, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 01/02/2022, 08:00

Ngồi xuống uống trà

TRÀ NÔ
Từ ấm trà tươi mỗi sáng hay những bình trà thiết đãi khách đến chơi nhà, cho đến những bữa tiệc trà cầu kỳ mang tính nghệ thuật và nghi thức của giới văn nhân... trà vượt lên tính thực tế để trở thành nét văn hóa đặc sắc của người Việt.
Hình minh hoạ

Một vài huyền thoại về cây trà

Người Á Đông biết dùng trà từ rất sớm, có thể là sớm nhất trong lịch sử nhân loại. Họ chế biến cây trà trong tự nhiên để uống, chữa bệnh và sao tẩm thức ăn…

Tác giả Vũ Thế Ngọc trong tác phẩm Trà Kinh có đề cập đến truyền thuyết về trà của người Trung Quốc và Nhật Bản. Đó một câu truyện mang tính huyền thoại liên quan đến một vị thiền sư Tây Trúc, là Bodhidharma - Bồ Đề Đạt Ma. Nhân trong lúc ngồi thiền, muốn để cho mình không ngủ quên đã cắt đứt hai mí mắt của mình vứt xuống đất, từ đó mọc lên cây trà. Người dùng trà đầu tiên là các Thiền sư, họ uống trà để tâm trí được bình thản và không buồn ngủ trong khi ngồi thiền. 

Thần Nông cũng là một nhân vật huyền thoại của Trung Quốc liên quan đến cây trà. Ngoài việc giỏi về nông nghiệp, Thần Nông còn có khả năng tìm ra các loại thảo mộc để làm thuốc, chữa bệnh. Ông vốn là người kỹ tính, luôn ăn chín uống sôi. Trong một buổi chiều chu du ở trong rừng để tìm cây thuốc, ông ngồi nghỉ mệt dưới một gốc cây tỏa bóng mát và nấu nước uống. Một cơn gió thoáng qua, làm lá trên cây rơi vào đúng nồi nước đang nấu, vốn tính thích khám phá nên ông cứ để cho lá cây ấy được nấu. Chú ý quan sát, Thần Nông thấy nồi nước ngã sang một màu xanh trong tuyệt đẹp, theo làn khói của thứ nước lá ấy tỏa ra một mùi thơm nhè nhẹ dễ chịu. Sau đó ông bắt đầu nhắp thử một ngụm nước, ban đầu mới nếm thấy vị đăng đắng, khó nuốt, nhưng khi uống xong, một lúc sau lại có vị ngòn ngọt vương lại ở cổ... Kỳ lạ hơn, sau khi uống, ông thấy tinh thần thư thái, nhẹ nhàng... Cây xanh mà ông ngồi nghỉ, về sau được gọi là cây trà.

Ngoài ra, trong Thân Nông bản thảo kinh cũng có viết “Thần Nông nếm thử trăm loại thảo mộc, một ngày gặp 72 loại độc, nhờ có trà mà giải được độc”. Tương truyền, trong lúc nhiễm độc, ông ngất dưới một gốc cây, những giọt sương tích tụ trên lá cây đã rơi vào miệng ông. Sau khi uống những giọt sương này, ông dần tỉnh lại. Từ đó mới biết được là trà có dược tính.

Trải qua thời gian hàng nghìn năm, cả thế giới uống trà và trồng trà. Trước đây, nhiều quan điểm cho rằng Trung Hoa là trung tâm truyền bá cây trà và nghệ thuật uống trà ra bên ngoài. Thế nhưng, cây trà nguyên sinh lại không được tìm thấy ở vùng Trung Nguyên. Theo tác giả Vũ Thế Ngọc, vùng đất Bách Việt xưa chính là nơi xuất phát điểm của trà.

Người Việt uống trà

Trước đây, người Việt mình thường uống trà tươi. Sau này, để tăng thêm hương vị, trà được ướp với các loại hoa như sen, ngâu, sói, nhài, cúc... Đối với người sành uống trà, điều đặc biệt là trà phải được pha trong bình (ấm) bằng gốm đất nung - sành sứ, chứ không được pha trong ấm kim loại như ấm đồng. Vì khi hỏa khí gặp kim khí sẽ tạo ra mùi tanh và dùng nước nấu trong ấm đồng pha trà sẽ bán đi mùi vị tinh khiết của trà.

Xưa kia, những nhà quyền quý thường sắm đủ bộ đồ trà theo phong cách Trung Hoa (bộ đồ trà Tàu) để dành đãi khách quý. Vua chúa quan lại mỗi lần có dịp đi sứ sang Trung Quốc đều sai các quan đặt làm bộ đồ trà này ở các quan diêu của Cảnh Đức Trấn. Thời Trịnh - Nguyễn, nhà Tây Sơn rồi đến thời Nguyễn sau này, đặc biệt là từ thời Gia Long đến Tự Đức, các bộ đồ trà gốm được đặt làm ở gốm sứ Cảnh Đức Trấn càng nhiều. Những bộ đồ trà chế tác tinh xảo, cũng thuộc dạng quý hiếm chỉ nhà khá giả mới có điều kiện sở hữu. Các bộ ấm tử sa nổi tiếng này được quý như báo vật gia truyền.

Điều đặc biệt khiến trà được ưa chuộng là vì những công dụng dược liệu vốn có. Theo nhiều sách cổ, trà có thể chữa được bách bệnh. Trong trà có caffeine vừa đủ, giúp trí não luôn được tĩnh thức. Trong trà còn có Tannic acid, chống lại các chất độc alkaloid, tốt cho việc tiêu hóa thức ăn nhiều dầu mỡ. Thế nên, trong những ngày lễ Tết, khi ăn nhiều thức ăn dầu mỡ thì nên kèm với việc uống trà. Ngoài ra, trong trà còn có nhiều loại tinh dầu thực vật tạo nên hương vị thơm ngon và nhiều loại vitamin như A, B2, D, P và C… tốt cho sức khỏe.

Dân gian còn truyền nhau cách dùng trà như một loại thảo dược:

Bán dạ tam bôi tửu,

Bình minh sổ trản trà,

Mỗi nhật cứ như thử,

Lương y bất đáo gia.

Nghĩa là:

Nửa đêm uống ba chén rượu,

Sáng sớm uống vài chén trà,

Ngày nào cũng cứ như thế,

Thầy thuốc không bao giờ tới nhà.

Uống trà mùa xuân

Ngày nay, uống trà đã trở thành một nét văn hóa gắn liền với đời sống thường nhật của người Việt. Người Việt uống trà đơn giản, ít cầu kỳ, không rườm ra quy tắc như như người Trung Quốc hay Nhật Bản. Ở thôn quê, người ta chuộng uống trà tươi hơn trà mạn. Xung quanh nhà luôn trồng vài ba cây trà để mỗi sáng các bà, các mẹ dậy sớm, nhóm bếp, hái lá trà xanh vào nấu nước. Những lúc trời mùa đông trở lạnh thì bỏ thêm vài lát gừng đập dập, uống cho ấm bụng.

Người Việt từ lúc sinh ra và lớn lên đã quen với hương trà, vị trà và thói quen uống trà của ông bà. Một thức uống chan chát, đăng đắng nhưng thân quen và níu giữ nhiều ký ức, nhiều niềm gắn kết. Bất cứ dịp quan trọng nào cũng có sự xuất hiện của trà. Ở các lễ cúng đình, chùa, miếu… hay đơn giản là ở mỗi gia đình vào các ngày kỷ niệm, cúng giỗ, trà luôn xuất hiện như “đầu câu chuyện”. Rót một chén trà và bắt đầu bày tỏ các tâm tình. Với Tổ tiên và các lễ cúng cũng vậy, trà mở đầu cho những lời cầu khấn và tương thông.

Mùa xuân thời tiết mát mẻ, cây trái đâm chồi nảy lộc, hoa nở muôn nơi. Mọi gia đình đều sum họp trong thời khắc thiêng liêng đêm giao thừa - đánh dấu sự chuyển tiếp giữa năm cũ và năm mới. Trong lễ cúng quan trọng ấy, ngoài các lễ vật như bánh, mứt, trái cây thì ba chung trà là thứ không thể thiếu. 

Trà cúng đêm giao thừa với nhà kỹ tính, trọng lễ nghi, thì nhất mực phải là loại trà ngon, thượng hạng và đặc biệt phải là những gói trà mới khui lần đầu. Khi đó, những gì dâng cúng những đấng thần linh, ông bà Tổ tiên luôn là những điều nguyên bản, tinh khiết nhất. Đó là thể hiện sự tôn kính.

Vào ngày Tết, người lớn thường dậy rất sớm, các cụ ông, cụ bà nấu nước pha bình trà thật thơm ngon, trước là mời Tổ tiên, sau là quây quần bên gia đình. Hương trà nóng thoang thoảng bên khay bánh mứt, mâm ngũ quả, đôi lục bình cắm đầy hoa cúc, huệ, vạn thọ... thêm cành mai vàng, hay cành đào hồng, góp thêm những sắc vị đặc biệt cho những ngày đoàn viên thêm ý nghĩa.

Trà là món quà đặc sắc cho những dịp thăm viếng ngày Tết, là “lời chào hỏi” của chủ nhà dành cho khách đến chơi. Cùng với vị ngọt của bánh mứt, trà thay lời chúc tốt lành cho năm mới nhiều hứa hẹn. Khác với ngày thường, dẫu đã thân quen, người đến chúc Tết đều được mời trà vô cùng cung cách.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm



Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất