, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 18/01/2017, 10:17

Ngôi nhà cũ, cây ổi và cái chuồng gà!

ĐÀO THỊ THANH TUYỀN

Không hiểu sao, mấy chục năm qua rồi, từ gia đình lớn của ba má đến gia đình nhỏ của riêng mình, dù bao lần chuyển nhà, nhưng trong những giấc mơ, tôi luôn thấy lại ngôi nhà cũ, thời ba má tôi mới cưới nhau đến khi chúng tôi lần lượt ra đời và lớn lên tại nơi ấy.

Đó là căn nhà mà ba má tôi thuê. Nó có hai phần, nhà trên và nhà dưới, được ngăn cách bằng cái sân rộng, là nơi cả gia đình tụ tập cùng nhau trong bữa cơm chiều khi tắt nắng, cũng là nơi để anh em tôi tập xe đạp. Nhà trên có kiến trúc theo kiểu nhà ba gian. Một gian ba tôi làm phòng mạch (ông là y sĩ), gian giữa để tiếp khách và một gian là nơi ngủ. Từ nhà trên bước xuống nhà dưới có ba bậc cấp. Ở đây một phòng nhỏ dành cho người giúp việc và còn một khoảng trống, ba tôi làm cái hầm trú ẩn. Thời chiến tranh, gia đình nào cũng phải có một cái hầm trong nhà để tránh bom rơi, đạn lạc. Hầm được làm từ những bao cát đắp xung quanh, phía trên ba tôi đặt cái mặt bàn ping-pong.

Nhà tranh. Ảnh: Wikimedia.
Nhà tranh. Ảnh: Wikimedia.

Phần sân rộng có nhà tắm và một giếng nước là nơi buổi chiều ba tôi gọi lũ chúng tôi ra và lần lượt… xối nước cho từng đứa. Qua hết sân có một gian nhà bếp, tiếp đến một cái phòng mẹ tôi gọi là phòng giữa và kế bên phòng giữa là một gian thông ra toilet phía sau cùng. Trong cái phòng thông ra toilet đó có đặt một cái bàn sinh. Ngày xưa, lũ chúng tôi chơi trốn tìm, ai nấp bên dưới bàn sinh liền bị cho là u mê. Bởi má tôi là cô mụ cho nên sinh bốn người con bà không phải đi nhà thương mà mời bạn về đỡ. Phía sau cùng, ngoài toilet còn có khoảng đất trống có cái chuồng gà và một cây ổi. Trên trán của tôi có một vết sẹo nhỏ, đó là một kỷ niệm không bao giờ quên được. Buổi chiều, sau giấc ngủ trưa, tôi và anh lớn thường kéo nhau ra cây ổi chơi. Ở đó có một thanh sắt dài dùng để khoèo ổi. Hôm đó, bỗng nhiên anh tôi thay vì khoèo ổi lại lấy thanh sắt đánh vào trái ổi cho nó rụng xuống. Kết quả trái ổi không rụng mà cây sắt lại trúng vào trán tôi máu tuôn xối xả. Anh sợ bị má đánh đòn, năn nỉ tôi đừng méc lại người lớn. Tôi đồng ý và câu chuyện cho đến giờ vẫn còn là một bí mật giữa hai anh em.

Cái chuồng gà là nơi cho tôi nhiều bài học về cuộc đời. Tôi biết được thế nào là quá trình nở ra một con gà cho đến khi nó lớn lên. Hồi đó, sáng ngủ dậy, việc đầu tiên của tôi là ra chuồng gà lượm trứng vào cất. Mẹ tôi sẽ lựa ra những trứng tốt cho gà ấp. Rồi đến một ngày, lũ chúng tôi thích thú nhìn những con gà con tự chui ra từ trong vỏ trứng, có con không ra được, dính vỏ thì chúng tôi sẽ giúp nó… Từ cái chuồng gà đó, má tôi gầy dựng không biết bao nhiêu đàn. Hết lứa này đến lứa khác. Sáng mở cửa chuồng cho lũ gà kéo nhau qua vườn nhà người khác, chiều chúng tự động về khi nghe tiếng kêu của má tôi. Hầu như không bao giờ có chuyện gà bị mất cắp!

Do nhà quá rộng, ba tôi lại có tính hào phóng, rộng rãi, thương người nên ông thường cưu mang rất nhiều người từ quê miền Trung vào. Tôi nhớ, khi ấy có gia đình hai vợ chồng bốn đứa con sàng sàng tuổi tôi mà mẹ tôi gọi chết danh là ông bà Hai Bụng bởi ông chồng bị bệnh gì đó có cái bụng trướng lên rất to. Ông bà Hai Bụng có 4 người con, người con trai đầu hơn tôi vài tuổi, tên Phú, có gương mặt và hai cánh tay đầy những vết thẹo do bị bỏng bởi bom napalm. Thiệt tình hồi ấy tôi chẳng bao giờ dám nhìn thẳng vào mặt anh Phú vì sợ, nhưng thỉnh thoảng lại liếc vì tò mò. Cho đến giờ, tôi vẫn không hiểu bằng cách nào mà ba má tôi có thể nuôi từng ấy con người, hết gia đình này đến gia đình khác. Khi vùng quê tạm yên, họ lại khăn gói chào tạm biệt ba má tôi để trở về. Nhớ lại giai đoạn ấy, má tôi chỉ nói: “Chỉ cần lo gạo với nước mắm cho họ thôi, mỗi lần mua cả mấy tạ gạo”.

Nhớ lại những ngày Tết hồi ấy rất vui. Cái sân rộng là nơi má tôi và những người làm chuẩn bị các món ăn ngày Tết. Tay thớt, tay dao… chuyện trò rôm rả. Tết xưa khiến nhớ đôi khi chỉ là nhớ cái hương, cái không khí chộn rộn, ánh mắt, nụ cười của những người thân yêu nay chỉ còn trong tiềm thức. 

Má tôi giờ đã già, Tết của bà bây giờ cũng chỉ là ngồi trong nhà ngó ra bằng đôi mắt đục màu thời gian. Thỉnh thoảng má tôi lại nhắc những ngày Tết xưa, ba tôi thích cái này, em tôi thích cái kia, nhắc đến ngôi nhà cũ có cây ổi và chuồng gà… Bà nhìn xa xăm: “Mấy chục năm qua rồi mà má vẫn thường gặp lại ngôi nhà đó trong những giấc mơ”. Câu nói của má khiến tôi giật mình vì sự trùng hợp những giấc mơ của tôi. Phải chăng, có những quá khứ đẹp khiến dữ liệu của tiềm thức gắn nhãn “không xóa” nên trở thành ký ức không thể nào quên?

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất