, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 15/12/2017, 07:03

Ngọt ngào "mía tiến Vua"

Loại mía có tên là “mía cơm rượu” mà dân gian thường gọi thực chất là giống mía ngày xưa dùng để “tiến Vua”, có nguồn gốc từ cây mía xứ Kim Tân (thuộc huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa).

Có thể tên gọi “mía cơm rượu” là do ngày xưa, khi vận chuyển mía từ Thanh Hóa về kinh thành Huế phải mất một thời gian nhất định, trong khi giống mía này có độ ngọt cao, dễ chuyển hóa một tỉ lệ thành rượu nên khi ăn mía có mùi thơm như cơm rượu nếp cẩm hương.

Theo như lời kể các thế hệ trước, xưa kia vua Quang Trung đi đánh giặc Thanh đi qua vùng đất này và cho quân lính nghỉ ngơi ở đây. Mọi người lấy mía ra thiết đãi. Nhà vua ăn thì thấy mía rất thơm ngon. Ông đã hỏi người dân vùng đất này có tên là gì mà ăn mía ngon như vậy. Dân chúng nói nơi đây có tên là Kim Tân, vì thế nhà vua lấy tên đặt cho cây mía.

Hình minh họa (Nguồn: Internet)
Hình minh họa (Nguồn: Internet)

Nhà vua căn dặn người dân cố gắng duy trì cây mía này. Sau khi đại phá quân xâm lược nhà Thanh, vua Quang Trung đã có chiếu dụ tổ chức hội mía tại Phố Cát (Thanh Hóa).

Đến thời nhà Nguyễn, năm nào cũng cử người và xe ngựa ra bứng, chở từng bụi mía Kim Tân vào kinh thành Huế dâng vua. Ngọn và gốc mía được đưa ra ngoài dân gian và được nhân giống trên mảnh đất xứ Huế cho đến ngày nay.

Mía cơm rượu có “họ hàng” với giống mía tím với thân mía cao to, đốt thưa, mắt nhỏ, vỏ màu đỏ pha tím sẫm. Tuy nhiên ruột giống cây mía tím có màu trắng sữa, còn ruột mía cơm rượu có màu đỏ pha nâu nhạt.

Loại mía này bổ dưỡng và rất lành nên còn gọi là mía thuốc. Một ly nước mía ướp lạnh có thể làm du khách dịu ngay cơn khát trưa hè. Vào mùa đông bên bếp than hồng được ngồi nhâm nhi túi mía Kim Tân hấp nóng ngào ngạt hương bưởi thì thật thú vị.

Giống mía này tuy ngon, giàu dinh dưỡng nhưng không dễ trồng và năng suất không cao so với các giống mía khác. Giá bán thường cao gấp nhiều lần so với các giống mía thông thường. Do đặc tính cao về chất lượng, lại bắt măt về hình thức nên giống “mía tiến vua” xứ Huế được người tiêu dùng ưa chuộng.

Các lão nông vùng Quảng Điền cho hay, mía cơm rượu khi trồng ở Huế, thường thích hợp với các vùng đất bãi bồi cao, thoát nước trên lưu vực các con sông. Lưu vực phù sa sông Bồ đã làm nên một “thủ phủ” của giống mía quý hiếm này tại xã Quảng Phú.

Vào dịp từ tháng 10, 11, 12 (âm lịch) hàng năm là mùa thu hoạch mía. Thời điểm này mía cơm rượu được bày bán hầu khắp các chợ xứ Huế. Đấy là giống mía chỉ dùng để “ăn vặt” chứ không ép lấy nước uống. Thương lái đến gặp các chủ vườn mía và mua sỉ tại đây; sau đó sẽ dùng xe tải chở đi bán khắp nơi. 

Thùy Dung (Theo Báo Thừa Thiên Huế và Thanh Niên)

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất