, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 09/09/2022, 17:28

Nghề khai thác dầu rái ở Đại Lộc

THIÊN HƯƠNG
Nghề khai thác dầu rái ở xã Đại Thạnh ( huyện Đại Lộc, Quảng Nam) khá vất vả và nguy hiểm, nhưng đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân nơi đây.

Theo người dân xã Đại Thạnh, cây dầu đột tím mọc khắp các cánh rừng trên địa bàn xã, với diện tích hơn 200ha, nhiều nhất là khu vực hố Cua (thôn An Bằng). Mỗi năm người dân đi khai thác dầu khoảng 6 tháng, trừ những tháng mùa mưa, và khi cây dầu ra lá.

Để khai thác dầu rái, người dân dùng rìu đẽo một lớp vỏ bên ngoài thân cây.

Theo chân ông Nguyễn Xuân Trình (56 tuổi, thôn An Bằng, xã Đại Thạnh) đi lấy dầu rái ở hố Cua (xã Đại Thạnh), ông Trình cho biết, ông làm nghề lấy dầu rái hơn 30 năm. Gia đình ông có khoảng 900 cây dầu rái mọc từ nhiên trong đất rẫy.

Để lấy được dầu rái, ông dùng rìu chuyên dụng để gọt cây dầu rái. Sau khi gọt xong, ông dùng đèn khò có gắn bình ga mi-ni để đốt lửa vào vết cắt trên cây, sau khoảng 3 ngày vào lại rừng để lấy dầu. Sau 10 - 15 ngày sẽ dạt lại vỏ cây khoảng 0,5cm để cây cho lớp dầu mới. Mỗi tháng ông khai thác dầu 2 lần, với trữ lượng khoảng được 6 thùng loại 20l. Mang về bán cho thương lái tại địa phương với giá 450 ngàn đồng/thùng.

Dụng cụ để cạo dầu rái được làm từ rễ cây ui, hoặc bồng bồng và đèn khò có gắn bình ga mini. 

“Trước đây, tôi và nhiều người dân địa phương dùng củi để đốt vào thân cây để lấy dầu, nhưng không hiệu quả vì dễ bị mưa ướt và nguy cơ cháy rừng. Sau đó, thấy người dân ở dưới đồng bằng dùng đèn khò để đốt dầu hắc, nên tôi thử dùng đèn khò để hơ lửa cây dầu rất hiệu quả. Cạnh đó, để cạo dầu phải dùng rễ cây ui hoặc cây bồng, vì 2 loại cây này có xơ, thích hợp dùng gạt dầu rái” – ông Trình giải thích.

Ông Phạm Văn Hoàng (1969, thôn An Bằng, xã Đại Thạnh, Đại Lộc) cho hay, cây dầu mọc tự nhiên trong rừng. “Mỗi năm, tôi khai thác dầu rái từ tháng Giêng đến tháng Bảy, sau đó đợi 3 tháng cây thay lá và tiếp tục lấy dầu. Sau mỗi lần lấy dầu, tôi diệt mối để khỏi ăn thân cây. Mỗi năm tôi thu được 10 triệu đồng từ bán dầu rái” – ông Hoàng nói.

Được biết, dầu thô từ cây dầu đột tím được người dân xã Đại Thạnh bán cho thương lái ở các vùng ven biển thuộc các huyện, thị, thành phố như Hội An, Núi Thành, Thăng Bình và các tỉnh khác ở miền Trung dùng làm trét ghe, thuyền đi biển.

Ông Trình đang dùng đèn khò để hơ vào vết cắt trên thân cây dầu, sau 3 ngày thu dầu về bán cho thương lái.

Nghề khai thác dầu rái khá nguy hiểm vì đi đường rừng dễ bị rắn độc cắn, muỗi đốt, té ngã. Tùy theo số lượng cây dầu rái mọc ở đất rẫy mỗi gia đình mà lượng dầu thu được khác nhau, bình quân mỗi hộ bán được 10 - 60 triệu đồng tiền dầu/năm. 

Ông Ngô Văn Chi (thôn An Bằng, xã Đại Thạnh) chuyên mua dầu rái cho biết, sản phẩm từ cây dầu có 2 loại chính là dầu tía (nước lỏng) và dầu trắng (nước lỏng để đặc lại). Mỡ dầu làm váng nổi trên mặt, được coi là sản phẩm tốt nhất, dùng để đánh bóng nón lá (gọi là kéo dầu). Dầu rơi vãi ra ngoài máng, khô cứng lại gọi là ngược chai. Loại chai khô đóng trên mặt máng, xô, thùng, gọi là chài chò hay chai bóng.

“Tôi mua dầu thô của người dân, về dùng tấm mành bằng sắt hoặc tre để lọc bỏ xác cây, sau đó cho vào túi ni lông và thùng để cân bán cho thương lái ở các vùng biển khắp các tỉnh miền Trung. Trước đây, ở xã Đại Thạnh có chợ bán dầu diễn ra khá sầm uất, người dân khắp nơi đổ về thu mua, và đánh giá dầu ở địa phương chất lượng tốt. 

Những năm gần đây, người dân ít đi khai thác dầu, nên cảnh mua bán không còn nhộn nhịp. Dầu rái khi trét vào ghe thuyền sẽ không gây thấm nước, dầu rái khi xuống nước không có mùi hôi nên cá tôm không tránh xa ghe thuyền sau mỗi lần ra khơi” – ông Chi chia sẻ.

Dầu rái sau khi lọc.
Xác dầu rái dùng nhen lửa khá hiệu quả.
Người dân trữ dầu.
Chợ bến dầu ở Đại Thạnh nơi diễn ra mua bán khá sầm uất.
Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất