, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 04/10/2019, 08:14

Nghề trồng nấm ở Việt Nam: Giá trị chưa tương xứng tiềm năng

PHÚ LI

Nấm - dù là loại dùng cho thực phẩm hay dược phẩm, cũng đều đã và đang được ưa chuộng trên thị trường thế giới với trị giá lên đến hàng chục tỉ USD. Vậy nhưng tại Việt Nam - vốn là nước có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mặt hàng này, lại chưa thể tạo được giá trị tương xứng. Đó là sự lãng phí tiềm năng thật đáng tiếc.

 

Tiềm năng sẵn có…

Phát triển nghề trồng nấm mang lại nhiều ý nghĩa, không những tận dụng hiệu quả nguồn phế thải từ nông nghiệp, dọn sạch đồng ruộng, giải phóng đất đai cho mùa vụ mới, mà còn góp phần giải quyết việc làm cho một lực lượng lao động lớn ở nông thôn với nhiều lứa tuổi. Đồng thời, nghề nấm tạo ra nhiều dịch vụ đi kèm như cung ứng rơm rạ, sản xuất meo nấm, thu mua, sơ chế… Điều quan trọng là nghề trồng nấm không đòi hỏi nhiều vốn đầu tư như các loại cây trồng khác, vì đầu vào chủ yếu là rơm rạ, mùn cưa và công lao động (chiếm khoảng 70-80% giá thành sản phẩm), lại hoàn vốn nhanh (20 - 30 ngày là có sản phẩm thu hoạch). Đây còn là hướng đi đặc biệt ý nghĩa với những người có ít đất canh tác.

Việc nghiên cứu và phát triển sản xuất nấm ăn ở Việt Nam bắt đầu từ những năm 1970, và khoảng 20 năm trở lại đây thì mặt hàng này được chú ý phát triển - không chỉ từ nông dân mà còn cả ngành chức năng. Đặc biệt, kể từ ngày 16/04/2012, theo Quyết định 439 của Thủ tướng Chính phủ, nấm ăn và nấm dược liệu được đưa vào danh mục sản phẩm quốc gia được ưu tiên đầu tư phát triển.

Thực tế, nghề trồng nấm đã phát triển rộng khắp các tỉnh phía Nam và đang mang lại hiệu quả tốt về mặt kinh tế và xã hội. Tiến sĩ Trần Văn Khởi - Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết theo thống kê của Tổ chức Nông lương thế giới, sản lượng nấm ở nước ta được xếp hàng thứ 9 trong khu vực.

Hiện nay, Việt Nam đã sản xuất được khoảng 16 loại nấm. Trong đó, các tỉnh phía Nam chủ yếu trồng nấm rơm, nấm mộc nhĩ, nấm bào ngư; các tỉnh phía Bắc trồng nấm hương, nấm sò, nấm linh chi... với tổng sản lượng hàng năm đạt khoảng 250.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 25 - 30 triệu USD (không tính xuất khẩu tiểu ngạch).

Là nước có điều kiện khí hậu thuận lợi và đặc biệt là nguồn phế phẩm trong nông, lâm nghiệp như rơm rạ, trấu, mùn cưa, bã mía, thân cây gỗ… rất lớn (ước tính khoảng 40 triệu tấn), Việt Nam hoàn toàn có thể thu về những giá trị to lớn từ việc trồng nấm. Theo ước tính, chỉ cần sử dụng từ 10 - 15% lượng nguyên liệu sẵn có, Việt Nam đã có thể sản xuất đến 1 triệu tấn nấm/năm.

…Nhưng phát triển chật vật

Dù có tiềm năng là thế, nhưng so với các nước trong khu vực và thế giới thì sản xuất nấm của Việt Nam hiện nay khá chật vật. Không khó để tìm được những mô hình làm giàu từ việc trồng nấm trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc mạng internet, nhưng cũng không hiếm trường hợp người trồng nấm lắm phen chao đảo khi giá cả không ổn định, thậm chí thua lỗ bởi những hạn chế trong công nghệ, công tác giống, năng suất, chất lượng và sự đa dạng sản phẩm. Việc sản xuất nấm vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có sự đầu tư đúng mức cho sơ chế, chế biến, bảo quản. Cũng vì lẽ đó mà nấm xuất khẩu của Việt Nam có giá thấp hơn những nước khác, có khi chỉ bằng 60% so với Trung Quốc.

Ở những nước cũng có nghề trồng nấm như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… do nguồn nguyên liệu tại chỗ quá thiếu nên họ buộc phải tốn một khoản chi phí nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ sản xuất. Mặc dù vậy, họ vẫn phát triển rất thành công và lợi nhuận mà họ thu về là không hề nhỏ. Đơn cử như Hàn Quốc, dù phải nhập khẩu nguyên liệu (rơm rạ hay mùn cưa…) từ Việt Nam và Trung Quốc để trồng nấm, nhưng ngay từ năm 2008, tổng giá trị của ngành sản xuất nấm ở nước này đã đạt gần 8 tỉ USD. Hàn Quốc cũng đồng thời xuất khẩu nấm sang 80 quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Ngay cả trong thị trường nội địa, nấm Việt cũng phải chật vật cạnh tranh với nấm nhập ngoại, chủ yếu từ Trung Quốc, vốn có giá rẻ hơn từ 50-70% dù cùng chủng loại. Chưa kể, nếu như nhu cầu tiêu thụ nấm trên thị trường thế giới đang ngày càng tăng (nhiều nhất là tại các nước Châu Âu và Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan… với lượng tiêu thụ bình quân khoảng 4 - 6kg/người/năm và tăng trung bình 3,5%/năm), thì tại Việt Nam, việc tiêu thụ nấm chủ yếu chỉ phổ biến trong nhóm người hay ăn chay, và người tiêu dùng cũng chưa biết hết được những giá trị to lớn về dinh dưỡng, cũng như dược tính của nấm.

Đánh trống bỏ dùi

Từ năm 2013, Bộ NN&PTNT Việt Nam đã có đề án phát triển nấm ăn và nấm dược liệu đến năm 2020. Theo đó, nấm ăn và nấm dược liệu sẽ trở thành ngành sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô công nghiệp, từng bước ứng dụng công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ; xây dựng thương hiệu nấm của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế, tạo ra nguồn hàng hóa lớn có giá trị kinh tế cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; góp phần giải quyết việc làm, bảo vệ môi trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. 

Một trong những “mốc” phấn đấu của đề án là đến năm 2015, cả nước sản xuất và tiêu thụ khoảng 400.000 tấn nấm các loại, xuất khẩu đạt 150 - 200 triệu USD/năm. Đến năm 2020, sản xuất tiêu thụ nấm sẽ tăng lên 1 triệu tấn/năm và đưa giá trị xuất khẩu lên 450 - 500 triệu USD/ năm.

Giá xuất khẩu 1 tấn nấm (khoảng 1.500USD đến trên 2.000USD tùy loại) thường cao gấp 3 lần so với gạo và cũng không hề kém cạnh nếu so với cà phê hay cao su.

Tuy nhiên, tính đến nay thì các con số thực tế trong ngành nấm cho thấy đề án nói trên gần như thất bại. Chưa bàn đến chuyện xuất khẩu, việc phải chật vật ngay tại thị trường nội địa của nấm Việt đã cho thấy sự yếu kém trong công tác tiếp thị mặt hàng này. Trong khi ở những nước khác, người tiêu dùng sẵn sàng mua một kí nấm mỡ tươi với giá đắt hơn so với một kí thịt bò thì ở Việt Nam, chuyện đó đối với các bà nội trợ gần như được xem là điên rồ. Như trên có nói, phần đông người tiêu dùng Việt vẫn chưa biết hết được những giá trị mà nấm mang lại cho sức khỏe của họ. Do đó, khi đứng trước một loại nấm có giá bán cao một chút, họ liền đắn đo với bài toán chi tiêu. Không chỉ vậy, việc nấm Việt có giá bán cao hơn (trong khi các loại nấm để xuất khẩu thì thường có giá thấp hơn) so với nấm nhập cũng là vấn đề chưa giúp gia tăng được việc tiêu thụ nội địa.

 

 

Những nước thu được nhiều giá trị từ nấm hiện nay gần như đều đang sản xuất mặt hàng này theo hướng công nghiệp với mức độ cơ giới hóa cao. Các khâu từ xử lí nguyên liệu cho đến thu hái và chế biến đều do máy móc thực hiện. Qua đó, năng suất luôn cao và giá thành sản phẩm cũng rất cạnh tranh. Bởi, dù có tốn chi phí nhập khẩu nguyên liệu, nhưng bù lại, họ tiết giảm khá nhiều nhân công. Ở Việt Nam, chi phí cho công lao động còn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu giá nấm. Tuy nhiên, để đầu tư công nghệ hiện đại cho trại nấm của mình, vấn đề “muôn thuở” của nông dân Việt vẫn là đồng vốn.

Tháng 7 vừa qua, tại diễn đàn Phát triển sản xuất nấm ăn theo hướng công nghệ cao do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Sở NN&PTNT An Giang tổ chức ở địa phương này, những tồn tại cũng như giải pháp cho nghề trồng nấm tại Việt Nam lại được nói đến. Trong đó nổi bật là quy hoạch từng vùng về chủng loại nấm, mùa vụ sản xuất, gắn sản xuất với thị trường, tăng cường sản xuất theo hình thức cộng đồng nông dân như hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác… đồng thời tiếp tục chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến nông dân và thực thi các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất về xây dựng thương hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại sản phẩm phục vụ tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu.

Tuy nhiên, cũng giống như đề án từ năm 2013 của Bộ NN&PTNT, dù cho tiềm năng, hạn chế lẫn giải pháp đều đã được chỉ ra, nhưng nếu việc tổ chức thực hiện không có sự quyết tâm lẫn hỗ trợ thiết thực cho đến kỳ cùng từ những nhà hoạch định chính sách, thì rồi kết quả thu về vẫn chỉ là không đáng kể.

Do nấm rất được ưa chuộng trong chế biến thực phẩm chay, nên người sản xuất thường đợi các ngày chay để đưa nấm đi tiêu thụ cho được giá tốt. Nhưng hiện nay, do ngày càng có nhiều người trồng nấm nên việc đưa sản phẩm cung ứng trong cùng một khoảng thời gian nhất định đã tạo ra tình trạng dội hàng, khiến các ngày chay cũng không còn là dịp bán được nấm với giá cao.

PHÚ LI

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất