, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 03/11/2021, 10:41

Nghề xưa miếng bánh "chưa chộ đã sèm" ở Nghệ An

HUY THƯ
(baonghean.vn)
Đã qua rồi cái thời “bánh đúc trấy tro bán bò không kịp”, trải qua bao năm tháng người dân làm nghề nấu bánh đúc ở thị trấn Nam Đàn vẫn gắn bó với công việc để mưu sinh và gìn giữ một nghề truyền thống đã có từ lâu đời.

Người dân Nam Đàn thường truyền tụng câu ca: "Bánh đúc, bánh độ chưa chộ đã sèm" để nói về cái ngon của bánh đúc ở chợ Sa Nam. Bánh đúc từng là đặc sản, mang đậm chất ẩm thực vùng miền: “Sa Nam trên bến dưới đò/ Bánh đúc ba dãy thịt bò mê thiên”. Ngày nay, bà con làm nghề nấu bánh đúc quanh chợ Sa Nam không nhiều như trước, nhưng một số gia đình ở đây vẫn gắn bó với nghề truyền thống.

Để làm nên những chiếc bánh đúc phải qua nhiều công đoạn: làm khuôn, xay bột, nấu nấu bột, đổ bánh... Ngày xưa, khi nấu được bánh, người dân ở đây thường đổ bánh vào những chiếc mẹt, vào bát ăn cơm. Sau này, bà con đã cải tiến dùng mo cau cắt nhỏ, khoanh tròn, tạo thành những chiếc khuôn. Những năm qua, nhiều người lại cắt ống nhựa PV làm khuôn thay thế mo cau. Chiếc khuôn bằng ống nhựa có đường kính 8 cm dày 1,5 cm, lót lá chuối sẽ cho “xuất xưởng” những chiếc bánh đúc đều nhau.

Chị Hồ Thị Liễu (36 tuổi) ở khối Nam Bắc Sơn, thị trấn Nam Đàn cho biết, gia đình phía chồng của chị đã 3 đời làm nghề bánh đúc. Theo chị Liễu, bánh đúc làm từ bột gạo và nước vôi trong. Sau khi nấu sôi nước vôi thì đổ hỗn hợp bột gạo vào, đun đều lừa, quấy đều tay. Công đoạn nấu bánh đúc là khó nhọc nhất vì người nấu phải "ôm" nồi cả buổi và quấy bánh liên tục. Mùa đông, nấu bánh đúc thì còn đỡ chứ mùa hè thì rất nóng.

Ngày trước, bánh đúc Sa Nam được nấu trực tiếp từ gạo, sau này có cối xay, máy xay bột gắn động cơ thì nấu từ hỗn hợp bột gạo, do đó nghề nấu bánh đúc cũng đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên để nấu được 1 nồi bánh (khoảng 10kg gạo) cũng mất vài ba tiếng đồng hồ.

Khi bánh chín, phải nhắc ngay nồi xuống bếp và tiến hành múc bánh vào khuôn khi đang nóng. Gia đình chị Liễu mỗi ngày nấu khoảng 30 kg gạo, thường nấu vào lúc chập choạng và lúc rạng đông. Mỗi kg gạo có thể nấu được 20 - 25 chiếc bánh. Chị Liễu cho biết, thu nhập của nghề bánh đúc không đủ để làm giàu, nhưng cũng giúp gia đình chị ổn định cuộc sống.

Để nấu được bánh đúc ngon, theo những người làm nghề, trước hết cần phải chọn gạo chuẩn, nay bà con thường dùng gạo Khang Dân. Ngoài ra, kinh nghiệm, kỹ thuật pha chế, việc hãm lửa cũng rất quan trọng, nhất là lượng nước vôi cho mỗi nồi bánh. Một mẻ bánh ngon, chín tới, phải đảm bảo các yêu cầu “săn, mịn, đẹp màu”, bánh đông chắc, màu trắng sáng, giữ được hương vị.

Bà Trần Thị Hồng (50 tuổi) ở khối Vạn An, thị trấn Nam Đàn cho biết gia đình bố mẹ của bà ở xóm Bắc Sơn, xã Vân Diên (cũ) đã có 5 đời làm nghề nấu bánh đúc bán ở chợ Sa Nam và nhiều chợ quê trong huyện. Riêng bà, từ hồi học lớp 3 đã biết xay bột, theo mẹ nấu bánh đúc, rồi mang nghề này về nhà chồng và gắn bó suốt mấy chục năm qua.

Dẫu trên thị trường có nhiều thứ quà ngon, bánh lạ, nhưng bánh đúc cổ xưa, dân dã ở chợ Sa Nam vẫn được khách hàng trân trọng như một thứ đặc sản “hiếm có khó tìm”. Nhờ vậy, người dân làm nghề nấu bánh đúc ở thị trấn Nam Đàn cũng gắn bó, cũng yêu hơn nghề truyền thống.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất