, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 31/05/2021, 17:06

Nghề xưa vẫn đơm hoa kết trái

ANH PHƯƠNG

Làng Thiết Úng (xã Vân Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội) còn được gọi là làng Ống, hay Xa Lập Phường, trước Cách mạng Tháng Tám là một xã thuộc tổng Hà Lỗ, huyện Đông Ngạn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ngày nay, những cái tên nôm na, dân dã cũ của làng chẳng mấy người còn nhớ. Nhưng nghề thì trong làng chưa có ai quên.

Tác phẩm Nhất tâm bái Phật.

Đa dạng sản phẩm

Làng Thiết Úng ngày nay thực sự đã là phố với hàng chục xưởng mộc, hàng trăm gian hàng bày bán tượng thờ, đồ mỹ nghệ bằng gỗ cùng những chuyến xe ra vào tấp nập…

Anh Hoàng Minh Đức, một kiến trúc sư đến từ TP.HCM, cho biết anh thích những sản phẩm gỗ mỹ nghệ Thiết Úng bởi có sự hài hòa, sinh động và cũng phù hợp với nhu cầu cuộc sống ngày nay. “Giá cả cũng ở mức vừa phải. Bức tượng Phật Di Lặc này bằng gỗ nu hương, có kích thước 60x50x38, tôi mua ở cửa hàng Tuấn Thụ với giá 24 triệu đồng, khá ưng ý, tuy chưa phải thật sự tinh xảo. Cũng có nhiều sản phẩm tiền tỷ, nhưng rất đáng đồng tiền bát gạo” - anh Đức hồ hởi.

Theo số liệu từ Phòng Kinh tế huyện Đông Anh, làng Thiết Úng hiện có tới 95% hộ gia đình làm nghề mộc, 9 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội, trong đó có 2 người được công nhận danh hiệu Bàn tay vàng. Trong làng có khoảng 200 thợ cả có thâm niên nghề trên 20 năm.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Truyền - thế hệ thứ 4 tiếp nối làm nghề mộc - cho biết, làng nghề Thiết Úng không xác định được tổ nghề cũng như thời điểm nghề chạm khắc gỗ truyền thống xuất hiện. Tuy nhiên, thời nhà Nguyễn, thợ thủ công Thiết Úng đã nổi tiếng lành nghề; có 7 vị thợ giỏi của làng được vời vào cung để tham gia trang trí nội thất, xây dựng cung điện, lăng tẩm... Làng nghề được nhận sắc phong của triều đình ca ngợi tài khéo của những người thợ chạm khắc gỗ. Các đạo sắc phong ấy đến nay vẫn được trân trọng lưu giữ ở đình làng. Không ngồi đợi việc, những người thợ Thiết Úng nhanh nhẹn, tháo vát còn tổ chức thành từng tốp đi tới nhiều tỉnh thành cả nước để thi công công trình.

Tác phẩm đang được hoàn thiện.

Ngày nay, làng Thiết Úng vẫn đang làm cả hai dòng sản phẩm nội thất và mỹ nghệ. Nhiều sản phẩm được lưu truyền từ xa xưa, đến nay vẫn giữ nguyên kiểu dáng cổ truyền; nhưng cũng có nhiều dòng sản phẩm được sáng tác mới theo yêu cầu của khách, đặc biệt là khách hàng từ nước ngoài. Hàng trang trí nội thất do những người thợ ngang làm ra, sản phẩm chính là bàn ghế, tủ, giường các loại... Hàng mỹ nghệ, chủ yếu là tượng gỗ, mới thực sự là lĩnh vực của những người thợ lành nghề như ông Truyền. Tượng gỗ của làng nghề Thiết Úng phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã. Ngoài cả trăm mẫu mã “kinh điển”, người thợ còn có thể tạo ra nhiều sản phẩm riêng biệt theo yêu cầu của khách, chỉ cần có mẫu phác hoạ hoặc thậm chí chỉ mô tả. Đặc biệt, để chiều lòng khách du lịch, các nghệ nhân làng Thiết Úng đã sáng tạo thêm nhiều sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm nhỏ xinh như bút, móc khóa, lịch để bàn... được “cá biệt hóa” bằng cách khắc chữ, tên, logo...

Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh

Theo các nghệ nhân, bí quyết để có sản phẩm chạm khắc gỗ đẹp trước hết nằm ở công đoạn xử lý gỗ nguyên liệu. Trước tiên, người thợ phải chọn được loại gỗ tốt, ít cong vênh, rạn nứt, thớ gỗ dẻo mịn. Gỗ được loại bỏ giác (phần gỗ non phía ngoài cùng), sau đó, được “luộc”, tẩm, sấy trong nhiều ngày để gỗ khô vừa đủ, sau này sẽ không bị cong vênh do thời tiết. Tiếp đến là công đoạn pha gỗ, phải do nghệ nhân, thợ giỏi giàu kinh nghiệm thực hiện để tiết kiệm nguyên liệu đầu vào. Những thanh gỗ sau khi được pha sẽ được những thợ đục, thợ khảm tạo ra những bức tượng, hoa văn, hoạ tiết trang trí nghệ thuật. Sản phẩm cơ bản hoàn thành sẽ được làm sạch và trang trí (gọi là “gọt hàng”) và cuối cùng là làm bóng sản phẩm. Người thợ lăn sơn ta trên mặt gỗ, để khô, dùng đá cán cho phẳng, sau đó dùng trấu, lá ngái, lá chuối đánh bóng. Khi sản phẩm hoàn thiện thì dùng sáp ong xoa một lớp mỏng chờ khô rồi lấy giẻ sạch lau nhẹ nhàng cho đến khi sản phẩm bóng, đẹp như mong muốn.

Quy trình trên đến nay vẫn được duy trì, nhưng đã được vận dụng khoa học kỹ thuật ở hầu hết các khâu. Để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu lớn, đòi hỏi tính chính xác và độ đồng nhất cao, nhiều hộ sản xuất trong làng đã không ngần ngại đầu tư hàng trăm triệu đồng mua sắm các loại máy móc hiện đại, tiết kiệm được khá nhiều thời gian, công sức cho người thợ. Anh Ngô Đắc Tài (Cửa hàng Tuấn Thụ) cho biết, nhiều hộ sản xuất ở Thiết Úng đã đầu tư máy điêu khắc. Dùng máy, từ một tượng gốc có thể đục ra nhiều bức tượng khác giống y hệt. Máy điêu khắc ban đầu phải nhập, nhưng hiện một số xưởng cơ khí trong nước đã tự sản xuất được, nhờ đó giảm đáng kể giá thành, chỉ còn khoảng từ 100 - 350 triệu đồng/chiếc, tuỳ theo kích thước và cấu hình.

Tác phẩm đang được hoàn thiện bởi bàn tay nghệ nhân làng Thiết Úng.

Tuy nhiên, tượng đục bằng máy mới cho ra 80% thành phẩm. 20% còn lại mới là phần quyết định giá trị của sản phẩm - đây chính là đất dụng võ của những bàn tay vàng. “Thần thái của nhân vật làm tăng giá trị của tác phẩm, nó quyết định ranh giới giữa một tác phẩm nghệ thuật với một tác phẩm vô hồn. Mà thần thái đó thì chỉ người thợ giỏi mới làm được”, nghệ nhân Nguyễn Văn Truyền nói. Cũng là nhân vật Quan công, nhưng khi cưỡi ngựa Xích thố ra trận có vẻ mặt đằng đằng sát khí, tay vung thanh long đao quyết chiến với kẻ thù; khác với khi duyệt binh có vẻ mặt điềm đạm, uy nghi.

Điều rất thú vị nữa với tôi khi về thăm Thiết Úng là được nghe “Bài ca đất đẽo” (những người thợ điêu khắc gỗ thường được gọi nôm na là “thợ đẽo”). Tuy không rõ ai là tác giả, nhưng theo các cụ cao niên trong làng, bài ca dung dị này được sáng tác khoảng năm 1929 - 1931, thể hiện niềm tự hào về làng mộc truyền thống, vinh danh những nghệ nhân tài năng với những sản phẩm khác nhau. Bài ca khá dài, trong đó có đoạn:

“Đất lề, quê thói đã quen

Hàng năm thi thố thưởng khen rõ ràng

Giỏi thì đi học làm quan

Không thì yên phận ở làng làm ăn

Thợ cày, thợ mộc trong làng

Đời con cuộc sống còn cần đến ta

Dở, hay giữ lấy đạo nhà

Đẽo đục, đục đẽo ai mà dám chê”

Không chỉ giữ gìn, những người thợ Thiết Úng ngày nay còn không ngừng ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển làng nghề và sống tốt nhờ giữ gìn và phát huy nghề truyền thống do cha ông để lại.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Nổi bật
Được quan tâm

Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất