, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 06/01/2022, 06:15

Nghề đan xơ dừa một thời vang bóng

HỒNG LÂM
Cả xã Tam Hải (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) gần như được phủ kín bởi những rừng dừa xanh ngắt. Từ loại cây trồng chắn gió, chắn sóng này mà nghề đan xơ dừa nổi tiếng ở làng Bình Trung thuộc xã Tam Hải ra đời.
Công đoạn se xơ dừa

Theo các cụ cao niên, làng nghề xơ dừa Bình Trung hình thành từ nhu cầu sử dụng dây cột trên thuyền buồm của ngư dân trong những chuyến ra khơi. Sản phẩm của làng nghề ban đầu chỉ đơn thuần là dây dừa, sau đó mới phát triển thêm các sản phẩm khác như thảm, nệm để phục vụ xuất khẩu.

Nghề đan xơ dừa không khó, không “kén” thợ, nguyên liệu cũng dồi dào vì dừa trên đảo rất nhiều. Tuy nhiên, để có được sản phẩm có độ bền cao, cần nhiều thời gian để xử lý phần nguyên liệu. Vỏ dừa tươi được ngâm nước trong 6 tháng cho mềm rồi mang đi đập cho lớp vỏ mỏng bên ngoài bong ra, còn lại phần xơ thì đem phơi cho thật khô. Người thợ sẽ dùng tay kẹp từng nhúm xơ dừa se lại với nhau thành những sợi nhỏ, rồi tiếp tục xoắn những sợi nhỏ thành sợi lớn. Tùy từng sản phẩm mà thợ làm xơ dừa se thành sợi to nhỏ khác nhau và cuối cùng, bện hoặc đan những sợi dây dừa này lại thành nệm, thảm.

Giai đoạn hưng thịnh nhất của làng nghề là từ 1975 - 1986. Lúc ấy, cả xã có đến 500 hộ tham gia sản xuất với nhiều loại sản phẩm khác nhau, nhiều nhất là các loại thảm xơ dừa xuất sang Đông Âu. Mỗi tháng, làng có thể cho ra đời 500 tấn sản phẩm. Từ khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, làng nghề dần suy tàn vì không còn thị trường tiêu thụ. Trong nước, thảm và nệm xơ dừa cũng không cạnh tranh nổi với các loại thảm nhựa, thảm sợi nhân tạo. Dân trong làng lần lượt tìm nghề khác có thu nhập ổn định hơn để làm.

Ngày nay, có dịp về xã đảo Tam Hải, du khách vẫn có thể bắt gặp các bà, các mẹ lớn tuổi ngồi cặm cụi se xơ dừa để dùng vào các việc của gia đình dưới những gốc dừa già rượi mát. Với người vùng biển, sợi làm từ xơ dừa vẫn là thứ đồ dùng cần thiết và bền bỉ. Và có lẽ, với người già, ngồi se xơ dừa, đan sợi cũng là cách để hoài niệm, để níu giữ chút dư âm hưng thịnh của nghề, để nhắc nhở cho con cháu truyền thống của làng…

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Đến Rạch Cái Sơn (thành phố hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) vào những ngày này, du khách sẽ bị mê hoặc bởi hàng chục chiếc bè trồng sen đang khoe sắc rực rỡ, làm cho dòng kênh thơ mộng hơn bao giờ hết.

Nổi bật
Được quan tâm


Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất