, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 11/03/2023, 07:41

Nghệ thuật Họa kim sa tôn vinh nét đẹp văn hóa dân gian

NGỌC LIÊN
(nhandan.vn)
Bị thu hút bởi vẻ đẹp rực rỡ, tươi sáng của các trang trí pháp lam trên cung điện, lăng tẩm ở Huế, Nguyễn Hoàng Anh và nhóm Họa Gấm đã tìm hiểu, khôi phục kỹ thuật chế tác pháp lam, sáng tạo nên kỹ thuật mới mang tính ứng dụng, phù hợp thị hiếu và thẩm mỹ hiện đại.
Nguyễn Hoàng Anh (ngoài cùng bên phải) cùng các thành viên nhóm Họa Gấm trong buổi ra mắt bức tranh Ngũ Hổ thần tướng.

Hồi sinh nghệ thuật đã thất truyền

Kỹ nghệ chế tác pháp lam xuất hiện thời nhà Nguyễn và chỉ tồn tại trong khoảng 60 năm, sau đó thu hẹp dần và gần như thất truyền. Vẻ đẹp lộng lẫy, sắc sảo của các di sản pháp lam Huế vẫn còn lưu giữ trên bờ mái, bờ nóc, mảng trang trí ở các lăng tẩm, tam quan, quần thể di tích tại Cố đô Huế. Ấn tượng bởi sự tinh xảo, cầu kỳ của các sản phẩm pháp lam này, từ năm 2017, Nguyễn Hoàng Anh, một cô gái trẻ tốt nghiệp khoa Thiết kế đồ họa, Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp (Hà Nội) tập trung tìm hiểu nguồn gốc, dịch tài liệu nước ngoài, tham khảo video về các phương pháp chế tác với mong muốn hồi sinh kỹ thuật làm pháp lam.

Là kỹ thuật tráng men trên cốt kim loại, rồi đem nung ở nhiệt độ cao, kỹ thuật chế tác pháp lam Huế bắt nguồn từ Trung Quốc, với hai kỹ thuật phổ biến là họa pháp lam và ngăn ô chia hộc kháp ty pháp lam (hay còn gọi là Cảnh Thái Lam). Tuy phương thức chế tác và tên gọi khác nhau, những tác phẩm trang trí còn lưu lại cho thấy sự sang trọng, xa xỉ của một dòng men chỉ xuất hiện ở cung vua, phủ Chúa.

Tiếp cận và tìm hiểu cách thức chế tác kỹ nghệ Cảnh Thái Lam, Nguyễn Hoàng Anh nhận thấy kỹ thuật truyền thống vô cùng phức tạp, cầu kỳ, phải trải qua 7 công đoạn chính và 108 bước phụ, trong đó khó khăn nhất là gia nhiệt 6000C ở lò nung để hoàn thiện sản phẩm. Nếu muốn đưa nghệ thuật đã thất truyền quay trở lại thì cách thức thực hiện phải đơn giản và hiện đại, dễ tiếp cận và thực hiện.

Dành thêm hai năm tiếp tục thử nghiệm, chọn ra nguyên liệu tốt nhất, đồng thời cải tiến, biến đổi kỹ thuật gốc, Nguyễn Hoàng Anh đã tối giản thành nghệ thuật mô phỏng với ba công đoạn: uốn tơ đồng, điểm lam và tráng men, định hình được kỹ thuật mới với tên gọi Họa kim sa, trong đó họa là vẽ, kim là nguyên liệu kim loại tạo nên cốt bức tranh và sa là cát mầu tạo nên linh hồn bức tranh.

Cải tiến quan trọng nhất để đưa môn nghệ thuật này phổ biến rộng rãi và tiếp cận được với giới trẻ, chính là thay thế bước gia nhiệt ở 6000C bằng tráng men với keo mềm epoxy resin. Sự thay thế này không làm mất đi vẻ đẹp của các sản phẩm làm theo kỹ thuật cổ mà còn giúp các bước thực hiện trở nên dễ dàng hơn, nhiều người có thể tự tay làm những sản phẩm trang trí ứng dụng trong cuộc sống.

Với suy nghĩ nghệ thuật chỉ có thể tồn tại khi được nhiều người biết đến, thực hành và ứng dụng, Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ về quá trình cải biến, phát triển kỹ thuật mới: Tuy giản lược một số bước nhưng ở trong từng công đoạn, người làm cần có sự khéo léo và tỉ mỉ. Thí dụ, để làm một vật dụng nhỏ theo kỹ thuật Họa kim sa cần 5 đến 7 ngày; để hoàn thiện một chiếc ốp điện thoại cần từ 10 đến 15 ngày.

Tuy giản lược một số bước nhưng ở trong từng công đoạn, người làm cần có sự khéo léo và tỉ mỉ. Thí dụ, để làm một vật dụng nhỏ theo kỹ thuật Họa kim sa cần 5 đến 7 ngày; để hoàn thiện một chiếc ốp điện thoại cần từ 10 đến 15 ngày.

Nguyễn Hoàng Anh

Ðam mê với Họa kim sa, năm 2020 Nguyễn Hoàng Anh đã thành lập nhóm Họa Gấm với mong muốn tôn vinh nét đẹp văn hóa và nghệ thuật cổ truyền Việt Nam thông qua kỹ thuật mới này. Cô bắt đầu ứng dụng Họa kim sa trong trang trí các sản phẩm lưu niệm, kết hợp trên các chất liệu gỗ, nhựa như ốp điện thoại, lót cốc, bưu thiếp, lịch, quạt giấy, túi..., tổ chức các tọa đàm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trực tiếp hướng dẫn các bạn trẻ tiếp cận, thực hành và trải nghiệm.

Lấy cảm hứng tranh dân gian Ðông Hồ, tranh Hàng Trống, những chiếc ốp điện thoại, hộp gương, quạt giấy, móc chìa khóa trở nên sinh động với hình ảnh Em bé ôm gà, Em bé ôm vịt, Gà đàn, Lợn đàn, Lý ngư vọng nguyệt... Không chỉ xuất hiện mỗi dịp Tết đến xuân về, mà hoa văn, hoạ tiết, hình ảnh văn hóa dân gian truyền thống thường xuyên đồng hành cùng các bạn trẻ trên túi xách, điện thoại, trang sức, góp phần lan tỏa, quảng bá nét đẹp văn hóa Việt Nam.

Với niềm tin mạnh mẽ, những giá trị nghệ thuật cổ truyền sẽ được người trẻ lưu giữ và tạo nên những giá trị mới hiện đại, hài hòa, Nguyễn Hoàng Anh đã dần khẳng định bước đầu thành công với những thành quả nhỏ bé của mình.

Hình hài mới trên nền giá trị xưa

Ðầu tháng 3, sự kiện ra mắt bức tranh dân gian Ngũ Hổ thần tướng thuộc dòng tranh Hàng Trống được chuyển thể và hoàn thiện bởi kỹ thuật Họa kim sa, đánh dấu một hướng đi đúng của môn nghệ thuật này. Trên tinh thần tôn trọng nguyên gốc từ bố cục đến mầu sắc, 10 thành viên nhóm Họa Gấm thực hiện trong hơn 300 giờ, bức tranh Ngũ Hổ thần tướng rất oai nghiêm, đường bệ, sinh động và cuốn hút với mầu sắc rực rỡ, nổi bật. Kỹ thuật uốn dây đồng tỉ mỉ đã tạo hiệu ứng nổi 3D cùng sự chuyển sắc độ sáng tối góp phần tăng tính uyển chuyển, mềm mại và giá trị nghệ thuật cho bức tranh.

Yêu thích và nghiên cứu dòng tranh dân gian Hàng Trống nên ngay khi tốt nghiệp đại học, Nguyễn Hoàng Anh đã tìm đến Nghệ nhân tranh dân gian Hàng Trống Lê Ðình Nghiên để tìm hiểu, lắng nghe, học hỏi và chụp ảnh lưu trữ toàn bộ các bức vẽ này.

Ấp ủ một kỹ thuật chế tác đơn giản, phù hợp với thị hiếu và thẩm mỹ hiện đại, góp phần phổ cập và nhân rộng các dòng tranh dân gian cùng với niềm đam mê nghệ thuật đã dẫn dắt Nguyễn Hoàng Anh biết đến pháp lam Huế, rồi tham khảo, cải tiến, biến đổi để định hình ra kỹ thuật Họa kim sa có tính ứng dụng cao. Ðến nay Họa kim sa đã tiếp cận loại tranh thờ của dòng tranh dân gian Hàng Trống. Không giấu được xúc động khi giới thiệu thành quả của nhóm Họa Gấm, Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ: Sự tinh tế của tranh dân gian Việt Nam thể hiện qua các nét vẽ và mầu sắc.

Từ bức tranh gốc, nhóm dựng đồ họa, chuyển nét và thực hiện các bước của nghệ thuật Họa kim sa. Những sợi dây đồng mảnh, dẹt được dính bằng keo chuyên dụng lên bề mặt phẳng nhằm tạo nên các vách ngăn để đưa cát mầu vào. Cát được giã nhỏ, mịn từ đá thạch anh rồi nhuộm mầu, sau đó dùng keo chuyên dụng hòa với nước tạo dung môi trộn với cát mầu. Thay vì phải gia nhiệt lên đến 6000C, nhóm đã dùng chất liệu mới epoxy resin để tráng bóng, giữ được mầu sắc nguyên bản của dòng tranh Hàng Trống.

Bộc lộ sự ngạc nhiên khi xem bức tranh Ngũ Hổ thần tướng do các bạn trẻ thế hệ 9X thực hiện bằng kỹ thuật mới, Nghệ nhân tranh dân gian Hàng Trống Lê Ðình Nghiên vô cùng hào hứng.

Ông không giấu nổi niềm vui: "Bức tranh Ngũ Hổ thần tướng rất đẹp, trung thành với tranh gốc cổ xưa các cụ làm. Tôi thấy vui vì nhiều năm trở lại đây, các bạn trẻ ngày càng quan tâm đến nghệ thuật truyền thống, biết khai thác các yếu tố, văn hóa và chất liệu dân gian trong sáng tạo nghệ thuật".

Bức tranh Ngũ Hổ thần tướng rất đẹp, trung thành với tranh gốc cổ xưa các cụ làm. Tôi thấy vui vì nhiều năm trở lại đây, các bạn trẻ ngày càng quan tâm đến nghệ thuật truyền thống, biết khai thác các yếu tố, văn hóa và chất liệu dân gian trong sáng tạo nghệ thuật.

Nghệ nhân Lê Ðình Nghiên

Sinh ra trong gia đình đã nhiều đời làm tranh Hàng Trống, nhiều năm làm công tác bảo tàng, phục dựng tranh cổ và là người kế nghiệp giữ gìn nghề ông cha qua nhiều thế hệ, ông thấy vững tâm vì không còn lo sợ yếu tố ngoại lai làm "bay" mất văn hóa dân tộc. Sức sống văn hóa Việt Nam vô cùng mãnh liệt, không dễ bị lấn át và sẽ được các bạn trẻ gìn giữ, phát huy.

Có thể thấy, kho tàng văn hóa dân gian truyền thống Việt Nam vô cùng và dồi dào, vừa là chất liệu, vừa là nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều người làm nghệ thuật. Những người trẻ hiện nay đang xâu chuỗi, liên kết, phát huy các giá trị thẩm mỹ, tinh thần và tín ngưỡng trong các dòng tranh dân gian để sáng tạo những sản phẩm đặc sắc.

Chất liệu dân gian đã góp phần tạo nên thành công cho họa sĩ trẻ Xuân Lam với triển lãm Vẽ lại tranh dân gian; Nguyễn Việt Nam thành công với chuỗi cửa hàng Tired City - thương hiệu sáng tạo dành cho giới trẻ, giới thiệu các sản phẩm quần áo thời trang, tranh in, phụ kiện lấy cảm hứng từ văn hóa bản địa, tạo nên yếu tố mới lạ trong âm nhạc...

Và đây, Nguyễn Hoàng Anh cùng các bạn trẻ nhóm Họa Gấm mang tham vọng không chỉ tiếp tục phát triển nghệ thuật Họa kim sa ứng dụng trên các dòng tranh làng Sình, tranh Kim Hoàng, mà còn mong muốn đưa nghệ thuật cổ của các quốc gia kết hợp với văn hóa Việt Nam, tạo nên những sản phẩm mới mang nét đẹp hài hòa của sự giao thoa.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất