, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 10/05/2023, 10:30

Ngọt lành thốt nốt

NGUYỄN HÀ QUỐC ANH
Hồi nhỏ, mỗi lần nghe, “thốt nốt hô…..ôn” là tôi tuôn chạy ra đường, đứng đón đầu chủ nhân của tiếng rao kia, chờ mua nước thốt nốt. Ký ức về thốt nốt của tôi gắn với hình ảnh mấy chị, mấy cô mặc áo bà ba, gánh kẽo kẹt những ống tre lồ ồ chứa đầy nước thốt nốt. Những đôi chân bước thoăn thoắt trên đường quê nghiêng nghiêng nắng sớm. Đó là những gì tôi hay thấy hồi năm một ngàn chín trăm hồi đó ở xứ Bảy Núi, An Giang…
Nếu đi giữa ruộng lúa miền Tây mà thấy cây nào cao và thẳng tắp lạc bầy thì đích thị là cây thốt nốt.

Nước thốt nốt thoang thoảng mùi khói, vị ngọt thanh, và mát tận cổ họng. Lúc nhỏ, tôi cứ tưởng nước thốt nốt lấy từ trái thốt nốt như nước dừa. Về sau mới biết, nước lấy từ hoa. Cây thốt nốt cao vút, dáng giống cây dừa, mà cũng giống cây cọ được phóng đại chiều cao. Cây được trồng giữa đồng, thường trồng cặp bờ đất để giữ đất. Sáng sớm, người nông dân leo đến tận ngọn cây, cắt một vệt ở bông thốt nốt, rồi dùng ống tre hoặc chai nhựa hứng nước chảy ra từ vết cắt này.

Nước thốt nốt đem về, lọc qua một tấm vải mùng để gạn hết côn trùng, tạp chất lẫn vào trong quá trình lấy nước. Phần nước đã được lọc sạch được đem cho vào một cái chảo, bắc lên bếp nấu trong vòng 4 giờ. Suốt thời gian đó, người thợ phải giữa lửa cháy đượm, cháy đều, tay thì khuấy liên tục. Thành phẩm của các công đoạn kỳ công đó là một chất sền sệt, màu vàng nâu, chính là đường thốt nốt.

Trái thốt nốt có ngoại hình gần giống trái dừa.

Vào cái thời mà đường cát trắng tràn lan khắp thị trường, đường thốt nốt chợt trở nên… nhà quê. Người ta thích ăn đường trắng, cho sang chảnh, hợp mô-đen. Họ có biết đâu, chính cái đường vàng óng ánh sền sệt đó mới là thứ tuyệt vời mà chừng hai chục năm sau họ lại quay quắt kiếm.

Đường thốt nốt dân bản xứ gọi là đường chảy.

Bây giờ, vào cái thời của những thức quà quê thuận tự nhiên, thời của ăn sạch, của dinh dưỡng thuần khiết, thì đường thốt nốt trở thành một loại đồ ngọt thượng hạng. Chỉ riêng ở quê tôi, đường thốt nốt đã tạo nên cái vị ngon tuyệt vời của những con mắm cá nước ngọt, làm nên thủ phủ mắm Châu Đốc nổi tiếng khắp nơi. Đường thốt nốt lại làm nên nồi kho quẹt đặc sệt thơm lừng mà ko cần phải gia cố thêm phụ gia tạp chủng.

Nồi kho quẹt với đường thốt nốt: mùi vị thơm ngon, màu đẹp tự nhiên.

Bây giờ, cái tên “đường thốt nốt” đã không còn xa lạ với người Việt tứ xứ. Nhưng để tìm được miếng đường thốt nốt nguyên chất thì không phải dễ. Loại đường sền sệt, màu vàng cánh gián, cả chất lẫn màu đều được tạo nên bởi công đoạn nấu chậm cho cô đặc trên bếp lửa. Thường, nước thốt nốt đem về phải nấu trên lửa tầm 3 - 4 tiếng cho sệt lại. Vì vậy, đường càng cứng, càng trắng, thì càng xa rời với phẩm chất của thốt nốt.

Tôi hay dặn những người bạn Sài Gòn: đừng thấy cái gì trắng tinh, tròn trịa, cứng ngắc xếp từng khoanh mà tưởng thốt nốt nguyên chất. Đó chỉ là cô gái lai tạp giữa “bà mẹ” thốt nốt tha hương ép duyên cùng “ông” Mía đường nào đó qua bà mai mối tên 5 Bột.

Nồi mắm cá linh vừa chao đường thốt nốt.

Khổ nỗi, thời giờ, đường thốt nốt vàng nâu có khi chết chìm trong thế giới muôn vàn loại đường lai tạp mà giả danh thốt nốt. Nhiều người còn tưởng những loại đường giả tạm kia là thốt nốt thật. Thế nhưng, nếu đem kho cùng một loại cá nước ngọt bất kỳ, thì không một loại đường pha-ke (đạo nhái) nào có thể qua mắt người xứ thốt nốt Bảy Núi…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất