tháng 11 âm lịch, ong lũ lượt kéo nhau về các cánh rừng xanh mướt xứ U Minh Hạ để tìm nơi xây tổ. Nghề gác kèo ong và ăn ong cũng bắt đầu từ đó cho đến cuối tháng 4 năm sau, khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu rớt hạt.

Nghề ăn ong không cần trang bị gì nhiều, chỉ cần có kinh nghiệm. Bởi, người có dày dạn kinh nghiệm ăn ong mới hiểu được đặc tính của loài ong, mới biết được nơi chúng thích ở và làm tổ để chọn gác kèo.

Thu hoạch mật ong tại rừng tràm vùng U Minh Hạ.

Kèo gác có thể được làm từ cây cao chẻ đôi, cây dừa xẻ dọc từng miếng nhỏ hay cây tre, cây tràm, thậm chí là người nhiều kinh nghiệm có thể gác bằng cây bình bát - ong vẫn xuống hơn 80% trên tổng số kèo.

Người ăn ong luôn chú trọng đến ngọn lửa. Họ quấn xơ dừa thật chặt để không rớt tàn lửa gây ra cháy rừng, cháy bầy ong, cháy “nồi cơm của họ”. Bên cạnh đó còn một luật bất thành văn nữa mà người ăn ong nào cũng nằm lòng, đó là chỉ lấy 2/3 lượng mật, không cắt hết tàn ong non. Phải chừa lại một ít mật để ong non được tiếp tục phát triển, ong già tiếp tục duy trì việc hút mật nuôi con mà không bỏ tổ đi nơi khác.

Hun khói cho ong bay ra khỏi tổ để thu hoạch mật.

Mùa nắng, mùa của cây cối héo khô nhưng cũng chính mùa nắng làm cho chất lượng mật tốt nhất, đặc quánh nhất, không lẫn nước mưa, mật có vị ngọt thanh, không chua, để lâu vẫn giữ nguyên màu vàng óng.

Sau một mùa lấy mật, người thợ rừng thường không di dời kèo ong mà chỉ dọn cỏ, thay kèo. Kinh nghiệm của những người thợ gác kèo ong cho biết con ong thường sống gắn bó với những cây kèo êm, thuận lợi cho việc sinh sản. Năm nào gió lớn thì ong xuống kèo thấp, năm nào gió nhỏ thì ong lên kèo cao.

Mùa nắng là khoảng thời gian mật ong có chất lượng tốt nhất.

Rừng tràm U Minh Hạ rộng hơn 35.000ha trải dài trên hai huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời. Hiện tại, có hàng ngàn người dân đang sống dựa vào khai thác những sản vật dưới tán rừng, trong đó có nghề gác kèo ong. Đây là một trong những nghề rất đặc biệt ở Cà Mau được truyền từ đời này, sang đời khác và là một trong những nét văn hóa đặc sắc của cư dân vùng rừng tràm U Minh Hạ.

Mật ong đã nuôi sống, giữ chân những người thợ rừng và cũng chính những người thợ rừng đã nuôi dưỡng, trồng thêm cây rừng để có nhiều hoa nuôi sống bầy ong. Ong và người dân xứ rừng U Minh Hạ đã sống gắn bó, tình nghĩa với nhau như thế từ đời này qua đời khác, biết bao thế hệ sinh ra, lớn lên và lưu truyền gìn giữ mối quan hệ đó cùng phát triển.

Năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chứng nhận nghề gác kèo ong ở huyện U Minh và Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

(Bài do Tạp chí điện tử Nông thôn Việt phối hợp với Truyền hình báo Tuổi Trẻ thực hiện)

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Một trận mưa xối xả, ào ạt khiến không gian ở quê trở nên mát lành hơn bao giờ hết.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất