, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 25/10/2021, 08:28

Nghi thức hát bả trạo của người xứ Quảng

PHƯƠNG MINH
Hát (hò) bả trạo là hình thức diễn xướng dân gian mang tính nghi lễ, thường được biểu diễn trong lễ hội Cầu ngư (Nghinh Ông) ở các tỉnh ven biển miền Trung. Xứ Quảng (bao gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay) được coi là vùng lưu giữ khá nguyên bản loại hình nghệ thuật này.
Nghi lễ rước thần Nam Hải (cá Ông) nhập làng trong lễ cầu ngư của làng chài Tam Hải (Núi Thành, Quảng Nam).

Bả trạo, theo gốc Hán - Nôm, có nghĩa là cầm chắc (bả) mái chèo, tay chèo (trạo). Hát bả trạo, vì vậy, được hiểu nôm na là “hát có cầm mái chèo” hay “hát chèo thuyền”. Đội hình hát bả trạo bao gồm 3 ông tổng là tổng mũi, tổng khoang, tổng lái và các con trạo (tay chèo). Tổng mũi còn gọi là tổng tiền, đứng trước mũi thuyền, hai tay cầm cặp sanh tiền để điều khiển đội bả trạo theo từng tiếng gõ. Tổng khoang hay còn gọi là tổng thương, đứng trước khoang thuyền, đầu đội nón chóp, mặc áo 3 màu hoặc áo hình lát chả, chân quấn xà cạp hoặc xắn ống; tay cầm cần câu và gàu tát nước. Tổng lái, đứng sau thuyền, hai tay nắm chèo lái để điều khiển con thuyền đi đúng hướng.

Con trạo hay các bạn chèo được quy định theo đội hình chẵn, thường từ 16 - 20 người với trang phục đặc thù: đầu chít khăn đỏ, lưng thắt vải đỏ, tay cầm chèo được phết sơn đủ màu...

Trong lễ Cầu ngư, khi các nghi lễ tế Ông kết thúc là đến lễ hát bả trạo, bắt đầu bằng nghi thức xây chầu. Đây là một nghi thức bắt buộc của những lễ hát thiêng, hát thờ nói chung, trong đó có lễ Cầu ngư.

Mở màn, vị chủ lễ sẽ tuyên bố khởi lễ, sau đó đọc văn tế. Mỗi phần của bài văn tế hướng đến các đối tượng thờ cúng khác nhau. Mở đầu là cúng Ông, tiếp theo là cúng các vị tiền hiền, hậu hiền và cuối cùng là cúng cô bác (những cô hồn, âm hồn).

Hoàn thành lễ cúng, người chủ lễ sẽ đánh trống - một trống chầu lớn, sơn đỏ, mặt trống phủ vải điều, xoay về hướng biển - mùa xuân thì đánh 3 tiếng nhỏ, mùa hạ đánh 9 tiếng, mùa thu đánh 7 tiếng, mùa đông đánh 5 tiếng và kết thúc bằng 3 hồi trống chầu. Lập tức, đoàn hát bả trạo đánh 3 hồi dài, 9 tiếng trống để đáp lại và bài Lưu thủy cất lên, đội bả trạo theo lệnh bằng tiếng sanh tiền của tổng mũi mà chạy theo đội hình ra giữa sân, xếp thành 2 hàng dọc. Tổng khoang đứng đầu hàng bên phải, tổng lái đứng đầu hàng bên trái, tổng mũi đứng phía trên cùng, giữa hai hàng. Tất cả hướng vào thần điện, làm lễ lạy Ông trước khi trình diễn.

Về kết cấu, hát bả trạo mô phỏng lại một chuyến ra khơi đánh bắt, gồm cảnh bủa lưới, đánh cá; cảnh thuyền gặp bão tố, tai nạn và được Ông cứu giúp; kể về ơn đức của Ông, suy tôn Ông và cầu mong Ông luôn phù hộ độ trì, cứu hộ cho ngư dân bình an. Lời bài hát được hình thành chủ yếu qua các thể thơ như đường luật, thất ngôn bát cú, song thất lục bát, ngũ ngôn… và trình diễn theo lối hát - nói trên nền âm nhạc chính của sân khấu tuồng truyền thống, có dung hợp với âm nhạc Phật học và sử dụng đa dạng các loại hình dân ca (hò, lý…) kết hợp với diễn (hành động) để thể hiện các sắc thái tình cảm của nhân vật hoặc tăng tính sôi nổi, cao trào của nội dung.

Hát bả trạo là loại hình sinh hoạt văn nghệ dân gian mang tính chất lễ nghi đặc trưng của người dân miền biển xứ Quảng. Không chỉ bày tỏ lòng thành kính, biết ơn của dân làng chài với cá Ông, vị cứu tinh đã giúp ngư dân qua cơn thịnh nộ của biển cả, thoát được tai ương, hát bả trạo còn cầu quốc thái dân an, trời yên bể lặng để ngư dân ra khơi được bình an và bội thu tôm cá. Thông qua lời hát và động tác chèo, hát bả trạo còn thể hiện nghi thức tiễn đưa những oan hồn đang vất vưởng về miền cực lạc… Không chỉ xuất hiện trong lễ Cầu ngư, ngày nay, hát bả trạo còn có mặt trong nhiều lễ hội dân gian, hoạt động giải trí, du lịch khác ở các địa phương trong xứ Quảng.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất