, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 08/03/2017, 11:28

Nghịch lý

Lê Huy

Mấy ngày gần đây, trong cộng đồng lại rộ lên chuyện kêu gọi “giải cứu” cho chuối Đồng Nai. Điều đáng nói là chuyện này không mới mẻ gì, bởi đã từng xảy ra, mà không chỉ một, hai lần và cũng không chỉ với chuối. Dưa hấu, thanh long... và nhiều nông sản khác đều đã trải qua những thăng trầm “kêu cứu”. Như một lẽ tất nhiên, tiếp sau thông tin này sẽ là “điệp khúc trồng, chặt, trồng...”. Tình trạng này, cùng với nghịch lý  “được mùa, mất giá” vẫn luôn song hành, tồn tại một cách “bền vững”, bất chấp các giải pháp ở tầm vĩ mô hay sự vùng vẫy của tự thân nông dân, doanh nghiệp. Đó cũng là một nghịch lý: khi chúng ta càng đi tìm câu trả lời thì “cửa thoát” dường như càng xa.

Ai cũng biết rằng cái gì hiếm mới quý. Càng hiếm càng quý. Thế nhưng, nghịch lý của chúng ta là hay chạy theo phong trào, mà không chú trọng đến nguyên tắc trên của thị trường. Nguyên tắc thứ hai là muốn sản xuất lớn, mở rộng diện tích, tăng sản lượng, phải tìm được “đầu ra” - nguồn tiêu thụ ổn định. Sản xuất thời “kinh tế thị trường” mà đặc sản thì không được bảo tồn, gìn giữ một cách có kế hoạch. Khi sực nhớ ra thì rất nhiều loài đã bị thoái hoá, thậm chí không còn. Ở chiều ngược lại, khi thị trường bắt đầu chú ý đến đặc sản thì lại mạnh ai nấy bung ra. Ví dụ như với bưởi da xanh. Nơi nào cũng trồng, địa phương nào cũng rục rịch làm thương hiệu, liệu năm ba năm nữa, bưởi da xanh dội chợ, có còn là đặc sản?

Minh họa


“Nghịch lý” là hai từ mà hội thảo, toạ đàm nào cũng được nhắc đến. Mới đây, tại một tọa đàm về hạt gạo, người ta lại nói về nghịch lý khi chính văn bản ra đời nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển lại khiến cho doanh nghiệp bị “trói chân, trói tay”. Không chỉ vậy, nó còn tác hại đối với cả ngành xuất khẩu gạo.

Trong chăn nuôi cũng vậy. Đơn cử trường hợp con vịt. Có tiềm năng xuất khẩu, cộng với việc Nhà nước luôn chủ trương tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, nhưng doanh nghiệp không làm sao đưa hàng ra khỏi biên giới được, vì chính các quy định của Nhà nước. Cụ thể: Không tiêm vaccine phòng chống dịch thì không được đưa vào giết mổ, còn nước ngoài mà thấy có vaccine trong thịt lại không chấp nhận cho nhập, vì theo họ điều đó đồng nghĩa với việc nguồn gốc của thịt là từ vùng có dịch. Nghịch lý đến tréo ngoe là vậy.

Nghịch lý còn đến từ việc định hướng cho người nông dân trong chọn loại cây, con để nuôi trồng. Bài học từ con gà là dễ thấy nhất. Một thời gian dài, người ta đua nhau nuôi gà công nghiệp giống ngoại mà không chú ý đến gà ta. Đến khi gà công nghiệp nhập khẩu về có giá quá rẻ so với gà nuôi trong nước thì mới sực tỉnh. Tại sao gà ta rất ngon, phù hợp thị hiếu tiêu dùng người Việt, một thị trường rất lớn, chưa kể là khả năng xuất khẩu cũng rất cao, lại bị lãng quên? Sự quay lại kịp thời với các giống gà ta bản địa đã đem lại những hiệu quả rõ ràng cho các doanh nghiệp. Khi đó, nhiều người mới phát hiện ra, đây còn là một lĩnh vực đầy tiềm năng xuất khẩu.

Thời gian gần đây lại rộ lên các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định nâng gói tín dụng ưu đãi cho lĩnh vực này lên con số 100.000 tỷ đồng, thay vì chỉ 60.000 tỷ đồng như trước đó. Vui mừng trước thông tin này, nhưng nhiều doanh nghiệp cũng đề cập đến một nghịch lý tồn tại lâu nay là việc tiếp cận các nguồn vốn vay của doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn. Đây được xem là một trong những hạn chế nghiêm trọng nhất đối với sự phát triển của các doanh nghiệp nông nghiệp. Theo một số khảo sát thì gần 50% số hộ nông thôn không thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, trong khi các doanh nghiệp nhỏ thì thường phải vay từ các nguồn không chính thức, chỉ có các doanh nghiệp lớn mới có thể tận dụng được nguồn ưu đãi này, mà cũng không phải dễ dàng tiếp cận.

Bao giờ mới hết những nghịch lý như đã nêu ở trên? Có lẽ đó là khi giữa chủ trương, chính sách và thực tế có được chiếc cầu nối đủ rộng và thoáng. Vấn đề quan trọng là phải xác định rõ ai chính là người bắc những nhịp cầu này?

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất